Nguy hiểm tinh hoàn bé trai... bị lạc

,
Chia sẻ

Bé Minh đã hơn 4 tuổi. Mấy lần tắm cho con, chị Lan cứ thắc mắc, chẳng hiểu sao con chỉ có một bên tinh hoàn.

Bé Minh đã hơn 4 tuổi. Mấy lần tắm cho con, chị Lan cứ thắc mắc, chẳng hiểu sao con chỉ có một bên tinh hoàn. Hồi đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc con, chị nghĩ là con còn bé nên thế, cứ đợi lớn lên là đầy đủ. Nghe mấy chị ở cơ quan khuyên, chị mới cho con đi khám. Bác sỹ bảo bé Minh, tinh hoàn bị... lạc.

Khi thai nhi ở trong bụng mẹ, tinh hoàn các bé trai xuất hiện thường làm một cuộc hành quân từ tuyến sinh dục nguyên thủy nằm ở vùng thắt lưng, thành sau của bụng, xuống bìu.

Theo lẽ tự nhiên, từ tháng thứ 3, hai anh em nhà tinh hoàn sẽ tới ngôi nhà mới là bìu và yên vị ở đó tới tháng thứ 8 của thai kỳ. Nhưng trên thực tế, rất nhiều tinh hoàn bị lạc. Có thể, tinh hoàn la cà ở tầng sinh môn, nếp bẹn, mu hoặc cung đùi.

Có trường hợp, tinh hoàn lúc ở bìu, lúc lại co lên ống bẹn. Lấy ngón tay đẩy tinh hoàn xuống bìu thì được, nhưng khi bỏ tay ra, tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu. Đây là trường hợp thường gặp ở các bé trai sơ sinh hoặc dưới 6 tháng tuổi. Có thể tinh hoàn ẩn cả hai bên, hoặc một bên, thường ẩn bên phải.

Thông thường, trong quá trình mang thai, có thể tinh hoàn vẫn tìm được đường về nhà trong những tháng cuối của thời gian mang thai. Nhưng vì một số lý do như trẻ sinh thiếu tháng, sinh non, tinh hoàn chưa hoàn thành được chu trình của mình. Với những bé sinh đủ tháng, trường hợp lạc tinh hoàn sẽ xảy ra ít hơn.
Bé trai bị lạc tinh hoàn cần được điều trị trước 5 tuổi
(Ảnh minh họa)

Phát hiện tinh hoàn lạc chỗ

Khi bé vừa chào đời, bố mẹ có thể kiểm ra và phát hiện ra ngay bệnh của bé. Nhưng bố mẹ cũng đừng quá hốt hoảng. Theo các nghiên cứu cho thấy, bé dưới một tuổi, tinh hoàn vẫn có khả năng tự tìm đường trở về bịu mà không cần phải phẫu thuật.

Cách kiểm tra tinh hoàn bị lạc chỗ là: bố mẹ kiểm tra bìu của con, thấy túi bìu không cân đối. Một bên trông bình thường, một bên trông xẹp lép hoặc cả bên đều nhỏ và xẹp. Bố mẹ có thể nắn vào bìu, không thấy tinh hoàn cả ở một hoặc hai bên. Có thể nắn thấy tinh hoàn ở bẹn.

Từ 2 tuổi trở lên, nếu tinh hoàn của bé trai vẫn bị lạc chỗ, bố mẹ cần phải đưa con đến khám ở bác sỹ và nghe tư vấn trực tiếp. Có thể, bé sẽ phải siêu âm, nội soi ổ bụng để xác định xem tinh hoàn nằm ở đâu, điều trị bằng phẫu thuật hoặc thuốc nội tiết.

Bố mẹ đừng chủ quan, cho rằng bệnh lạc tinh hoàn ở bé trai là không quan trọng. Có thể trong vài năm đầu, điều này không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Nhưng khi bé lớn lên, bé có thể bị rơi vào một số trường hợp như: teo nhỏ tinh hoàn (thường xảy ra ở tuổi dậy thì), dẫn tới vô sinh hoặc thoái hóa, ung thư tinh hoàn.

Đặc biệt, khi bé trên 5 tuổi mới điều trị bệnh lạc tinh hoàn thì những điều nguy hiểm trên có nguy cơ càng cao.
 
Thu Hằng
Chia sẻ