Mũi tẹt chỉ vì... viêm VA

,
Chia sẻ

Vợ chồng chị Thục thường cười trừ khi ai đó đùa là mũi con gái họ giống... bác hàng xóm. Nhưng họ cũng không ngờ rằng mũi bé Nhím tẹt là do bệnh.

Nhiều bậc phụ huynh thấy con có cái mũi tẹt còn cánh mũi hếch lên dù bố mẹ đều  mũi cao thì cứ băn khoăn không biết con giống ai. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đây lại là hậu quả của bệnh mà nhiều khi chính cha mẹ lại khiến tình trạng ngày càng nặng hơn.

Thủ phạm là bệnh viêm VA

Bé Nhím nhà chị Thục năm nay bốn tuổi. Đang đi học mẫu giáo nhưng thường thì Nhím cứ một tuần đi lớp lại phải nghỉ một tuần ở nhà vì ốm. Bệnh mà bé Nhím hay mắc là viêm đường hô hấp, viêm amyđan vòm họng (VA) với các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, ho. Từ lúc hơn một tuổi, bé đã rất hay mắc các bệnh này và phải dùng thuốc liên tục, cứ khỏi được mấy bữa rồi lại tái phát. Mỗi lần như thế, bé thường xuyên bị nghẹt mũi, khó thở và phải thở hoàn toàn bằng miệng.

Hai vợ chồng Thục đều có chiếc mũi cao, thẳng nhưng mũi bé Nhím thì tẹt, hai cánh mũi lại hếch lên. Nhiều người cứ trêu đùa là Nhím giống... ông hàng xóm nên mới thế. Vợ chồng Thục cũng thường cười trừ trước câu đùa của bạn bè, chỉ nghĩ bé giống ông tổ, bà tổ nào đó.

Nếu bị viêm VA, cần sớm điều trị dứt điểm cho trẻ để tránh kéo theo các biến chứng phức tạp. Ảnh: Baodatviet.vn

Lần ốm gần đây, Nhím được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh sau khi thăm khám cho bé Nhím đã chẩn đoán bé bị viêm VA mạn tính và đây chính là thủ phạm khiến mũi bé bị tẹt.

Một trường hợp khác là bé Nguyễn Bảo Huy, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cũng được bố mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà với triệu chứng viêm VA liên tục, tái đi tái lại nhiều lần. Mới chỉ vừa nhìn thấy cậu bé, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh đã chẩn đoán ngay Huy bị viêm VA mạn tính bởi cậu bé có “bộ mặt VA” điển hình: da xanh, miệng há, răng vẩu, môi trên bị kéo xếch lên còn môi dưới thì lại trễ xuống, mũi tẹt. Huy lại có biểu hiện mệt mỏi, tác phong chậm chạp, không hiếu động, nghịch ngợm như các em bé cùng tuổi khác.

Không nguy hiểm nhưng nhiều biến chứng

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết, viêm VA chủ yếu gặp ở trẻ em vì VA thường nhỏ dần đi và ở người trưởng thành thì teo hẳn. VA là amyđan vòm họng (hai loại amyđan khác là amydan khẩu cái và lưỡi, amyđan vòi), một tổ chức lympho ở vòm mũi họng, ngay sau hốc mũi. Về mặt chức năng, VA là cơ quan sản sinh ra kháng thể để bảo vệ mũi, họng. Có thể ví nó như một “hàng rào” che chắn miễn dịch đầu tiên của đường hô hấp chống lại các kháng nguyên gây bệnh có thể đi vào đường thở của trẻ em. Chính vì thế mà VA lại là cơ quan hay bị viêm nhiễm nhất.

Viêm VA là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em từ 18 tháng đến 6 - 7 tuổi, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Các tác hại tại chỗ gồm khó thở, nghe khó, biến đổi giọng nói, gây viêm họng, viêm mũi, viêm thanh - khí - phế quản, viêm tai giữa... Hơn thế, nó còn gây ảnh hưởng tới cả sự phát triển cơ thể và trí tuệ của trẻ. Biểu hiện viêm VA dễ nhận thấy nhất là ngạt mũi, chảy nước mũi, kèm theo ho và sốt, tai nghe kém hoặc ù tai. 

VA bị viêm thành khối to (còn gọi là sùi vòm họng) sẽ che lấp, cản trở việc hít thở bằng mũi, khiến em bé phải thở hoàn toàn bằng miệng. Tình trạng này nếu kéo dài thì chức năng hít thở của mũi không được thực hiện, lâu dần gây biến dạng, sống mũi bị bẹp xuống. Thêm vào đó, vì bị nghẹt, chảy nước mũi nên bé thường xuyên xì mũi, vắt mũi mạnh… Các tác động này cũng góp phần tác động làm biến dạng mũi, khiến hai cánh mũi bè to ra và mở rộng, hếch lên trên. Theo bác sĩ Ngọc Dinh, hiện tượng này ngay cả người lớn cũng có thể gặp. Đó là những trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến dịch tiết trong mũi nhiều, thường xuyên xì mũi, vắt mũi nên phần sống mũi thì bẹp xuống, còn hai cánh mũi thì bè to hơn.

Để phòng bệnh viêm VA, cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh thật tốt cho bé, tránh môi trường ô nhiễm, đi ra đường nên tạo thói quen đeo khẩu trang để tránh khói, bụi bẩn. Súc miệng và nhỏ mũi cho bé bằng nước muối hằng ngày. Còn khi đã bị viêm VA thì cần chữa trị kịp thời, dứt điểm, không để bệnh tái lại nhiều lần dẫn đến viêm mạn tính rồi lan rộng ra thành viêm xoang thì sẽ càng khó chữa. 

"Trường hợp bé bị viêm AV nhiều lần liên tục, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định nạo VA để hạn chế viêm nhiễm. Tuy nhiên chỉ sau hai tuổi thì biện pháp này mới được thực hiện", bác sĩ Dinh cho biết thêm.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ