Ngủ chung với bố mẹ, trẻ dễ trở thành người ủy mị

,
Chia sẻ

Theo các kết quả nghiên cứu mới đây, trẻ 3 tuổi nên bắt đầu ngủ riêng. Việc ngủ chung không những khiến trẻ phải hít thở khá nhiều thán khí của bố mẹ, mà còn khiến trẻ dễ trở thành người ủy mị, quen dựa dẫm.

Thông thường, các gia đình đều cho trẻ ngủ cùng bố mẹ đến khi bé đi học lớp 1. Thậm chí, nhiều bé lên cấp 2 vẫn không thể ngủ một mình nếu không có bố hoặc mẹ ở bên. Theo các kết quả nghiên cứu mới đây, trẻ 3 tuổi nên bắt đầu ngủ riêng.

Việc trẻ ngủ riêng không những mang lại nhiều lợi ích cho bản thân trẻ, mà còn tạo điều kiện cho “không gian vợ chồng” thêm nhiều tự do. Các bác sỹ, chuyên gia y tế tại Hồng Công cho rằng: Trẻ 3 tuổi đã ý thức được tương đối về giới tính của mình. Lúc này, nên tạo điều kiện cho trẻ ngủ riêng để phát triển những tính cách có lợi cho tương lai của trẻ sau này. Việc ngủ chung, không những khiến trẻ phải hít thở khá nhiều thán khí của bố mẹ, mà còn khiến trẻ dễ trở thành người ủy mị, quen dựa dẫm.
 
Nên cho trẻ ngủ riêng từ khi 3 tuổi.

Trước khi cho trẻ 3 tuổi ngủ riêng, cần lưu ý một số điểm sau:

1. Khắc phục tâm lý sợ hãi của trẻ: Trẻ ở lứa tuổi này thường không thích, không dám ngủ riêng với nhiều lý do: yêu mến bố mẹ, sợ bóng đêm, sợ ma v.v. Vì thế cần khắc phục tâm lý này một cách từ từ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể trò chuyện cùng bé, để bé nói ra những suy nghĩ, những nỗi sợ hãi mơ hồ của mình. Khuyên nhủ, động viên bé hiểu rằng đó là những nỗi sợ không có thật. Khuyến khích bé phát triển tính dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn ngay từ khi còn nhỏ.

2. Tạo cho bé tính độc lập: Cho bé quen với việc ngủ riêng một cách cẩn thận, từng bước một với sự giúp sức của bố mẹ. Hướng dẫn bé chuẩn bị vệ sinh, chăn màn trước khi ngủ; khi ngủ dậy, khuyến khích bé tự dọn dẹp chỗ ngủ, nhờ bố mẹ giúp nếu cần thiết. Làm được điều này, khi lớn trẻ sẽ có ý thức tự chăm sóc bản thân, sống ngăn nắp, quy củ.

Tuy nhiên, để trẻ quen với việc này là điều không đơn giản. Bố mẹ cần hết sức kiên nhẫn, tránh bực bội, hoặc quá chiều con. Có thể xảy ra tình huống: Ru mãi bé mới ngủ, nhưng bố mẹ vừa đặt lưng là bé lại chạy tới. Hoặc khi bố mẹ ngủ say, bé lại tới rúc vào lòng. Điều cần làm là hãy dứt khoát, trò chuyện, giải thích, động viên bé. Làm được điều này, con bạn không những rèn được tính cách, thói quen tốt ngay từ lúc nhỏ, mà còn mang lại cho hai vợ chồng “khoảng trời riêng” cần thiết, duy trì hạnh phúc gia đình.
 
Trân Huyền
Chia sẻ