Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã "thốn đến tận rốn" của bà mẹ 22 tuổi

Anh Tuấn,
Chia sẻ

Đau đẻ vật vã, dữ dội, hậu sản bị sót nhau đến 2 lần nhưng chưa dừng lại ở đó, bà mẹ còn phải đối mặt với tình trạng áp xe vú nặng...

Chuyện xách làn đi đẻ của các mẹ luôn có những chi tiết khi khôi hài, đôi khi lại gay cấn đến nghẹt thở, muôn người muôn vẻ và chẳng ai giống ai. Mới đây, kể lại nhật ký đi đẻ và những nỗi đau phải gánh chịu sau sinh, chị Vũ Ánh (22 tuổi, hiện đang sống ở Quảng Ninh) đã khiến nhiều mẹ cảm thấy đồng cảm sâu sắc.

Bởi chẳng suôn sẻ như một số mẹ khác, ngoài 3 tiếng vật lộn trong phòng đẻ, đón bé gái nặng 3,4kg chào đời, chị Ánh còn bị sót nhau, phải nạo nhau 2 lần mới hết. Sau đó, những ngày hậu sản còn ám ảnh với chị khi bị áp xe ngực chỉ 1 tháng sau sinh, phải nhập viện, uống kháng sinh, đối mặt với những cơn đau đến khôn cùng, “sợ còn hơn sợ đẻ”.

Đau dữ dội khi đẻ thường, hậu sản bị sót nhau đến 2 lần

Chị Ánh kể lại, đến tuần 40 của thai kỳ, chị bị đau bụng lâm râm từ đêm đến sáng mới có dấu hiệu ra máu. Chị và người nhà bắt taxi đi đến bệnh viện phụ sản, chọn dịch vụ đẻ thường. Trong 3 tiếng ở trong phòng chờ đẻ một mình vì không ai được phép vào, chị đau vật vã, dữ dội đến mức không hét nổi, chỉ bám vào thành giường, nghiến răng để chịu đựng. Cuối cùng, chị cũng đợi được đến giờ khắc vào phòng đẻ để đón con yêu. Mọi việc sau đó diễn ra khá suôn sẻ, bé gái nặng 3,4kg chào đời.

Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã thốn đến tận rốn của bà mẹ 22 tuổi - Ảnh 1.

Chị Ánh "tàn tạ" sau khi vừa sinh con xong.

Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã thốn đến tận rốn của bà mẹ 22 tuổi - Ảnh 2.

Thời con gái như một người khác...

Những tưởng chỉ khoảng 1 ngày sau, gia đình chị Ánh và em bé sẽ được về nhà, thế nhưng bác sỹ lại thông báo chị Ánh bị sót một phần nhau thai trong buồng tử cung. Bác sỹ gải thích rằng cơ địa chị Ánh có nhau bám quá chắc vào tử cung, không tự bong ra được nên cần làm thủ thuật lấy nốt phần nhau còn sót. Chị Ánh phải ở lại viện thêm 1 tuần để ổn định mọi thứ sau khi thực hiện thủ thuật này.

Khoảng 1 tuần sau khi xuất viện, chị Ánh lại bị đau bụng và sốt cao. Hai vợ chồng chị đưa nhau đi viện, qua thăm khám ngỡ ngàng biết nhau thai vẫn còn sót, chưa hết hẳn. Chị đã phải nạo thêm một lần nữa. “Đến tận bây giờ, mình vẫn thấy ám ảnh với mỗi lần phải đi khám. Khi đi đẻ, bác sỹ cứ 5 phút lại khám xem mở bao nhiêu phân, “thốn” lắm. Sau khi đẻ xong, lại phải đi khám, làm thủ thuật nạo nhau sót lại đến tận hai lần, sợ còn hơn sợ đẻ!”, chị Ánh tâm sự.

Hơn 1 tháng lại bị áp xe, phải nhập viện chích mủ, đau như cực hình

Nhưng nỗi đau với chị Ánh chưa dừng lại ở việc bị sót nhau đến hơn 2 lần. Bởi khi em bé được hơn 1 tháng, chị Ánh lại phải đối mặt với việc bị áp xe ngực. Chị kể lại, ngực chị bỗng nhiên bị sưng to, tấy đỏ hơn bình thường, căng tức, đau rát, đầu ti cũng to hơn mà sữa không chảy ra. Hai vợ chồng chị lại đưa nhau đi bệnh viện, chị phải nhập viện, xa con và tiếp tục chịu đựng những đau đớn kinh khủng.

Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã thốn đến tận rốn của bà mẹ 22 tuổi - Ảnh 3.

Ngực chị căng cứng, sưng tấy và đau rát vì bị áp xe.

“Đầu giờ chiều hôm đấy, mình được chích để nặn mủ. Ai ngờ đâu đau khủng khiếp không tưởng tượng nổi. Lúc đó mới thấy đau đẻ không thấm vào đâu cả. Bác sỹ cứ chọc, ngoáy và nặn, bóp trong vòng 1 tiếng, chẳng khác gì đang làm... sinh tố bơ!”, chị Ánh kể lại.

Mỗi ngày sau đó, chị được tiêm 4 liều, 2 liều kháng sinh, 2 liều chống viêm, có mũi tiêm tĩnh mạch, mũi lại tiêm bắp. “Mỗi lần tiêm bắp lại buốt, đau như cực hình vậy. Mỗi sáng phải thay băng một lần, bác sỹ lấy nhíp kẹp miếng gạc nhúng vào cồn đỏ xong chọc thẳng vào vết chích, ngoáy vào bên trong ổ áp xe để vệ sinh”, chị Ánh vẫn không khỏi rùng mình khi nhắc lại liệu trình điều trị.

Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã thốn đến tận rốn của bà mẹ 22 tuổi - Ảnh 4.

Mỗi khi nghĩ đến con gái, chị lại càng cố gắng để vượt qua những cơn đau.

Đằng sau bức ảnh tàn tạ sau sinh là câu chuyện đi đẻ và hậu sản chỉ nhắc thôi đã thốn đến tận rốn của bà mẹ 22 tuổi - Ảnh 5.

Chồng và con chị Ánh.

Nhưng dù đau đớn như vậy, chị Ánh vẫn cố gắng tự động viên mình để sớm được về với con. Em bé nhà chị mới sinh được 1 tháng nhưng đã phải xa mẹ gần 2 tuần, không được bú sữa mẹ vì mẹ dùng thuốc kháng sinh. “Mình còn tự trách bản thân vô dụng không có sữa cho con bú, nhìn con uống sữa công thức rồi bị táo bón mà lòng mình đau như cắt. Đổi các loại sữa, bé vẫn bị táo bón. Cuối cùng, sau khi điều trị, mình đã quyết tâm phải kích sữa lại cho con”.

Hễ ai mách ăn gì, uống gì, chị Ánh đều cố gắng tẩm bổ để có sữa cho con. Từ sữa đặc nóng, chè vằng, cháo móng giò..., chị không nề hà gì cả. Dần dần may mắn sữa về rần rần trong ngực, chị Ánh lại đủ sữa để cho con ti hoàn toàn đến bây giờ. Hiện tại, em bé của chị Ánh đã được 9 tháng tuổi, nặng 9kg và rất “nghiện” ti mẹ.

“Trải qua bao lần đi viện, nghĩ lại mình vẫn thấy may mắn vì chồng chịu khó sắp xếp công việc để chăm sóc mình. Đó là niềm an ủi lớn nhất. Thêm vào đó, nhìn thiên thần ngoan ngoãn, đáng yêu bên cạnh, mình thấy rằng tất cả những gì phải đánh đổi cũng thật xứng đáng”, chị Ánh chia sẻ thêm về hành trình gian truân đã trải qua.

Chia sẻ