Ngại sinh con do khủng hoảng kinh tế

,
Chia sẻ

Chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngày càng cao trong khi công việc bấp bênh vì khủng hoảng kinh tế, điều này khiến nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con.

Tỷ lệ sản phụ nhiều tuổi ngày càng tăng

Theo tờ Le Figaro, tuổi trung bình của phụ nữ Pháp khi sinh con đầu lòng là 30. Riêng tại thủ đô Paris, tuổi trung bình của phụ nữ mang thai lần đầu tiên là 31,5 tuổi. Hiện tượng phụ nữ có con muộn không phải là nét đặc thù của riêng nước Pháp, mà nó còn đang diễn ra tại nhiều nước châu Âu khác như Hà Lan, Ireland hay Luxembourg, nơi mà tuổi trung bình để sinh con lần đầu tiên của phụ nữ là 31,1 tuổi. Còn ở Italia, lo sợ mất việc làm và kinh tế khó khăn là hai trong số những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân nước này chưa muốn có con.

Một điều tra mới công bố của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu gia đình Italia (CISF) cho thấy, cứ 2 gia đình ở nước này thì có 1 gia đình không sinh con. Đây là tỉ lệ thuộc loại cao nhất tại châu Âu. Nghiên cứu của CISF cũng cho thấy, chi phí nuôi trẻ chiếm đến 35,2% tổng chi phí của cả một gia đình Italia trong năm. Có đến 35% số gia đình không muốn đẻ con là vì lo ngại không có khả năng trang trải các chi phí.

Xu hướng phụ nữ lớn tuổi mang thai ở châu Á cũng ngày càng tăng. Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc vừa cho biết, tỉ lệ sinh năm 2009 tiếp tục giảm 5,5% so với năm 2008. Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng sinh con muộn do xu hướng kết hôn muộn, một phần do tác động của khủng hoảng kinh tế. Tỉ lệ sinh bình quân ở một phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 49 tại Hàn Quốc đã giảm mạnh trong năm qua. Theo Cục Phụ trách vấn đề lão hóa dân số thuộc Bộ Y tế, Phúc lợi và Gia đình Hàn Quốc, kinh tế khủng hoảng đã gây áp lực lớn đối với nhiều người, buộc họ từ bỏ hoặc tạm hoãn hôn nhân và sinh con. Vào những năm 1980, chỉ có 8% phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 40 thì đến nay, con số này đã tăng hơn gấp đôi (19%).
 

“Trăm dâu đổ đầu… tương lai”

Một nghiên cứu của Bệnh viện thuộc trường Đại học Chonnam (Hàn Quốc) cho thấy, cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh ở Bệnh viện đã giảm trong 24 năm qua, từ 3,1kg xuống còn 2,6kg. Kuk Jinhwa, thành viên nhóm nghiên cứu nói rằng, số trẻ sơ sinh thiếu cân đang tăng lên và một trong những lý do chính là vì các bà mẹ sinh con muộn. Các bác sĩ ở Bệnh viện này cảnh báo rằng, sinh con muộn có thể hại đến sức khỏe em bé và bà mẹ. Phụ nữ ngoài 40 tuổi rất khó thụ thai và ngay cả khi họ có thể mang thai, nguy cơ sinh con dị dạng cao hơn những sản phụ trẻ tuổi.

Các nghiên cứu khác chỉ ra mỗi năm, những phụ nữ ngoài 30 tuổi giảm 5%-10% khả năng sinh con; còn độ tuổi ngoài 40 tuổi, dưới góc độ khoa học, có thể đã là quá muộn để sinh con. Những phụ nữ tuổi càng cao càng có xu hướng bị tiểu đường và huyết áp cao bất thường khi mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi. Bà Bae Eun-kyoung, giảng viên trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), kết luận, giải pháp duy nhất là các ông chồng phải chia sẻ việc nhà với phụ nữ, đồng thời Chính phủ phải cho phép phụ nữ có con không phải lo lắng về chuyện mất việc.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-pak trong một phát biểu gần đây cho rằng, Chính phủ cần có các biện pháp ưu tiên nhằm kích thích mô hình gia đình lớn trong xã hội, kể cả chính sách ưu đãi cho thuê hoặc mua căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước đối với những gia đình có từ 3 con trở lên. Dịp đầu năm 2010 vừa qua, Hàn Quốc đã thực hiện tắt đèn để... thúc đẩy sinh con. Vào lúc 19h00 tối 20/1, tòa nhà của Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội và Gia đình Hàn Quốc đã tắt hết đèn với sáng kiến nhằm gia tăng tỉ lệ sinh con. Việc này được lặp lại hàng tháng để “giúp các nhân viên chuyên tâm vào việc kiếm con và chăm sóc chúng”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chính sách như thế là chưa đủ. Theo họ, điều thật sự cần là Chính phủ cần xem xét lại chi phí quá cao cho việc chăm sóc trẻ em và giáo dục. Điều này khiến nhiều gia đình trẻ chưa muốn có con sớm. Còn theo nhiều chuyên gia tâm lý, hãy để việc sinh con là tự nhiên, là niềm hạnh phúc của vợ chồng. Khi có con, vợ chồng sẽ có thêm động lực để sống và làm việc.
Theo Phụ nữ
Chia sẻ