Nếu bạn đã hoặc sẽ lựa chọn công việc ''làm mẹ toàn thời gian'', bài viết này dành tặng cho bạn

San San,
Chia sẻ

Hy vọng một chút tâm sự của người làm mẹ fulltime 5 năm sẽ khiến cho các mẹ bỉm cùng hoàn cảnh cảm thấy nhẹ lòng hơn!

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do nhiều vấn đề về kinh tế, con cái, sức khoẻ... không ít chị em phụ nữ lựa chọn công việc ''làm mẹ toàn thời gian''. Những tưởng đơn giản nhưng đây lại là công việc vất vả, mệt mỏi và đòi hỏi ở người mẹ các kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là sự thay đổi trong suy nghĩ với công việc fulltime này. 

Chị Hà My (nickname Ihara Hà My, sống tại Nhật Bản, hiện đang làm giáo viên mầm non ở Nhật - admin nhóm "Dạy con không đòn roi") đang có 3 người con và đã từng là một bà mẹ fulltime 5 năm có những dòng tâm sự về công việc này khiến nhiều người phải suy ngẫm. 

Nếu đang là người mẹ toàn thời gian ôm con nhỏ, bài viết này dành tặng cho bạn - Ảnh 1.

Chị Hà My và con trai của mình.

Tôi đã từng mang sự mặc cảm với gia đình và bạn bè vì là bà mẹ fulltime. Sau khi kết hôn thỉnh thoảng gặp lại người quen, đây là những câu từng được hỏi đến một cách thường xuyên: ''Dạo này làm gì rồi? Đã đi làm chưa hay vẫn ở nhà chăm con? Công việc thế nào, lương có khá không? Chồng làm ăn tốt không?…''.

Mặc dù nó chỉ như một sự quan tâm đối phương, nhưng vô tình lại mang cho người được quan tâm cảm giác khó chịu. Không một ai hỏi: ''Bạn có hạnh phúc cùng các con không? Công việc có thú vị không? Cuộc sống hôn nhân viên mãn không?''.

Tôi tự hỏi tại sao lại như vậy? Cũng chỉ là quan tâm nhưng cách hỏi khác đi sẽ mang ý nghĩa khác hoàn toàn đấy sao? Hay tại vì đất nước mình còn nghèo nên họ chỉ nghĩ đến vật chất mà không cần quan tâm đến những giá trị tinh thần khác?.

Thời gian trôi qua, khi càng đọc nhiều về tâm lý con người, tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Vấn đề không hẳn do họ, có thể họ còn thiếu kĩ năng và sự khôn khéo trong giao tiếp, nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tôi không có sự tự tin nội tại ở bản thân mình.

Người tự tin nội tại là họ không cần bất kì điều kiện nào để tự tin, không phải tri thức, không phải xinh đẹp, tài năng hay sự giàu có... Các điều kiện đi kèm chỉ là sự hào nhoáng mà họ muốn che đậy sự thiếu hụt nào đó mà thôi.

Từ nhỏ, tôi luôn được khen ngợi là chăm chỉ, thông minh. Nhưng chưa bao giờ mẹ hài lòng về tôi. Mẹ luôn muốn tôi đạt điểm tuyệt đối trong các kì thi, có lần đề thi rất khó nên cả lớp không ai được quá điểm 8, vậy mà mẹ tôi đã giận dữ vì cho rằng tôi không chăm chỉ nên mới bị điểm 8. Đó là nguyên nhân lớn nhất mà tôi mất đi sự tự tin nội tại, luôn cảm thấy rằng mình chưa đủ tốt, điều mà sau này tôi mới nhận ra.

Vài người quen sau thời gian đọc bài viết của họ tôi đều thấy mầm mống này. Họ có xu hướng khẳng định sự tài giỏi hay đề cao bản thể của mình, muốn được công nhận, được khen ngợi để lấp đầy những khoảng thiếu hụt của chính họ. Sự phô trương hình thành từ tâm lí này.

Một người mẹ khoe rằng họ có thu nhập 8 con số và đưa ra lời khuyên với phụ nữ rằng phải độc lập tài chính, một người vừa chia tay chồng tuyên bố hùng hồn rằng phụ nữ không cần đàn ông... Liệu những người mẹ đang ''yên ổn'' khác họ đọc nội dung như vậy sẽ cảm thấy như thế nào? Họ sẽ bỏ chồng ? Họ sẽ bỏ con bỏ cái để đi kiếm tiền chăng?

Ngạn ngữ Việt Nam - Nhật Bản có câu: ''Lúa chín cúi đầu - sông sâu tĩnh lặng'' đều mang hàm ý rằng khi càng trải nghiệm, càng thành công con người càng trở nên khiêm tốn. Không biết đến độ tuổi nào đó, những người trẻ có nghiệm ra điều này không? Hay sự thiếu tự tin nội tại là nỗi ám ảnh để họ luôn muốn khẳng định suốt đời?''.

Thông qua những dòng tâm sự này, những điều mà chị Hà My muốn gửi gắm đến những bà mẹ đã từng mặc cảm với công việc làm mẹ toàn thời gian rằng:

''Nếu ai đó đang rơi vào trạng thái như tôi đã từng, nếu ai đó đang ôm đứa con nhỏ của mình hàng đêm, thì mong họ đủ mạnh mẽ để bỏ qua sự mặc cảm cá nhân để có thể làm tốt nhất công việc hiện tại. Tôi tin rằng cách bạn làm một việc là thái độ mà bạn làm trong tất cả các việc còn lại. Và có những việc chúng ta chỉ có cơ hội được làm duy nhất trong đời, không chấp nhận phép thử.

Con cái càng không nên là phép thử, phải không?''.

Chia sẻ