Nháo nhào chuyện các mẹ lập hội “tẩy chay” vaccine

Kim Giang,
Chia sẻ

Vụ việc trẻ tử vong do tiêm vaccine viem gan B vẫn chưa lắng xuống thì vừa qua, tại Lâm Đồng, một trẻ nhỏ sau khi tiêm vitamin K một ngày đã tử vong khiến các bà mẹ trẻ có con trong độ tuổi tiêm chủng như ngồi trên đống lửa.

Tiêm hay không tiêm?

Đó là nỗi băn khoăn của rất nhiều bà mẹ trẻ sau hàng loạt những vụ lùm xùm về vaccine vừa qua. Không những thế, sự việc vẫn đang gây “bão” dư luận thì nghi án về một trẻ nhỏ ở Lâm Đồng, sau khi được bác sĩ tiêm vitamin K để ngừa xuất huyết não cũng tử vong và chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Trên khắp các diễn đàn, các bà mẹ đang có con trong độ tuổi tiêm chủng đứng ngồi không yên, hoang mang lo lắng.

Điều khiến nhiều bà mẹ trẻ giật mình là việc tiêm vaccine viêm gan B hay vitamin K cho trẻ sau sinh được các bệnh viện thực hiện chưa có sự thống nhất. Nơi thì cứ tự động tiêm vì nói đó là trong chương trình tiêm chủng quốc gia và rất ít cha mẹ được hỏi ý kiến trước khi tiêm cho con. Nơi thì không thấy tiêm bất cứ mũi nào.

Chị Khổng Thủy, nhà ở khu tập thể Thành Công (Q. Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đẻ ở bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đẻ xong cũng không thấy y tá, bác sĩ nào hỏi về việc sẽ tiêm vaccine viêm gan B hay vitamin K cho con. Chỉ khi ra viện thấy có một giấy chứng nhận đã tiêm vaccine viêm gan B. Lúc đó mình mới biết con mình đã được đi tiêm”.

Còn chị Minh Hồng nhà ở khu Kim Giang (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) năm ngoái sinh con tại bệnh viện Việt Nhật kể: “Mình sinh bé xong thì có y tá hỏi là có cho con tiêm vaccine viêm gan B hay không. Do có một bác sĩ quen có nói là nên để sau 3-4 ngày mới tiêm cho cháu nên tôi nói không tiêm. Còn vitamin K thì không thấy ai nhắc tiêm hay uống. Nghe nói loại vitamin này uống để phòng ngừa việc xuất huyết não, nếu trẻ nào có nguy cơ cao thì bác sĩ sẽ thăm khám và cho uống”.

“Tôi đẻ ở viện 108 của quân đội. Trước khi đẻ tôi có hỏi bác sĩ, y tá trong đó để cho con được tiêm ngay vaccine thì họ bảo đây là mũi tiêm nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nên trẻ nào cũng được tiêm hết. Nếu mẹ bị mắc viêm gan B rồi, thì con sẽ được tiêm huyết thanh để có thể phòng ngừa cao hơn. Còn vitamin K với những trẻ đẻ mổ thì sẽ được tiêm cả mẹ và con để phòng ngừa xuất huyết não.”, chị Thu Hạnh (28 tuổi), nhà ở khu Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.

Nháo nhào chuyện các mẹ lập hội “tẩy chay” vaccine 1
Chị Thu Hạnh (28 tuổi), nhà ở khu Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

“Mình sinh con ở một bệnh viện khu Hà Đông, đẻ xong chẳng thấy ai nói tiêm cho con cái gì cả. Trước đó, qua tìm hiểu trên phương tiện truyền thông, mình biết sau sinh con sẽ được tiêm vaccine viêm gan B và có thể được uống hoặc tiêm vitamin K để phòng ngừa xuất huyết. Hay ở chỗ mình đẻ họ lại “ăn bớt” của trẻ em rồi”, chị Thu Hồng – nhà ở khu Ba La, Hà Đông bức xúc.

Cũng đẻ ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Diệp Sa (26 tuổi) cho biết khi đi tiêm hay uống vitamin K bác sĩ đều vào hỏi ý kiến bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. Sau đó cũng có giấy chứng nhận là cháu đã được tiêm và uống vitamin đầy đủ.

Nháo nhào chuyện các mẹ lập hội “tẩy chay” vaccine 2
Chị Diệp Sa

Trên nhiều diễn đàn, trang mạng, các bà mẹ thi nhau chia sẻ về việc tiêm chủng cho con. Có những người còn cực đoan viết sẽ “cạch” tất cả các loại vaccine cho con từ giờ trở đi: “Mình vừa ngồi điểm lại thì từ lúc đẻ ra tới lớn tiêm tới gần 20 loại vaccine đủ loại vào người con thật sợ quá đi thôi. Do đó thôi đành tự “cứu” con mình. Giờ chẳng cho đi tiêm cái gì hết, cho cháu phát triển tự nhiên. Ngày xưa, ông bà ta có tiêm tách cái gì đâu mà vẫn sống khỏe, giờ tiêm lại nhiều biến chứng thế này”, nick mẹ tít tâm sự.

Có rất nhiều chị em cũng ủng hộ ý kiến này và đòi lập hội những người phản đối tiêm chủng. Không chỉ thế, mọi người còn băn khoăn về quy trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh ở các bệnh viện là khác nhau. “Vẫn biết là vaccine viêm gan B và vitamin K nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia dành cho trẻ ngay sau sinh. Nhưng các bệnh viện hình như không có sự thông nhất, cũng ít tư vấn đầy đủ cho gia đình hiểu về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của những loại kể trên. Để khi xảy ta những sự việc đáng tiếc lại tranh cãi nhau…”, chị Hồng Hải thở dài nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tẩy chay tiêm chủng của một số mẹ, thì vẫn còn rất nhiều mẹ khác vẫn muốn tiêm phòng cho con. Nhưng điều băn khoăn lớn nhất của các mẹ vẫn là tiêm ở đâu là tốt nhất và an toàn cho con của họ?

Vẫn nên cho con tuân thủ quá trình tiêm chủng

Về vaccine viêm gan B có phần phổ biến và nhiều bậc cha mẹ đã hiểu rõ tác dụng. Riêng với vitamin K, bác sĩ Hoàng Tùng, làm việc tại khoa nhi một bệnh viện quân đội chia sẻ: Vitamin K là vitamin tan trong chất béo. Thức ăn và sữa mẹ cung cấp vitamin K cho cơ thể. Mặt khác, vitamin K được tổng hợp từ vi khuẩn đường ruột. Vitamin K có vai trò đặc biệt trong quá trình đông máu, tạo thành phức hợp prothrombin cần cho tạo cục máu đông, tránh xuất hiện chảy máu.

Trẻ nhỏ khi sinh ra được nuôi bằng sữa mẹ là tốt nhưng hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp, chỉ từ 2-5mcg/lít. Trong khi lượng dự trữ loại vitamin này ở trẻ mới sinh là rất thấp. Thứ hai là hệ vi khuẩn ở ruột của trẻ chưa phát triển nên chưa tổng hợp được vitamin K dẫn đến việc thiếu vitamin K ở trẻ. Vì thế trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não - màng não thường để lại những di chứng nặng nề.

Tiêm vitamin K cho trẻ mới sinh là một biện pháp dự phòng chủ động, tránh hiện tượng xuất huyết não - màng não hay gặp ở trẻ lúc khoảng 1 tháng tuổi. Có hai cách là tiêm và uống hiệu quả đều như nhau.

Việc bé ở Lâm Đồng tử vong sau khi có tiêm vitamin K vẫn chưa có kết luận chính thức. Về lâu dài đây là biện pháp tốt, an toàn, các bà mẹ vẫn nên cho con tiêm sau khi nhận được sự tư vấn đầy đủ từ bác sĩ.



Sốc phản vệ và những lưu ý quan trọng khi cho bé đi tiêm phòng
Nháo nhào chuyện các mẹ lập hội “tẩy chay” vaccine 3
Chia sẻ