Mùa hè trẻ em khát chỗ chơi

,
Chia sẻ

Trong cái nắng nóng của mùa hè, tranh thủ mọi nơi, mọi lúc, bất chấp cả nguy hiểm rình rập, trẻ em cố tìm cho mình những nơi để vui chơi.

Hè về, là khoảng thời gian các em nhỏ được "trở về" với cuộc sống tuổi thơ của mình, tạm rời xa đèn sách. Nhưng khi xã hội càng ngày càng phát triển thì cái nhu cầu tự nhiên chính đáng của các em lại trở lên khó khăn hơn bao giờ hết. Các em biết đi chơi ở đâu khi "đất chật người đông", các điểm sinh hoạt văn hoá thì quá tải. Cơn "khát" điểm vui chơi của trẻ em ở thành phố vẫn chưa có hồi kết.

Có quá ít nơi vui chơi giải trí dành cho trẻ em trong khi đó lại có quá nhiều những điểm thu hút trẻ em vào những trò chơi vô bổ như trò chơi điện tử với những trò chơi kích động. Sẽ giống như nhiều mùa hè trước các trận đá bóng của các em vẫn phải  diễn ra trên các đường phố, con hẻm, gây nên ách tắc giao thông lại không an toàn.

Dạo qua một số chung cư ở Thanh Xuân Bắc, tập thể Xà phòng Hà Nội thì cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cái sân bé cỏn con ưu tiên làm điểm vui chơi, sinh hoạt cho trẻ mỗi khi hè về nhưng nay nó đã trở thành nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng từ già đến trẻ. Nhiều gia đình tranh nhau "cắt xén" cái diện tích bé tẹo này một cách hồn nhiên, người trưng vài chiếc ghế bán quà buổi sáng; cũng không chịu kém hàng xóm chị nhà bên "khoanh vùng" diện tích chiếm hữu  bằng cách vác chậu ra giặt hàng ngày. Cứ thế mỗi nhà "tận dụng" một ít và cái sân cứ nhỏ dần. Đám trẻ trong khu tập thể muốn hò reo, chơi đùa thì phải chờ "thành phố lên đèn". Chuyện này đã diễn ra vài năm nay ở khu tập thể này vì theo bà Nguyễn Thị Nhuận, cán bộ hưu trí ở Khu tập thể Nhà máy Xà Phòng cho biết, chỉ cách đây vài bước chân, có điểm vui chơi giải trí dành cho gần 50 em sống trong 4 khu nhà tập thể này bị người lớn bao vây xung quanh bán hàng. Mà gọi là điểm giải trí cho 'oai" chứ, ở đây có độc một chiếc đu quay han rỉ vì chống trọi với mưa nắng.

Khác với  khu vui chơi cho trẻ ở khu dân cư, Trung tâm văn hoá quận, huyện được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị nhưng để được tham gia các lớp học ở Trung tâm thì các bậc phụ huynh đã phải đăng ký trước hàng tháng vì Trung tâm nào cũng quá tải. Trung tâm Văn hoá quận Ba Đình, một trong những địa điểm "có tiếng" về chất lượng đào tạo. Đã có nhiều "con chim sơn ca", vũ công chuyên nghiệp trưởng thành từ vườn ươm này. Nhưng cũng chịu chung số phận như nhiều Trung tâm văn hoá khác, số lượng trẻ đến đăng ký học đông trong khi đó cơ sở vật chất của Trung tâm không đáp ứng được nhu cầu. Không có các phòng học chức năng, thậm chí nhiều phòng học phải tận dụng để dạy nhiều môn, lúc múa, lúc vẽ, lúc đàn.

Hơn nữa, bên cạnh những khu vui chơi đang quá tải lại đang tồn tại những khu vui chơi công cộng bị bỏ hoang một cách lãng phí. Khu sân chơi của phường Trung Tự, quận Đống Đa rộng cả ngàn mét vuông nhưng chỉ có một cầu trượt được xây dựng trước đây hàng chục năm đã xuống cấp trầm trọng, xung quanh cỏ dại mọc kín. Những khu chung cư mới, cũ đều có khoảng không dành cho trẻ em nhưng dường như người lớn đã chiếm dụng vào việc khác. Điển hình như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu vực tập trung đông đảo dân cư nhưng hầu như không có lấy một sân chơi đúng nghĩa,

Hà Nội "tự hào" với cả nước về số lượng Công viên, những cái tên như Công viên Thủ Lệ, Công viên Lê Nin, Công viên Bách Thảo...với diện tích rộng hàng chục ha nhưng hầu hết khách hàng "nhí" đến đây để xem hơn là chơi. Còn nhớ cách đây không lâu đã có một doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đứng ra lập dự án biến Công viên Lê Nin thành một Trung tâm giải trí tầm cỡ quốc tế như Disneyland của Mỹ nhưng sau một hồi tranh cãi và kết cục dự án vẫn chỉ là dự án.

Tổ chức sinh hoạt hè, học năng khiếu trong dịp hè là một hoạt động thường niên mỗi khi hè về. Song để có những sân chơi bổ ích, lí thú trong dịp hè lại là một vấn đề lớn mà các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh cần quan tâm nhằm hướng các em ý thức tránh xa những tai, tệ nạn đáng tiếc để các em thực sự có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú. 

 

Hà Anh
Eva
Chia sẻ