Mẹ Việt ở Mỹ chia sẻ việc phát hiện con gái mắc căn bệnh nguy hiểm ngay từ 2 tuần tuổi nhờ lấy máu gót chân

Dương Thanh Nga,
Chia sẻ

Qua câu chuyện của con gái mình, chị Thanh Nga muốn nhắc các mẹ tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh bẩm sinh khi mang thai và khi con mới sinh. Như trường hợp của bé Lisa, bệnh suy giáp bẩm sinh đã được phát hiện nhờ việc lấy máu gót chân.

Khi Lisa được 2 tuần tuổi, đang dẫn bé đi chơi thì tôi nhận được một cuộc điện thoại từ bệnh viện. Cô y tá bảo "Kết quả phân tích máu cho thấy Lisa bị suy giáp bẩm sinh".

Tôi đứng người mất mấy giây. Tôi không biết mình phải nói gì và làm gì. Não tôi lúc ấy chưa kịp xử lý thông tin vừa nhận được. Tôi không tin rằng con của mình, đứa bé xinh như thiên thần đang cười tươi trước mặt mình, lại bị một căn bệnh nghiêm trọng.

Tôi nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó.

Cô y tá nói rằng cũng có thể là nhầm lẫn. Máu của trẻ sơ sinh lấy từ gót chân nên dễ tương tác với các chất khác, cần phải thử máu lại lần nữa xem có đúng không. Tôi dẫn ngay Lisa đến bệnh viện thử máu lại. Và đi về, trong lòng nóng ruột đợi điện thoại rung báo kết quả.

Chiều ấy cô y tá gọi lại. Giọng vẫn ngọt ngào mà sao tôi nghe như cắt xén ngang dọc hết trái tim: "Lisa bị suy giáp bẩm sinh. Bây giờ chị phải lập tức ghé lấy thuốc cho bé uống. Tuần sau thử máu lại".

"Điều đó có nghĩa là sao? Uống thuốc vài bữa rồi thử máu lại là hết đúng không?".

"Không, chị ạ, sau một tuần uống thuốc sẽ thử máu lại để điều chỉnh lượng thuốc. Còn bé sẽ phải uống thuốc cả đời".

Mẹ Việt ở Mỹ chia sẻ việc phát hiện con gái mắc căn bệnh nguy hiểm ngay từ 2 tuần tuổi nhờ lấy máu gót chân - Ảnh 1.

Bé Lisa hiện tại đã 9 tháng tuổi và đang trong giai đoạn lò dò biết đi (Ảnh: FBNV).

Nghe đến đây tôi buông máy. Òa khóc. Khi đẻ con tôi không khóc. Khi ôm con lần đầu tiên tôi không khóc. Mà giờ tôi có cảm tưởng bao nhiêu nước mắt có sẵn trong người cứ rớt ào hết ra ngoài.

Tôi gọi điện cho chồng, anh chẳng nghe rõ được từ nào trong tiếng được tiếng không tôi lắp bắp nói. Tôi nhắn tin cho mẹ mà nước mắt vẫn cứ rơi: "Mẹ ơi, Lisa bị suy giáp, con buồn quá mẹ ơi!" Lúc đó trong đầu tôi hiện lên hình ảnh những đứa trẻ thiểu năng, đầu to chân tép, mặt mũi lơ ngơ. Tôi hình dung ra viễn cảnh đứa con bé bỏng của tôi cũng sẽ lớn lên thành như thế đó.

Khi bình tĩnh được một lúc tôi hẹn gặp ngay bác sĩ. Trong khi tôi đang rối bung lên thì ông bác sĩ đầu bạc vẫn cười nồng hậu, ôm Lisa vào lòng và gọi yêu "Nàng công chúa".

Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh là bệnh nội tiết khi tuyến giáp trạng của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Nguyên nhân có thể là do tuyến giáp trạng phát triển bất thường, một lỗi bẩm sinh trong chuyển hóa giáp trạng, hay thiếu chất i-ốt.

Bác sĩ giải thích đây là một căn bệnh rất hiếm, tỉ lệ 1/3500 trẻ em. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cơ thể con không sản xuất ra hormone tuyến giáp, vẫn còn đang sử dụng hormone tuyến giáp có sẵn từ mẹ truyền sang, và đang giảm đi nhanh.

Tuyến giáp cực kỳ quan trọng trong sự phát triển cơ thể và não bộ của con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nên nếu phát hiện trễ sẽ rất nguy hiểm.

May mắn nhờ phát hiện sớm ngay sau sinh nên con vẫn chưa bị thiếu hormone một ngày nào. Giải pháp điều trị là uống hormone vào để thay thế cho lượng hormone tuyến giáp mà cơ thể phải sản xuất ra.

Một thời gian dài sau đó tôi vẫn còn dằn vặt chính mình. Tại sao một căn bệnh hiếm như thế lại rơi trúng đầu con mình? Tại sao các xét nghiệm toàn diện - kiểm tra định kỳ hàng tháng khi mang thai lại không phát hiện ra điều này trước? Một trong những lý do trẻ bị suy giáp bẩm sinh là do mẹ truyền sang con, có khi nào là lỗi tại mình?

Mẹ Việt ở Mỹ chia sẻ việc phát hiện con gái mắc căn bệnh nguy hiểm ngay từ 2 tuần tuổi nhờ lấy máu gót chân - Ảnh 3.

Lisa vẫn cùng cả nhà lên rừng xuống biển (Ảnh: NVCC).

Mặc dù bác sĩ nói đi nói lại rằng không phải lỗi của người mẹ hay khoa học, rằng đó chỉ là một ngẫu nhiên không may, nhưng phải mất một thời gian tôi mới học được cách không phán xét chính mình, không đổ lỗi cho tác nhân xung quanh, và học cách chấp nhận thực tế.

Cứ mỗi sáng ngủ dậy, Lisa uống một viên thuốc bé xíu màu hồng để bổ sung hormone tuyến giáp cho cơ thể. Em uống ngon ơ không nhăn nhó gì. Lisa đi xét nghiệm máu đều đặn. 2 tuần. 3 tuần. 1 tháng. 2 tháng. Mỗi lần xét nghiệm máu lại giảm bớt liều đi một chút. Đến khi Lisa 3 tháng thì lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể con đã ổn định. Thuốc cũng giảm xuống thành liều tối thiểu, chỉ có nửa viên 12.5mg bé tí ti.

Tôi vẫn mong đến một ngày con không cần đến cái viên thuốc nhỏ xíu đó nữa. Bác sĩ bảo không nói trước được điều gì bây giờ. 3 năm đầu đời là giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển não bộ, nên không thể đánh liều mà tạm ngưng thuốc. Đến khi nào bé tròn 3 tuổi mà vẫn giữ tình trạng ổn định thì sẽ tạm ngưng để theo dõi. Nếu cơ thể vẫn sản xuất được hormone tuyến giáp thì khi đó sẽ không cần uống nữa.

Bác sĩ nói thêm: Thuốc hormone tuyến giáp cũng giống như một loại vitamin, hay thực phẩm chức năng. Cơ thể mình thiếu thì mình bổ sung, hoàn toàn không có phản ứng phụ. Nên 3 năm hay cả đời, thì hãy xem nhẹ nhàng như một viên kẹo hồng con được ăn thêm mỗi sáng.

Viết đến đây cũng muốn nhắc các mẹ, cần chú ý tầm soát bệnh suy giáp bẩm sinh khi mang thai và khi con mới sinh. Phát hiện sớm chắc chắn sẽ không sao. Nhưng nếu để trễ hơn 21 ngày sau khi sinh, thì hậu quả là cả một bi kịch cho tương lai của trẻ.

Mẹ Việt ở Mỹ chia sẻ việc phát hiện con gái mắc căn bệnh nguy hiểm ngay từ 2 tuần tuổi nhờ lấy máu gót chân - Ảnh 4.

Chị Thanh Nga cùng chồng và 2 con Liam, Lisa (Ảnh: NVCC).

Mới ngày nào Lisa còn hóng chuyện khi vừa mở mắt chào đời, giờ đã vụt lớn nhanh như thổi. Con bắt kịp tiến độ 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Vẫn cùng cả nhà lên rừng xuống biển. Sáng sáng ngủ dậy con đều nhai nửa viên thuốc hồng hồng xíu xíu, cười tươi rạng ngời như ánh nắng mặt trời ban mai tràn ngập cửa sổ.

Thú thật tôi chưa thấy cô bé nào yêu đời, thích giao tiếp, hay cười và rạng rỡ như Lisa. Người nào gặp con dù có đang trong tâm trạng bực bội, cáu kỉnh hay buồn rầu, nhìn con chủ động cười chào, cũng thấy ngày không còn u ám.

Nếu chú ý kỹ bạn sẽ thấy trên trán Lisa có một vết bớt màu hồng đỏ, người ta gọi đó là "Nụ hôn Thiên thần", rồi sẽ nhạt dần và mất đi khi con lên 3. Truyền thuyết cho rằng đó là món quà siêu nhiên cô tiên ban tặng, bảo vệ cho con được may mắn.

Con hỏi có thiên thần không à? Mẹ tin là có đó!

Vì mọi đứa trẻ sinh ra trên đời, là để được hạnh phúc và bình an.

Vài nét về tác giả

Chị Dương Thanh Nga là mẹ Việt đang sống cùng gia đình tại San Francisco (Mỹ). Chị là mẹ của 2 bé Liam (5 tuổi) và Lisa (9 tháng tuổi). Chị cũng là tác giả của cuốn sách "Mẹ sẽ không để con ở lại" - tập hợp những bài viết sinh động, thiết thực từ những chuyến đi, những trải nghiệm hoàn toàn là sự thật của một bà mẹ địu con đi khắp 3 châu lục trong suốt 2 năm đầu đời của con.

Chia sẻ