Miếng dán chống muỗi không tốt như các mẹ vẫn nghĩ

Theo SGTT,
Chia sẻ

Gần đây, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận một số trường hợp trẻ sử dụng các loại thuốc thoa, miếng dán chống muỗi… nhưng vẫn bị muỗi đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết.

Đáng lo ngại là nhiều phụ huynh vì cả tin vào các sản phẩm chống muỗi này, dẫn đến chủ quan chậm đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị khi trẻ có biểu hiện sốt xuất huyết.

ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn, phó trưởng khoa sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, các loại miếng dán chống muỗi hoặc thuốc thoa đuổi muỗi thường chứa tinh dầu bạc hà, bạch đàn, sả, khuynh diệp, cỏ chanh, tuyết tùng… dễ bay hơi nên phải thoa, dán nhiều lần, tác dụng phòng ngừa muỗi đốt rất thấp.

Thực tế, có nhiều trẻ nhập viện cấp cứu sốt xuất huyết nhưng trên người vẫn còn những miếng dán chống muỗi. Chưa kể các chất gọi là hương liệu thiên nhiên đó cũng là hóa chất, nên có thể tạo phản ứng phụ gây kích ứng da, mẩn ngứa, lở loét...

Với trẻ càng nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh mà làn da vốn rất mỏng manh, các sản phẩm thoa, dán này có thể gây tổn thương do hóa chất, phỏng da và bội nhiễm vi trùng nếu sử dụng nhiều lần không đúng cách. “Trẻ nhỏ rất hiếu động nên có thể vô tình cho vào miệng, mắt... nếu miếng dán không đảm bảo chất lượng sẽ gây dị ứng, thậm chí ngộ độc”, BS Tuấn khuyến cáo.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, phó trưởng khoa Laser – Phẫu thuật bệnh viện Da liễu Trung ương, chưa có nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng công dụng của miếng dán chứa hoạt chất tinh dầu chống muỗi, trong khi lại có không ít trường hợp người dùng miếng dán bị kích ứng, ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước...

Miếng dán chống muỗi không tốt như các mẹ vẫn nghĩ
Tiện thì có tiện, nhưng không nên dùng. (Ảnh: SGTT)

“Mùi tinh dầu có thể khiến muỗi bị xua đi nhưng hiệu quả không tuyệt đối vì khi hết mùi muỗi sẽ quay lại, nguy cơ bị muỗi đốt vẫn xảy ra và không thể tránh bị truyền mầm bệnh sốt xuất huyết. Nhất là loại muỗi vằn, khi đã đói thì sức hấp dẫn của mùi người mạnh hơn cả mùi tinh dầu”, BS Sáu lưu ý.

Cách chống muỗi hiệu quả?

Theo BS Tuấn, cách phòng chống muỗi tốt nhất là luôn ngủ mùng, ngày cũng như đêm: “Trẻ nên mặc áo và quần dài có màu sáng để tránh thu hút muỗi. Các dụng cụ chứa nước như hồ cá, lu, vại… cần đậy kín, không cho muỗi có điều kiện sinh sản và phải thường xuyên diệt lăng quăng”.

Cũng theo BS Tuấn, đa số ca nặng nhập viện là do người nhà chủ quan, cả tin vào tác dụng của các sản phẩm phòng chống muỗi, không chú ý đến những dấu hiệu báo động khi trẻ đã bớt sốt, như đau bụng, ói mửa, nhức đầu... Nếu trẻ hết sốt mà vẫn còn lừ đừ, bứt rứt, tay chân mát lạnh, mạch nhanh nhẹ, tiểu ít... hoặc có dấu hiệu xuất huyết (chảy máu răng, mũi, đi cầu phân đen...), phụ huynh cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

BS Sáu lưu ý khi sử dụng một biện pháp phòng chống muỗi nào đó, cần chú ý xuất xứ, sản phẩm có được cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng không. Nếu có biểu hiện ngứa ở vùng dùng miếng dán chống muỗi thì nên ngừng ngay, nếu da tiếp tục có diễn biến xấu thì cần đến bệnh viện thăm khám.

“Tốt nhất vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi theo khuyến cáo của ngành y tế. Các sản phẩm bôi, dán trực tiếp vào da, nếu muốn sử dụng nên chọn loại có uy tín, đã được cơ quan y tế công bố tiêu chuẩn chất lượng và cần được thử kích ứng trước khi dùng”, BS Sáu nói.


Một vài cách cực đơn giản sau đây sẽ giúp bé không còn bị muỗi đốt.
Miếng dán chống muỗi không tốt như các mẹ vẫn nghĩ
Chia sẻ