Mẹo nêm gia vị trong bột/cháo của bé

,
Chia sẻ

Thông thường, các mẹ luôn cố gắng nấu một bát bột/cháo đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng lại chưa chú ý nêm lượng gia vị thế nào là vừa đủ đối với bé.

Có nên cho muối vào bột/cháo của bé?

Không nên.
 
Các bé dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải. Nêm nhiều muối khi nấu bột/cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn.
 
Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.

Có nên cho bột canh I-ốt vào bột/cháo của bé?

Không nên.
 
I-ốt không chỉ chứa trong muối iốt mà còn có trong các thực phẩm khác như tôm, cua, cá biển tươi các loại, trứng cá, mực, lươn, trứng gà, gan heo, thịt bò…
 
Ngoài ra, thành phần iốt cũng chứa trong các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như rong, tảo biển, rau câu, phổ tai, bột mì, mì sợi, đậu phộng, tỏi, rau xanh, cải bắp... 
 
Các mẹ muốn bổ sung I-ốt cho bé không nhất thiết phải nêm bột canh I-ốt vào cháo/bột của bé. Các mẹ nên bổ sung I-ốt cho bé từ nguồn thức ăn giàu I-ốt.

Có nên cho nước mắm vào bột/cháo của bé?

Nên.
 
Nước mắm là một gia vị cần thiết trong bột/cháo của bé. Nếu nêm muối, bột canh thay cho nước mắm, các mẹ đã lãng phí mất lượng canxi đáng kể trong nước mắm.
 
Ban đầu, các mẹ chỉ nên cho vào bột/cháo của bé vài giọt nước mắm để bé làm quen dần với gia vị mới. Sau đó, mỗi bữa mẹ nên cho vào bột/cháo của bé nửa thìa cà phê nước mắm. Tùy theo thức ăn và lượng ăn của bé để mẹ nêm cho phù hợp.

Nước mắm - một gia vị thiết yếu trong bát bột/cháo của bé

Có nên cho bé mì chính vào bột/cháo của bé?

Không nên cho bé dưới 2 tuổi ăn mì chính. Các nghiên cứu gần đây cho rằng mì chính (bột ngọt) không có hại. Nhưng các mẹ nên bổ sung chất ngọt cho bột/cháo của bé từ thịt, cá, cua, tôm.

Có thể thay thế mì chính bằng hạt nêm?

Không thể. Vì trong thành phần của hạt nêm cũng có mì chính.

Lưu ý cho các mẹ:

- Không nên cho bé ăn mặn. Khi bé được 9 tháng tuổi, bé có thể ăn mặn hơn lúc mới tập ăn dặm.

- Khi mẹ nếm bột/cháo của bé thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó là mặn so với bé. Vì vậy, mẹ nêm lượng nước mắm vừa phải, ăn thấy hơi nhạt một chút là vừa cho bé.

- Nên cho bé ăn cả phần cái và phần nước trong bột/cháo mới cung cấp đủ dưỡng chất cho bé. Không nên chỉ ninh nhừ bột/cháo rồi gạn lấy phần nước cho bé uống.

- Có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bát bột/cháo của bé thay thế cho nước mắm/muối. Vì phomai cũng có vị mặn. Nên cho phomai vào bát bột của bé sau khi cho dầu ăn. Như vậy, bát bột/cháo của bé cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.

Nam Hải
(Tổng hợp)
Chia sẻ