Mẹ Việt kể chuyện đi đẻ "xấu như ma", vỡ ối... té cái bẹp, bác sỹ chưa kịp đỡ con đã rớt ra
Hình ảnh tã tượi, rũ rượi của Minh Thư khi đi đẻ trong bộ đồng phục của sản phụ màu xanh rộng thùng thình, luộm thuộm khiến ai ai cũng không khỏi buồn cười.
Nhật ký đi sinh luôn có những chuyện dở khóc dở cười nhưng tựu chung lại đều là kỷ niệm mà các mẹ không thể nào quên trong đời. Mới đây, câu chuyện của Minh Thư (22 tuổi, hiện đang sống ở Đài Loan) khi "khoe" hình ảnh đi sinh "xấu như ma" của mình đang khiến các mẹ... cười lăn. Chia sẻ của Minh Thư một lần nữa lại cho các mẹ cái nhìn chân thực, đa dạng hơn về giây phút vượt cạn thiêng liêng.
Minh Thư viết: "Mình thường thấy mọi người chia sẻ khoảnh khắc đi đẻ đẹp "long lanh tô bánh canh". Mà không ngờ khi nhìn lại ảnh đi đẻ của mình lại thấy "hết hồn chim én" vì xấu như ma luôn đấy ạ. Sau này cho con mình xem lại, chắc con cũng cười xỉu mất".
Hình ảnh tã tượi đến từng milimet ngày đi sinh của Minh Thư.
Quả thật hình ảnh tã tượi, rũ rượi của Minh Thư trong bộ đồng phục của sản phụ màu xanh rộng thùng thình, luộm thuộm khiến ai ai cũng không khỏi buồn cười. Dáng đi lom khom, gương mặt nhăn nhó vì đau, hai tay buông thõng thất tha thất thểu của mẹ bầu trông cũng thật... giật mình. Nếu gặp hình ảnh này bên ngoài, chắc chắn không ít người phải rú lên vì sợ. Thế nên chẳng có gì lạ lùng khi Minh Thư tự ví mình "xấu như ma".
Vốn sẵn tính hài hước, Minh Thư kể lại: "Khi ở tuần 39 thai kỳ, mình bị ra nhớt hồng nên liền nhập viện. Nhưng cổ tử cung của mình mở rất chậm, bác sỹ vẫn muốn để mình sinh thường nên không chỉ định mổ. Bác sỹ hướng dẫn mình đi tới đi lui trong bệnh viện lúc nửa đêm nên mới có hình ảnh rũ rượi, rên rẩm như trên đấy. Bác sỹ còn kêu mình nhảy đi, nói chuyện đi, gọi điện thoại cho người thân đi, cứ thích làm gì thì làm, để nhằm đánh lạc hướng cơn đau, đừng tập trung vào nó."
Em bé chào đời nặng 3,6kg.
Minh Thư cứ đi qua đi lại trong hành lang bệnh viện, đi sang cả các góc phòng khác cho khuây khỏa.
Thậm chí bác sỹ còn hướng dẫn sản phụ nhảy theo điệu nhạc.
"Rồi y tá cứ ra vào đo, khám xem cổ tử cung của mình đã mở đủ chưa, lúc đợi hoài mà mở chậm quá, lại bảo mình ngồi dậy đi tới đi lui. Chán quá, mình mới bật nhạc lên nghe. Mình cứ nghe nhạc được một lúc lại thiếp đi, cơn đau đến lại tỉnh dậy quằn quại, khổ sở lắm. Buồn cười nhất là mấy chị cùng phòng chờ đẻ còn mang lẩu vào ăn để lấy sức đẻ, rủ mình ăn mà mình không ăn. Vì mình vừa mới ăn bắp ngô với chén chè rồi. Khi y tá đo mình mở được 6 phân, bảo mình đi lại lần nữa, vừa đi thì bị vỡ ối luôn".
Ối vỡ, cũng là lúc kết thúc quá trình chuyển dạ từ 9h sáng đến 5h chiều hôm sau của Minh Thư: "Mình vỡ ối, nước vương tung tóe, bị trượt chân... té cái bẹp, nhưng may không bị băng huyết hay làm sao cả. Rồi mình được đỡ dậy, vẫn hiên ngang đi vào phòng đẻ chẳng cần xe hay cáng gì. Mình vào tới giường đẻ, tự leo lên rặn nhẹ cái con rớt ra luôn, bác sỹ còn chưa kịp mang bao tay cơ mà. Em bé chào đời nặng 3,6kg".
Sau khi sinh xong, em bé được da tiếp da với mẹ và được ấp lồng kính giúp cứng cáp, tránh bị vàng da. Khi mẹ về phòng với con, các y tá nhiệt tình hướng dẫn Minh Thư cách cho con ti tích cực và uống nhiều nước ấm. Nên Minh Thư may mắn không gặp vấn đề gì khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Sau khi sinh em bé được da tiếp da với mẹ luôn.
Em bé được chăm sóc định kỳ trong lồng kính để tăng sức đề kháng, tránh vàng da. Thời gian ấp lồng kính là trong 3 ngày sau sinh. Mẹ sinh thường có thể xin về nhà trước, em bé sẽ ở lại viện đủ 3 ngày rồi mới về nhà.
Sinh con ở Đài Loan, Minh Thư cũng được trải nghiệm một dịch vụ y tế rất tốt: "Phòng đi sinh đẹp như khách sạn, còn nhà vệ sinh cho sản phụ cũng luôn sạch, thơm và rộng rãi. Mình ở viện sau sinh, nửa đêm đều có y tá vào thăm. Y tá sẽ giúp mình vỗ con ngủ, khi mình cho con bú xong cũng có người giúp bé cho bé ợ hơi, mẹ khỏi cần động tay. Ngay cả chuyện chăm sóc vệ sinh vùng kín cho mẹ sau sinh, y tá cũng làm giúp, rất sạch sẽ. Trong suốt quá trình đi sinh, y tá và bác sỹ đều nói chuyện rất nhỏ nhẹ".
Minh Thư được trải nghiệm dịch vụ y tế tuyệt vời ở Đài Loan.
Không những thế, Minh Thư còn may mắn khi chồng người Đài Loan hết sức tâm lý, một tay chăm sóc con sau khi sinh để vợ được nghỉ ngơi.
Và điều may mắn với Minh Thư, là chị có một người chồng hết sức tâm lý, đồng hành với vợ trong suốt quá trình vượt cạn: "Lúc mình đau bụng gần sinh, thấy vợ đau đến rớt nước mắt, anh cũng khóc theo luôn. Anh cũng là người chụp lại mấy bức ảnh này cho vợ để lưu làm kỷ niệm. Sau khi về nhà, anh cũng một tay chăm sóc con, từ ru con, thay tã, tắm cho con... Việc trong nhà cũng là anh đảm hương hết để mình được nghỉ ngơi".
Kể từ ngày sinh con đến nay đã 2 tháng trôi qua, nhưng những cảm xúc với Minh Thư vẫn vẹn nguyên. Chị cho biết, dù tếu táo kể lại cho vui vậy thôi, nhưng chuyện đi sinh mãi mãi là một trải nghiệm khó quên với chị.