Đây là câu hỏi được rất nhiều các bậc phụ huynh đặt ra trong buổi hội thảo bàn về vấn đề giáo dục con trẻ trong hiện tại và tương lai.
Buổi hội thảo diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của rất đông các bậc phụ huynh. Câu hỏi đặt ra là vậy nên hay không nên cho trẻ ngủ riêng? Ngày nay nhiều gia đình có xu hướng cho con ngủ riêng ngay từ bé nhưng cũng có những gia đình lại cho rằng việc trẻ sớm ra ngủ riêng như vậy không những không đem lại hiệu quả như mong muốn mà còn gây ra những khoảng cách nhất định giữa bố mẹ và con cái.
Việc cho trẻ ngủ riêng từ bé xuất nguồn từ các nước Châu Âu, những em bé mới sinh ra được bố mẹ cho ngủ ở phòng riêng bởi theo nhiều nghiên cứu cho thấy làm như vậy sẽ giúp trẻ sớm hình thành ý thức tự lập trong cuộc sống. Ngoài ra khi trẻ sớm được ngủ riêng thì khả năng thích nghi với các hoàn cảnh sống khác nhau cũng nhanh hơn so với những trẻ thường xuyên ngủ chung với bố mẹ.
Tuy nhiên, so với những lợi ích từ việc cho trẻ ngủ riêng đem lại thì cho trẻ ngủ chung với bố mẹ cũng có những ưu điểm riêng của nó. Một đứa trẻ được ngủ chung với bố mẹ từ khi sinh ra cho tới khi đi học lớp 1 sẽ có đời sống tình cảm phong phú hơn những trẻ sớm ra ngủ riêng. Mặt khác việc cho trẻ ngủ chung còn giúp trẻ cảm nhận được hơi ấm và tình yêu thương của bố mẹ một cách sâu sắc nhất, gần gũi nhất. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái gần như được xóa mờ.
Các chuyên gia đã không đưa ra câu trả lời cụ thể cho việc nên hay không cho trẻ ngủ riêng. Mỗi gia đình lại có cách giáo dục con khác nhau, bạn có thể cho con ngủ chung cho tới khi con tròn 1 tuổi sau đó cho con tập quen với việc ngủ riêng. Tuy nhiên mỗi tuần cả nhà nên ngủ chung với nhau 1 đến 2 lần cho tới khi con bạn thực sự trưởng thành và không muốn ngủ chung với bố mẹ.
Tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật và bản thân cả Trung Quốc thì các gia đình đang có xu hướng kết hợp giữa việc ngủ chung và ngủ riêng vì theo họ đây là yếu tố quan trọng giúp con bạn phát triển tốt nhất. Nó vẫn đảm bảo được yếu tố cần thiết giúp trẻ sớm tự lập nhưng cũng vẫn đem lại cho trẻ cảm giác ấm áp của “gia đình”.
TrangMT
Tổng hợp