Người đẹp ơi, tính tiền!

Me&be,
Chia sẻ

Ăn xong bữa tối cùng bố mẹ tại nhà hàng, Poca (5 tuổi) hồn nhiên nói to câu ấy khiến mọi người xung quanh cười ầm.

Chưa kịp nhắc con không được nói thế, Tuyết (mẹ Poca) đã thấy chồng vỗ vai con tán thưởng: ‘Thằng này thế mà khá’.

Bình thường, Poca rất hiếu động, học hỏi và tiếp thu rất nhanh. Vì thế, mỗi khi đi ăn hàng với bố, nghe bố gọi: “Người đẹp, tính tiền” hay “Em gì ơi, thanh toán” là Poca bắt chước luôn. Được bố hưởng ứng dù mẹ cau mày khó chịu nên Poca chẳng e ngại gì.

Cũng hồn nhiên phát ngôn như Poca là cu Ben (4 tuổi). Ăn xong quả chuối, cu Ben vô tư nói: “Còn mỗi cái vỏ, ném mẹ nó đi”. Chưa kịp phản ứng trước kiểu ăn nói của con, Nhi nhăn nhó khi ông nội hưởng ứng: ‘Đúng rồi, ném cha nó vào thùng rác để ông mang đi đổ’. Sau đó, hai ông cháu cười vang.

Trợn mắt quát con: “Ai cho con ăn nói vớ vẩn thế hả?” thì Nhi đã “cứng họng” vì ông nội: “Kệ nó, vài tuổi nữa đi học lớp 1, cô giáo rèn phải ngoan hết”.

Vợ chồng Nhi rất chú trọng trong việc dạy con, ngay từ khi cu Ben còn nhỏ. Tuy nhiên, từ ngày có thêm bé thứ hai, lại chưa tìm được người giúp việc, cả nhà Nhi tạm chuyển về sống chung với ông bà nội để bà nội trông cháu thì cu Ben hay bắt chước ông nói từ xấu. Đã thế, chiều con nên chồng Nhi cũng không mắng con mà còn cười đùa theo. Bà nội cũng thế, khiến cu Ben cứ tưởng thế là hay lắm nên thường xuyên nói bậy.

Không sống cùng ông bà nội như Nhi nhưng hiện tại Diễm (Hà Đông, Hà Nội) vì cậu con trai 5 tuổi hay quát: “Con kia, rót cho cốc nước” với cô bé osin mới 14 tuổi nhà mình. Những lúc thế, chồng Diễm vỗ tay hưởng ứng: “Thằng này giỏi hơn bố là cái chắc”. Diễm khó chịu phản ứng thì chồng cô cười giải thích: “Nói đùa tý thôi mà, em đừng nghiêm trọng quá”. Những lúc có mặt ở đấy, Diễm nghiêm nghị quát con không được hỗn thì cu con cười toe toét.

Một hôm có cô bạn cùng công ty đến nhà chơi, thấy con trai chống tay gọi giúp việc: “Con kia...” Diễm điên tiết tét đít con mấy cái vì sợ người ngoài đánh giá là không biết giáo dục con. Hoặc có khi, Diễm phải lờ đi như không nghe thấy và lái nhanh sang chuyện khác để chữa ngượng.

Các chuyên gia cho rằng, ở lứa tuổi 2-6, các bé rất thích bắt chước và điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bé. Bởi thế, bé có thể nói lại y hệt những câu từ bố mẹ, ông bà, người xung quanh mà bé nghe được. Không chỉ nói, các bé còn có xu hướng bắt chước y hệt hành động, việc làm... của người xung quanh. Trong khi đó, ở độ tuổi này, bé chưa ý thức được lời nói nào là đúng – là sai, là nên hay không nên...

Vì thế, nếu bố mẹ nói năng chừng mực thì sẽ là tấm gương tốt cho con. Ngược lại nếu trong nhà có người dùng ngôn ngữ không đẹp thì bé rất dễ “bị nhiễm”. Khi nghe thấy con nói “từ lạ”, cha mẹ không nên vội vã quát tháo, mắng mỏ. Thực sự bé không hiểu hết nghĩa của từ mà chỉ dùng như một cách bắt chước người khác. Do đó, cần nghiêm khắc giải thích để bé hiểu và có hình phạt thích đáng, nếu cần.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên phân biệt lời nào của bé là ngộ nghĩnh, buồn cười; lời nào là ngôn ngữ bậy bạ, cần tuyệt đối tránh.

Cha mẹ và bé cũng có thể thực hiện trò chơi phân vai. Đưa cho bé những tình huống để bé biết cách ứng xử. Đồng thời, để bé hiểu bé không nên học theo cái sai của người lớn và có thể góp ý nếu người lớn nói chưa đẹp.

Chia sẻ