Nghiên cứu tại Anh: Mua đồ chơi cũ tiết kiệm thật đấy, nhưng hậu quả có thể khôn lường
Đồ chơi cũ là một giải pháp tuyệt vời cho những gia đình không khá giả về kinh tế. Thế nhưng, nó lại tiềm ẩn một số nguy cơ không nhỏ.
Đồ chơi là mặt hàng dành cho trẻ em, nên tính an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, các bậc phụ huynh có thể không tiếc tiền mua cho con em mình những món đồ từ các thương hiệu lớn, nhằm có được sự đảm bảo nhất.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy, vì những món đồ chơi từ thương hiệu lớn thực sự rất đắt đỏ. Thế nên, nhiều quốc gia bắt đầu có dịch vụ mua lại đồ chơi cũ rồi bán cho những người cần đến nó.
Đồ chơi cũ của các thương hiệu lớn có chất lượng rất tốt, nên về mặt hình thức là hoàn toàn không có vấn đề gì cả, lại tiết kiệm hơn rất nhiều về mặt chi phí. Một giải pháp không thể tốt hơn.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environment Science and Technology, những món đồ như vậy lại tiềm ẩn khả năng gây hại cho sức khỏe con trẻ. Theo đó, các khối ghép hình Lego, búp bê, ô tô đồ chơi cũ có thể chứa những vật liệu không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn đồ chơi hiện tại.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Plymouth đã thử phân tích 200 mẫu đồ chơi nhựa cũ được quyên góp tại Anh Quốc. Kết quả, họ nhận thấy hàm lượng khá lớn các chất như Bari, chì, Brom, Cadmium, Chrom, Selenium... bên trong các miếng ghép hình, búp bê, mô hình... Đó đều là các chất có thể gây độc sau một thời gian tiếp xúc, đặc biệt là nếu trẻ em bỏ vào miệng nhai.
Người thực hiện nghiên cứu là tiến sĩ Andrew Turner. Ông đã sử dụng máy chiếu tia X để phân tích các thành phần có trong đồ chơi.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên về các thành phần độc hại có trong đồ chơi cũ tại Anh."
"Đồ chơi cũ là một lựa chọn phù hợp cho nhiều gia đình. Họ có thể mua với giá rất rẻ tại các hội chợ, hoặc từ những cửa hàng từ thiện, trên Internet...".
Vấn đề nằm ở chỗ, các mẫu đồ chơi mới luôn được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Nhưng với các mặt hàng đồ chơi cũ, chẳng có tiêu chuẩn nào ở đó cả.
"Người tiêu dùng nên cẩn thận hơn khi mua những món đồ có kích cỡ nhỏ, dễ cho vào miệng, màu sắc bắt mắt." - Turner cho biết.
"Chi phí hấp dẫn, tiện dụng, khả năng tái sử dụng cao có thể khiến các món đồ chơi cũ trở thành nguồn lan tỏa bệnh cho trẻ em."
Theo các chuyên gia, tốt nhất là không nên mua các món đồ chơi đã quá cũ. Khi mua về cần qua một lần khử trùng, rồi mới có thể đưa cho con em sử dụng được.
Nguồn: Independent