Mẹ Việt kể chuyện sinh con ở Nhật: Lúc từ viện về mới nhớ ra là đi sinh con chứ không phải đi nghỉ dưỡng
Chi phí quá trình sinh con ở Nhật của mẹ Việt tốn gần 100 triệu đồng nhưng gia đình chỉ phải chi trả 4 triệu đồng, và điều đặc biệt ấn tượng là dịch vụ chăm sóc sản phụ cũng như thái độ của y bác sĩ...
Nếu những giờ phút lâm bồn có thể là nỗi kinh hoàng của nhiều chị em phụ nữ thì câu chuyện sinh con ở Nhật mà ngỡ như đi nghỉ dưỡng của chị Huỳnh Châu Pha hiện đang sinh sống ở Osaka (Nhật Bản) khiến không ít người đi từ bất ngờ này sang thú vị khác.
Chị Châu Pha cho hay, khi biết mình có bầu là chị chọn ngay một bệnh viện ở gần nhà cho thuận tiện. Do có bảo hiểm nên chị Pha được đi khám thai hoàn toàn miễn phí. "Trong 3 tháng đầu là thời kì nguy hiểm nên cứ 2 tuần mình đi khám 1 lần, 3 tháng giữa 1 tháng 1 lần và 3 tháng cuối 2 tuần 1 lần. Nếu có vấn đề phát sinh ở sản phụ như tiểu đường thai kì hay vấn đề liên quan đến thai nhi thì bác sĩ sẽ hẹn lịch khám liên tục 1 tuần 1 lần. Sản phụ sẽ được phát sách hướng dẫn chế độ ăn uống trong thai kì, thực phẩm nào tốt cho giai đoạn nào đều được chỉ dẫn rất kỹ.
Khi biết tin mình có thai, chị Châu Pha chọn một bệnh viện ngay gần nhà để thăm khám cho thuận tiện.
Ở Nhật hầu như tất cả đều sinh thường nên bác sĩ kiểm soát cân nặng của mẹ và em bé rất nghiêm. Mẹ chỉ nên tăng từ 8-12kg là chuẩn, em bé thì khoảng 2,8-3,5kg. Nếu tới lịch khám bác sĩ thấy mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ bị nhắc nhở về xem lại chế độ ăn uống, nếu vẫn tăng cân họ sẽ bắt nhập viện ăn theo chế độ của bệnh viện luôn" - mẹ Việt ở Nhật chia sẻ về sự tư vấn tận tâm của bệnh viện với sản phụ trong suốt quá trình mang thai.
Đến khi sinh, bảo hiểm cũng chi trả 84 triệu đồng còn chị Pha chỉ đóng thêm 4 triệu đồng, phần thăm khám cho em bé tất cả đều được miễn phí.
Kể về quá trình sinh nở "nhẹ như lông hồng" của mình, chị Pha tỏ ra vô cùng hài lòng: "Mình quá ngày dự sinh mà không có dấu hiệu chuyển dạ nên nhập viện khi thai nhi đã 41 tuần để bác sĩ đặt bóng kích sinh và truyền thuốc. Ngày đầu tiên mình bắt đầu lâm râm đau bụng, ngày thứ hai bắt đầu đau nhiều hơn và đến trưa ngày thứ ba thì sinh em bé.
Trong thời gian ở viện người nhà chỉ được vào chơi, đến 8h tối thì phải về nên mọi việc đều là do y tá và bác sĩ giúp đỡ sản phụ".
Thời gian chị ở viện, mọi việc đều do bác sĩ, y tá chăm sóc.
Cứ khoảng 30 phút đến một tiếng, chị Pha sẽ được y tá vào xem cơn gò, hỏi han ân cần xem sản phụ có vấn đề gì không? Bác sĩ thì thăm khám vào buổi sáng, còn buổi chiều thì vào động viên, hỏi thăm rất tận tình. Bà mẹ trẻ còn rất cảm động khi mỗi lần y tá hay bác sĩ muốn hướng dẫn sản phụ việc gì đều quỳ xuống cạnh giường, ngang mặt với bệnh nhân để giải thích. Khi bị lên cơn đau, y tá cũng vào xoa lưng cho chị, dạy hít thở và động viên tinh thần. Không chỉ thế, y tá còn hướng dẫn cả chồng của chị Pha cách hít thở rồi làm cùng với vợ.
"Sau khi sinh, bé được da tiếp da với mẹ, sau đó tắm rửa sạch sẽ ngay tại phòng sinh rồi bấm vòng tay ghi mã số của mẹ, quần áo cũng đeo bảng tên và 2 chân bé được ghi tên mẹ bằng bút mực không phai. Tiếp đó, y tá gọi chồng vào chụp cho cả nhà 1 tấm ảnh lưu niệm, cho ba mẹ bế bé khoảng 30 phút rồi để mình ngủ trên bàn sinh khoảng 2 tiếng cho lại sức xong được đưa về phòng" - chị Pha nhớ lại quá trình sinh con cách đây hơn 1 tháng.
Ngày hôm sau, khi sức khỏe tốt hơn một chút, chị Pha được đi xem video cách mát-xa gọi sữa về, học cách bé cho bé ti, học tắm bé, cách pha sữa bột... Bệnh viện còn tặng quà như sữa bột, bình sữa, bỉm, khăn ướt, một cuốn sổ có hình bé và dấu chân ghi các thông số chiều cao cân nặng ngày sinh ra đời cùng 1 hộp gỗ lim đựng cuống rốn...
Bé con đáng yêu được da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh.
Không phải kiêng tắm, gội như nhiều bà mẹ khác, ngày thứ hai sau sinh, chị Pha được phép tắm rửa, ngày thứ 3 được mát-xa toàn thân bằng hương liệu.
Điều mà chị Pha thấy thích thú và bất ngờ nhất chính là cơm cữ mà bệnh viện dành cho sản phụ. "Thực đơn 3 bữa cơm một ngày của bệnh viện được thay đổi liên tục, không bữa nào trùng nhau. Thực đơn đa số là các thực phẩm lợi sữa. Nhật là đất nước bao quanh là biển nên ăn cá rất nhiều, thực đơn mỗi ngày hầu như đều có cá. Ngoài ra còn có rau củ quả lợi sữa như măng Tây, cà rốt, bí đao, đậu đũa, rau chân vịt...
Sau mỗi bữa cơm tối hằng ngày đều có phiếu đánh giá xem bữa ăn đó có hợp khẩu vị hay không? Có món nào mà sản phụ không thích? Hay muốn ăn món nào vào bữa sau để nhà bếp điều chỉnh, làm hài lòng sản phụ nhất có thể. Sau mỗi bữa ăn sẽ có người khảo sát một cách tỉ mỉ xem sản phụ có ăn được hết cơm hay không?" - chị Pha tiết lộ.
Bác sĩ vẫn sẽ quan tâm đến sản phụ mỗi ngày, khám vết rạch tầng sinh sau đó dặn dò sản phụ, nếu thấy đau thì nhấn chuông gọi y tá mang thuốc giảm đau đến. Trong suốt thời gian ở viện y tá sẽ chăm em bé cho sản phụ được nghỉ ngơi tuyệt đối. Chỉ có ban ngày cách 3 tiếng 1 lần sẽ gọi vào phòng cho bé ti, còn buổi tối họ sẽ cho uống sữa bột để mẹ nghỉ ngơi.
Những bữa cơm cữ ở bệnh viện như ở khách sạn.
Nữ sản phụ vô cùng hài lòng với dịch vụ của bệnh viện và thái độ của y bác sĩ. Nếu ở nhiều nơi, điều này đôi khi làm cho sản phụ và người nhà nhiều khi mệt mỏi, ức chế thì bác sĩ ở đây vô cùng thân thiện và có trách nhiệm. Dù cho ban đêm có bấm chuông gọi họ vào phòng bao nhiêu lần đi nữa thì trên môi họ vẫn nở nụ cười chứ không hề có thái độ gay gắt. Mỗi khi đổi ca trực y tá đều vào tận phòng bệnh nhân giới thiệu tên tuổi rồi nói: "Hôm nay đến phiên tôi trực mong bạn giúp đỡ, có vấn đề gì hãy bấm chuông gọi tôi ngay lập tức nhé!".
Chị Châu Pha rất hài lòng với dịch vụ của bệnh viện và thái độ chăm sóc của y bác sĩ.
Mặc dù đã sử dụng thành thạo tiếng Nhật song khi bác sĩ nói những từ chuyên môn mà chị Pha không hiểu thì họ sẽ cố gắng giải thích thật cặn kẽ, đến khi sản phụ hiểu được thì thôi.
Bệnh viện lúc nào cũng sạch sẽ, chăn đệm thơm tho, không khí rất dễ chịu. Sau một tuần, chị Pha được xuất viện, chị nói đùa rằng, lúc ấy mới giật mình nhớ ra mình vừa đi đẻ chứ không phải đi nghỉ dưỡng.