Ngưng "tra khảo" điểm số! Đây là 32 câu hỏi tuyệt vời mẹ nào cũng nên biết để trở thành cạ cứng của con
Cách nói chuyện với con trẻ là cả một nghệ thuật, làm thế nào để khơi gợi sự chia sẻ từ cả hai phía chính là chìa khóa cốt lõi. Nếu mẹ đang trên đường trở thành bạn của con, mẹ hãy thử “làm quen” thế này xem sao nhé!
Cách nói chuyện với con.
Giống như chúng ta, con trẻ cũng có những cá tính khác nhau, có bé sôi nổi lanh lợi, có bé trầm tính ít nói. Có bé sẽ chủ động chia sẻ với mẹ, một vài bạn nhỏ khác lại cần chất xúc tác là một câu chuyện hoặc câu hỏi gợi ý.
Những điểm cần lưu ý trong cách nói chuyện với con
Thời điểm cuối ngày là khoảng thời gian tuyệt vời cho mẹ tìm hiểu về thế giới của con thơ. Trên đường về nhà, trong lúc hai mẹ con cùng nấu cơm, trong bữa ăn, khi đi dạo buổi tối, trước khi đi ngủ... đều là những khoảng khắc mà mẹ có thể tận dụng tối đa. Tuy nhiên, điều đầu tiên trong cách nói chuyện với con, mẹ hãy luôn tâm niệm và nhắc nhở mình là một người bạn thân thiết nhất. Chỉ bằng cách đặt con và mẹ ở thế ngang bằng, không ai là “con nít”, không ai là “người lớn”, cuộc trò chuyện mới không biến tướng thành cuộc tra khảo!
(Ảnh:Behance)
Giữ giọng điệu của mẹ chậm rãi, thoải mái như đang tâm tình, luôn thể hiện thái độ lắng nghe và tôn trọng câu chuyện của con dù thế nào đi chăng nữa. Mẹ và bé có thể hỏi đáp khi cùng làm việc chung hoặc nếu không, hãy cố gắng ngồi xuống ngang với tầm mắt của con để chia sẻ.
Mẹ hãy luôn đặt câu hỏi mở: Như thế nào, ra sao, sao thế nhỉ; Hạn chế đặt câu hỏi đóng: Có phải không, đúng vậy không, phải không con. Không nên đưa hàng loạt câu hỏi liên tiếp và dồn dập, sẽ làm con có cảm giác đang bị điều tra và không an toàn.
Mẹ nhớ sử dụng ngôn ngữ cơ thể, những biểu cảm và thái độ của mẹ sẽ cho trẻ biết chúng đang được lắng nghe và ngầm khuyến khích con bày tỏ quan điểm hơn. Mẹ hãy cùng với các thành viên trong gia đình thực hiện những điều này để nó trở thành thói quen thường nhật nhé!
(Ảnh: Behance)
Gợi ý mẹ nhóm câu hỏi khơi gợi con nói lên cảm xúc của mình
Ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo các bé rất khó gọi tên cảm xúc của mình hoặc không biết diễn đạt như thế nào. Cảm xúc có thể xoay quanh vui, buồn, giận dữ, sợ hãi hoặc nhiều tầng cảm xúc khác. Mẹ hãy giúp bé hiểu rằng ai cũng có cảm xúc, một khi con diễn đạt được nó thì con sẽ thấy hoàn toàn bình thường, không có gì sai trái cả.
1. Điều gì làm chàng trai/cô gái/con của mẹ cười mãi thế nhỉ?
2. Có ai tỏ ra xấu tính hay khó chịu không? Con tỏ thái độ như thế nào?
3. Có điều gì đáng yêu làm con cười mãi không? Kể mẹ nghe với nào.
4. Hôm nay ở lớp có ai khóc không hả con?
5. Thử kể mẹ nghe xem chuyện tử tế mà con của của mẹ gặp nào?
6. Chàng trai của mẹ hôm nay có nói cảm ơn với ai không đấy?
7. Có ai làm cho con cảm thấy hứng thú, vui thích không?
8. Kể mẹ nghe điều kì cục nhất ngày hôm nay con đã làm xem nào?
9. Có điều gì làm con thấy vui ơi là vui hay là đáng yêu hết nấc không?
10. Đồng chí của mẹ có làm điều gì giúp đỡ ai không nhỉ?
(Ảnh: Behance)
Cách nói chuyện với con những chủ đề về trường lớp, bạn bè
Nếu bé đang đến trường thì đây chính là môi trường cho bé nhiều trải nghiệm mới lạ nhất. Với hơn 10 giờ học, chơi, ăn, ngủ cùng cô và các bạn, sẽ có rất nhiều câu hỏi mẹ có thể khai thác từ nhóc tì nhà mình đấy.
11. Trưa nay cạ ăn cơm với con là đồng chí nào đây nhỉ?
12. Có điều gì mà có thấy cô nói mà chưa hiểu không? Kể mẹ nghe thử nào!
13. Có điều gì con chợt nghĩ ra trong khi vẫn còn thấy “tắc tị” không? Mẹ cũng đang thấy bí quá.
14. Hình chú mèo hôm qua chưa vẽ được, hôm nay nhóc đã thử quan sát lại chú mèo chưa?
15. Kể mẹ nghe những nhóc quậy ở lớp xem nào, mẹ nhớ các bạn con quá!
16. Con đang xem gì đấy, để mẹ đoán được không?
17. Hôm nay con có thắc mắc điều gì ở lớp không?
18. Để dành 1 từ để nói về điều ấn tượng nhất của tuần thì còn sẽ chọn từ nào?
19. Ngày mai có tiết mục văn nghệ, bây giờ con cảm thấy thế nào?
20. Hôm nay cô giáo có cười chút nào không con? Con thử đoán xem điều gì làm cô cười nhỉ?
21. Con của mẹ hôm nay nói chuyện với những bạn nào thế?
22. Ví dụ bây giờ được đổi chỗ với bất kỳ ai trong lớp, con muốn đổi với ai nào?
23. Con không thích điều gì ở lớp nhất? Thế còn điều thú vị nhất thì sao?
24. Hôm nay ăn con và các bạn được ăn món gì thế?
25. Hôm nay học gấp con voi hả con, lát chỉ cho mẹ với mẹ xem hình mà không hiểu gì cả.
(Ảnh: Behance)
Cách trò chuyện giúp con phát triển kỹ năng suy luận
Ngoài cách nói chuyện với con bằng những câu hỏi mang tính chất liệt kê, tìm hiểu thông tin, mẹ có thể dùng các câu hỏi giả sử để con mở rộng tầm suy nghĩ. Nếu con chưa bắt nhịp được, mẹ có thể tự mình làm mẫu trước rồi đặt câu hỏi ngược lại cho con chẳng hạn như là:
26. Còn mấy tiếng nữa là đến ngày mai, con ước ngày mai sẽ như thế nào?
27. Nếu con được thay đổi một điều của ngày hôm nay con sẽ chọn điều gì?
28. Giả sử con có thang điểm từ 1-10 thì bé yêu của mẹ chấm ngày hôm nay mấy điểm nào?
29. Nếu mai con là cô giáo thì con sẽ dạy gì cho cả lớp nhỉ?
30. Giả sử ngày mai có bạn phải chuyển lớp thì con sẽ nói gì với bạn ấy?
31. Nếu con là mẹ, mẹ là con thì con sẽ nói gì nào?
32. Tưởng tượng rằng con sẽ được ban phép, có khả năng đọc được suy nghĩ của bất kỳ ai. Con muốn đọc suy nghĩ của ai nhất?
Không có trường lớp nào đào tạo chuyên môn về làm cha mẹ cả. Vậy nên các mẹ hãy bình tĩnh cùng học hỏi và trải nghiệm cách nói chuyện với con nhé.
Nguồn: Tổng hợp