Muốn trẻ ham đọc sách, cha mẹ cũng phải đọc
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc ThaiHabooks để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ thì cha mẹ hãy là người bắt đầu.
Thực trạng trẻ thích xem và lười đọc
Đọc sách hay không đều có ảnh hưởng tới cấu trúc não của trẻ em. Sally Shaywitz, một bác sĩ khoa nhi Mỹ cho biết, tín hiệu thần kinh của những đứa trẻ khó đọc thường lưu thông không suôn sẻ. Những đứa trẻ không giàu vốn từ cũng có những hệ thống phục vụ việc đọc, nhưng những hệ thống này không được kết nối với nhau đúng cách.
Việc đọc giúp phát triển từ ngữ hiệu quả hơn bất kỳ một biện pháp nào khác và tạo dựng những kiến thức quan trọng về xã hội và thế giới. Các chuyên gia đều đồng ý rằng, cách trở thành người đọc giỏi là hãy đọc thật nhiều mà động lực chủ yếu là lòng ham thích đọc sách. Sách còn giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng và trưởng thành về cảm xúc một cách tốt nhất
Tuy nhiên một thực trạng phổ biến cho thấy, các bạn trẻ ngày nay phần nhiều giành thời gian để theo dõi các chương trình truyền hình hấp dẫn, trò chơi điện tử không phải là đọc sách.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng: “Các bạn trẻ ngày hôm nay thích xem và lười đọc. Do sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn thì việc tuổi trẻ tìm đến với cách tiếp cận thông tin hấp dẫn như phim ảnh, trò chơi điện tử, internet là điều không khó hiểu. Nếu trẻ có đọc sách thì ban đầu chỉ là thỏa mãn tính hiếu kỳ do đó đọc truyện tranh, truyện phải ít trang, ít chữ và nhiều hình ảnh minh họa sinh động”.
Muốn con đọc sách, cha mẹ hãy là người bắt đầu
Phần lớn các bậc cha mẹ mong muốn con mình có được thật nhiều kiến thức để làm nền tảng cho tương lai. Tuy nhiên không phải lúc nào mong muốn của cha mẹ cũng đồng hành cùng với những mong muốn của trẻ.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Theo sự quan sát của chúng tôi qua nhà trưng bày sách Thaihabooks tại
119 C5, Tô Hiệu, Cầu Giấy và hoạt động của Câu lạc bộ Yêu sách. đã cho
chúng tôi có nhiều điều kiện quan sát về thói quen đọc sách của trẻ, không phải
trẻ ngại đọc sách mà do chúng ta chưa biết cách hướng dẫn và lựa chọn sách cho
trẻ đọc. Chúng đã tự tìm tới những cuốn sách mà chúng yêu thích, bởi vì nếu
đó là cuốn sách mà trẻ em nhận ra bóng dáng của mình hoặc tìm thấy những ước mơ
của mình trong đó, chắc chắn các em sẽ yêu thích và đón nhận”
Trẻ tự tìm đến những cuốn sách mà mình yêu thích.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ hôm nay do qua bận rộn với công việc riêng, nên chưa thực sự chú tâm vào việc đọc sách của trẻ. Khi trẻ biết đọc cha mẹ thường để cho trẻ tự đọc, tự động trong việc chọn lựa sách cho mình chứ không mấy khi có những định hướng cụ thể và phù hợp trong việc mua và đọc sách cho trẻ.
Chị Nguyễn Hà Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội): “Là một giáo viên tôi rất ý thức về việc đọc sách của trẻ, nhà vốn đã nhiều sách nên tôi vẫn hay động viên cháu đọc các tác phẩm văn học, các sách khoa học thưởng thức… Nhưng thực tế cũng thấy cháu thường chỉ đọc được vài trang rồi chán, lại quay sang truyện tranh! Tôi cũng thực sự chưa biết làm cách nào để cho cháu ham đọc sách”.
TS.
Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để kích lệ trẻ đọc sách, trước tiên phải hiểu được
trẻ thích đọc gì. Đơn giản nhất là về hình thức cuốn sách khổ nhỏ, số lượng
trang vừa phải, trình bày sách hấp dẫn, phù hợp với tâm lý sẽ giúp trẻ thấy
không ngại đọc. Về nội dung, cha mẹ nên lựa chọn những sách phù hợp với từng
lứa tuổi cụ thể, vì việc ham đọc của trẻ không thể một sớm một chiều.
Thứ hai, các cuốn sách viết cho trẻ như trong tủ sách V-teen của Thaihabooks, trong tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng (Con trẻ cần gì ở cha mẹ, Bố mẹ ơi con muốn nói, Tại sao không ai hiểu mình, Về với mẹ, Bông hồng thủy tinh…) lại chính là chìa khóa để mở lại mối liên hệ với các con và ngược lại các con cũng hiểu cha mẹ hơn. Vì vậy cha mẹ cũng cần bỏ thời gian để đọc sách cùng con, để hiểu con muốn gì và mình phải làm gì.
Anh Trần Tuấn Hữu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi có con gái đang ở tuổi mới lớn nên có nhiều thay đổi tâm sinh lý, suy nghĩ tình cảm. Chúng tôi thực sự bối rối trong việc hiểu những suy nghĩ của cháu,, nhưng khi đọc cuốn “Con trẻ cần gì ở cha mẹ” và cuốn sách “Tại sao không ai hiểu mình” tôi đã tìm được cách thông tin với con tốt hơn”.
Chọn sách cho trẻ phải lưu ý tính ứng dụng
Thị trường sách cho thiếu nhi hiện nay phong phú về số lượng và chủng loại, tuy nhiên đứng giữa một rừng sách đó phụ huynh cũng rất khó khăn để chọn sách cho con.
TS. Nguyễn Manh Hùng cho biết: “Sách cho thiếu nhi hiện giờ được xuất bản nhiều, nhưng vẫn thiếu. Thiếu thứ nhất là về đội ngũ sáng tác chuyên biệt cho thiếu nhi, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh là rất hiếm. Thứ hai là về việc gây dựng tủ sách cho thiếu nhi thì hiện tại cũng chưa nhiều tủ sách V-teen của nhà sách Thái Hà, tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng, đó là những con số quá khiếm tốn so với nhu cầu thực tế. Do đó, chúng tôi phải lựa chọn những tác phẩm sách thiếu nhi của nước ngoài phù hợp với văn hóa Việt Nam, có tính giáo dục cao, phù hợp với lứa tuổi và giới tính để dịch.”.
Khi chọn sách cha mẹ nên lưu ý đến tính ứng dụng của các cuốn sách, như trong
bộ sách Babier khi đọc có cuốn Đến rạp
xiếc các bạn sẽ hiểu hơn về rạp xiếc, khi đọc cuốn sách viết về Phóng viên các bạn sẽ hiểu hơn về nghề
làm báo, hay trong cuốn sách Nếu thế giới
là một ngôi làng trẻ sẽ hình dung khai quát được thế giới là gì…v.v.
Bởi trong giai đoạn phát triển hiện nay, việc đọc sách và tiếp thu kiến thức mới phải được trẻ áp dụng vào thực tế, giúp trẻ nhận ra một cách đơn giản nhất sách cần cho cuộc sống và chúng sẽ ham học hòi tìm tòi trong sách vở hơn.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "Việc đọc sách là rất cần thiết vì nó tạo nền tảng tri thức cho tương lai. Nhưng việc để tạo thói quen, niềm ham thích đọc sách của trẻ thì các nhà văn, nhà xuất bản, nhà sách vận động thôi chưa đủ, cần nhất vấn là sự quan tâm và nhập cuộc của các bậc cha mẹ".
Nguyễn Công Khanh