Mẹ vừa đi làm thì con ở nhà bị chảy máu não, ai cũng bất ngờ khi biết nguyên nhân do hành động của bố
Bé trai 3 tháng tuổi đang khỏe mạnh là vậy, thế mà chỉ sau chưa đầy 1 ngày xa mẹ đã xảy ra chuyện, nguyên nhân lại do chính người bố thiếu ý thức và trách nhiệm khi chăm sóc trẻ nhỏ.
Có nỗi đau nào lớn hơn việc đứa con bé nhỏ gặp nạn mà nguyên nhân lại đến từ chính sự tắc trách, thiếu ý thức trách nhiệm của người lớn. Phải những ai đang nuôi con nhỏ mới có thể hiểu hết được sự an toàn của con cái chính là điều quan trọng nhất mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng cần quan tâm đặt lên hàng đầu.
Chị Angie Setlak, 36 tuổi, hiện đang sống tại Washington, Mỹ, đã sinh non một bé trai và đặt tên là Xavier. Bé chào đời sớm hơn 4 tuần so với ngày dự sinh và chỉ nặng 1,5kg, nguyên nhân khiến người mẹ đẻ non là do những căng thẳng và mẫu thuẫn trong cuộc sống với người chồng. Bé được nằm phòng chăm sóc đặc biệt và sau 16 ngày thì được xuất viện về nhà.
Bé Xavier tuy sinh non nhưng đã tăng cân tốt sau 3 tháng.
Angie đã dành 3 tháng nghỉ sau sinh để chăm sóc cho bé Xavier, bé tăng lên 4,5kg. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi mẹ bé đi làm trở lại thì cậu bé này đã gặp nạn ngay tại nhà. Nguyên nhân lại do chính sự tắc trách, thiếu ý thức trách nhiệm của người bố. Angie đau xót kể lại ngày định mệnh: "Anh ta liên tục gọi tôi về trông con, còn tôi thì cố trấn an con sẽ ổn. Nhưng đến buổi chiều thì tôi nhận được tin nhắn con đã ngừng thở do bị sặc sữa. Tôi sốc và đó là tin nhắn mà cả cuộc đời này tôi không dám nghĩ đến".
"Khi đến bệnh viện thì nghe thấy tiếng con khóc, tôi nghĩ con đã qua khỏi. Nhưng không, khi được bế con thì tôi phát hiện con lịm dần và tái nhợt. Kết quả chụp CT cho thấy bé bị chảy máu não bất thường do bị tác động chấn thương chứ không phải do tai nạn ngẫu nhiên", người mẹ kể lại quá trình phát hiện con bất thường. Các bác sĩ cho rằng rất có thể người cha đã bế bé và rung lắc quá nhiều, não bộ của trẻ sơ sinh vốn dĩ còn khá non nớt nên rất dễ bị tổn thương do lực tác động từ bên ngoài.
Cậu bé được điều trị tích cực sau khi được chẩn đoán có tổn thương trong não do bị rung lắc, tác động mạnh từ bên ngoài.
Ngay sau đó, bé được đặt nội khí quản và gây mê để tránh các cơn co giật trong 2 tuần liền. Do não thiếu oxy trong một thời gian trước khi được cấp cứu nên các bác sĩ đã cảnh báo nguy cơ bé có thể bị mù, chậm phát triển, thậm chí là không thể phát triển như một đứa trẻ bình thường đc nữa. Sau 17 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, bé Xavier được về nhà.
Angie chia sẻ về quá trình hồi phục kì diệu hiện tại của con trai sau khi ra viện: "Tôi cố gắng ở bên con từng giây từng phút. Bé được tập vật lý trị liệu hàng tuần, thăm khám với các bác sĩ thần kinh học, nhãn khoa, một chuyên gia phát triển thần kinh giúp con đánh thức bộ não và kết nối lại dây thần kinh. Con đang phải dùng thuốc chống động kinh và có thể mất tới 2 năm mới có thể bỏ thuốc. Con còn có nguy cơ cao mắc bệnh bại não, nhưng mọi thứ đều chưa chắc chắn và sẽ được chẩn đoán lại sau 1,5 năm nữa. Tôi vẫn đang làm tất cả để con có thể phát triển bình thường".
Cậu bé dũng cảm đang phải thực hiện nhiều bài tập trị liệu với các bác sĩ để vượt qua giai đoạn hồi phục khó khăn này.
Những đêm dài thức giấc, giật mình sợ hãi của người mẹ đã thôi thúc Angie chia sẻ câu chuyện của con trai tới các bậc cha mẹ. Theo Angie, có nhiều cách để chăm sóc và dỗ dành một đứa trẻ. Khi con khóc, hãy đặt con xuống và lấy lại tinh thần thay vì dồn nén vì bạn có thể làm hại tới đứa trẻ chỉ với 1 phút giây giận dữ, nóng nảy. Những hành động rung lắc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn bị nghiêm cấm.
Hội chứng rung lắc ở trẻ (Shaken Baby Syndrome) là dạng chấn thương ở đầu khi não trẻ bị tổn thương nghiêm trọng do rung lắc mạnh với cường độ cao hoặc dừng hay va chạm đột ngột gây ra. Hội chứng này đã được nhắc đến nhiều và khuyến cáo trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nếu cha mẹ có thói quen tung hứng, nựng lắc con khi vui đùa hoặc xốc lắc mạnh cần thay đổi ngay vì các động tác quá mạnh đối với trẻ nhỏ có thể gây những hậu quả khôn lường như não sưng phù, tổn thương mạch máu trong não, làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, tập trung kém, khó tiếp thu. Các tổn thương nặng hơn có thể kể đến như xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.
Rung lắc con tưởng là đùa nhưng lại gây nguy hiểm khôn cùng (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại đó là bố mẹ thường không biết trẻ bị tổn thương vì rung lắc mạnh do người lớn gây nên, vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục bị "tra tấn" bởi các lần rung lắc mạnh tiếp theo do người lớn vô tình gây ra khiến trẻ bị tổn thương ngày càng nặng và để lại hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tới sự phát triển cả đời của trẻ.
Một số triệu chứng của hội chứng rung lắc trẻ có thể bao gồm: khó ngủ, cơ thể run, khó thở, ăn kém, bỏ bú, nôn mửa, da đổi màu, co giật, hôn mê, tê liệt.
Nguồn: Kidspot, Love, Healthline