Nguyên tắc sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý

MKM,
Chia sẻ

Phấn rôm trẻ em từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong việc chống hăm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, những thông tin gần đây về việc phấn rôm chứa chất gây ung thư đã khiến nhiều mẹ hoang mang, lo lắng.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng đọc qua các bài báo về lùm xùm xoay quanh vụ phấn rôm trẻ em có liên quan đến bệnh ung thư. Với tư cách làm cha mẹ, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn tự hỏi rằng liệu phấn rôm có an toàn với trẻ sơ sinh hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu về vấn đề này.

Mẹ bỉm sữa hoang mang vì thông tin phấn rôm trẻ em gây ung thư

Thành phần chính của phấn rôm là bột talc. Bột talc ở dạng tự nhiên có chứa amiăng – chất này không nghi ngờ gì là nguyên nhân gây ung thư khi hít vào hoặc nuốt phải. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ở Mỹ đã từ lâu các sản phẩm phấn rôm đều không có chứa amiăng.

Phấn rôm mà chúng ta hay dùng để rắc lên mông trẻ sơ sinh thường được làm từ: bột talc, bột ngô hoặc bột dong. Ngoài việc dùng để chống hăm cho trẻ sơ sinh, nhiều người phụ nữ còn dùng phấn rôm của trẻ rắc lên vùng kín để loại bỏ mùi hôi. Và cả nam giới và phụ nữ đều có thể sử dụng phấn rôm bôi lên các phần cơ thể khác, bôi vào các vết phát ban hoặc để giảm ma sát với quần áo.

Nguyên tắc sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 1.

Phấn rôm là sản phẩm phổ biến với các mẹ bỉm sữa (Ảnh minh họa).

Vào tháng 7 năm 2018, một thương hiệu phấn rôm trẻ em nổi tiếng là Johnson & Johnson đã bị đưa ra tòa án và phải bồi thường hàng triệu đô la cho 22 phụ nữ tố cáo sử dụng phấn rôm khiến họ bị ung thư buồng trứng.

Tính đến nay, hơn 6.000 vụ kiện đã được đệ trình chống lại nhà sản xuất Johnson & Johnson. Hầu hết trong số đơn đã được nộp với lý do phụ nữ bị ung thư buồng trứng do đã sử dụng loại phấn rôm này trong nhiều năm qua trên vùng kín của mình.

Tuy nhiên, Johnson & Johnson khẳng định rằng các sản phẩm phấn rôm của họ không chứa amiăng. Nhưng vào tháng 4 năm 2018, nhà sản xuất phấn rôm này đã bị kết tội trong một phiên tòa cáo buộc họ bán phấn rôm trẻ em nhiễm độc.

Nguyên đơn là một người tên là Stephen Lanzo. Ông nói rằng ông bị ung thư trung biểu mô, đó là một loại ung thư chết người liên quan đến phơi nhiễm amiăng. Stephen Lanzo nói rằng ông bị mắc loại ung thư này do sử dụng thường xuyên phấn rôm của Johnson & Johnson ngay từ khi sinh ra (năm 1972). Tuy nhiên, nhà sản xuất phấn rôm vẫn cho rằng sản phẩm phấn rôm của họ không chứa amiăng.

Vì sao phấn rôm trẻ em được cho là gây ung thư?

Các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa bột talc với ung thư buồng trứng và ung thư phổi. Khi nói đến ung thư phổi, mọi thứ khá rõ ràng: những người tiếp xúc với bột talc ở dạng tự nhiên trong công việc (như thợ mỏ) có nguy cơ phát triển ung thư phổi do hít phải các hạt bột talc thường xuyên.

Nguyên tắc sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 2.

Các nhà khoa học điều tra mối liên hệ giữa phấn rôm và ung thư buồng trứng thực sự đã tìm thấy các hạt bột talc trong các khối u buồng trứng (Ảnh minh họa).

Mối liên quan giữa ung thư buồng trứng và các sản phẩm có chứa bột talc phức tạp hơn một chút. Các chuyên gia y tế cho biết khi các sản phẩm có chứa bột talc dùng trên vùng sinh dục, bột talc có thể xâm nhập vào cơ thể. Các nhà khoa học điều tra mối liên hệ giữa phấn rôm và ung thư buồng trứng thực sự đã tìm thấy các hạt bột talc trong các khối u buồng trứng.

Trong một phân tích tổng hợp gần đây năm 2018 của tất cả các nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa ung thư buồng trứng và việc sử dụng phấn rôm, một kết nối đã được xác nhận, mặc dù chỉ là một kết nối yếu. Yếu bởi vì phương pháp luận của hầu hết các nghiên cứu liên quan đến phụ nữ được yêu cầu hồi tưởng lại thời điểm khi họ bắt đầu sử dụng phấn rôm. Và thật khó để xác định và đo lường tính chính xác của ký ức này.

Hiệp hội Ung thư Mỹ xác nhận rằng không có tài liệu chứng minh sự liên kết giữa các sản phẩm mỹ phẩm có chứa bột talc và ung thư phổi.

Cách sử dụng phấn rôm an toàn với trẻ nhỏ

Như vậy, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa xác nhận phấn rôm trẻ em gây ung thư. Nhưng chắc chắn có một lưu ý là sử dụng phấn rôm cho trẻ nhỏ phải đặc biệt cẩn trọng.

Nguyên tắc sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 3.

Không bao giờ rắc phấn rôm trực tiếp lên bé (Ảnh minh họa).

Đặt vấn đề ung thư sang một bên, phụ huynh cũng nên nhớ nếu em bé hít phải phấn rôm thì cũng có thể gây ra các vấn đề hô hấp. Ngoài ra, không có lý do gì để dùng phấn rôm như một loại thuốc. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không thể ngừng sử dụng phấn rôm cho bé, hãy nhớ những nguyên tắc sau:

- Không bao giờ rắc phấn rôm trực tiếp lên bé. Có thể rắc phấn rôm lên một chiếc khăn sạch trước, sau đó vỗ chiếc khăn lên cơ thể bé.
- Tránh để nó vào mắt của bé.
- Đừng rắc phấn rôm lên vùng sinh dục của bé.
- Giữ phấn rôm cách xa mặt và vùng mặt của bé để tránh nguy cơ hít phải.
- Nếu có thể, hãy chọn các sản phẩm không chứa bột talc, chẳng hạn như phấn rôm được làm từ tinh bột ngô, tinh bột dong hoặc tinh bột sắn.
- Cân nhắc việc thay thế phấn rôm bằng kem chống hăm nếu bố mẹ hay dùng phấn rôm để phòng ngừa hiện tượng hăm tã cho con mình.

Nguồn: American Cancer Society, CNN, Insider

Chia sẻ