Trẻ phạm lỗi không phải là điều tiêu cực

,
Chia sẻ

Khi trẻ phạm lỗi, đó không phải điều tiêu cực. Nếu biết tận dụng chính sai lầm đó để dạy trẻ về đúng sai, cách cư xử và nhận thức thì đó là một bài học tốt nhất cho con

Có những thời điểm mà cha mẹ rất dễ mắc sai lầm trong cách dạy dỗ con cái, khi trẻ phạm lỗi chính là một trong những thời điểm ấy. Sự mất bình tĩnh của cha mẹ, những sai lầm trong cách cư xử với con có thể làm tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái hoặc làm cho trẻ trở nên lì lợm, khó bảo. Cha mẹ thường mắc những sai lầm sau trong đối xử với con cái:

Lạm dụng hình phạt và sự mắng nhiếc

Khi trẻ mắc lỗi, điều đầu tiên mà rất nhiều cha mẹ nghĩ đến là phải trừng phạt trẻ bằng đòn roi hoặc mắng nhiếc. Cha mẹ thường cho rằng trẻ phải bị đánh đau mới nhớ lâu và không tái phạm. Trước mắt rất dễ nhận thấy roi vọt có thể cải biến một đứa trẻ, tuy nhiên, sau những trận đòn mà trẻ thực sự không rõ nguyên cớ, nhiều em đã phát triển không đúng hướng. Nếu chọn cách trừng phạt trẻ bằng roi vọt thay vì lời nói cũng đồng nghĩa với việc bạn đã không đủ kiên nhẫn để giáo dục con. Ngoài ra nếu cha mẹ chỉ biết đánh đập trẻ mà không có biết phân tích đúng sai, trẻ sẽ chỉ biết mình sai nhưng thường không biết là đã sai ở đâu, đồng thời nảy sinh tư tưởng chống đối. Cách giáo dục bạo lực này lâu dài sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ và hình thành tính cách cục cằn. 

Hình phạt thứ hai thường được mẹ áp dụng đó là sự mắng nhiếc, những câu như "mày là đồ ngu, đồ bỏ đi" có thể để lại tác động ngược với mong muốn của cha mẹ. Khi mắc lỗi, trẻ cũng rất mong nhận được sự bao dung của cha mẹ. Nếu bạn cứ liên tục nhiếc móc hay đay nghiến, tinh thần của bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bé dễ mặc cảm, tự ti. Hành động này cũng rất dễ gây ra sự xa cách, thiếu cảm thông, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái.

Vì thế, để tránh sai lầm trong cách cư xử với trẻ khi mắc lỗi, sự bình tĩnh của cha mẹ rất quan trọng để tránh làm tổn thương trẻ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Vì sự tổn thương này có thể tạo thành nỗi ám ảnh gây nên sự phát triển lệch lạc trong tính cách của trẻ.
 

Làm cho con “mất mặt” trước bạn bè

Trẻ con ngày nay, dù đang ở độ tuổi mẫu giáo cũng đã có khả năng nhận thức và hiểu biết nhiều hơn chúng ta tưởng, cùng với đó là lòng tự trọng và sự tự tôn trước bạn bè được đề cao. Cũng như người lớn, bé có nhu cầu được tôn trọng. Vì thế, khi phê bình trẻ thì tốt nhất nên trao đổi, phê bình khi không có người lạ. Cha mẹ không nên để trẻ bị "mất mặt" trước bạn bè, không nên làm tổn thương đến lòng tự tôn của bé. Sự xấu hổ của bé không chỉ khiến bé tổn thương, bé sẽ không cảm thấy tin tưởng vào cha mẹ mình như trước.

Không nghe con giải thích

Khi bạn đã trông thấy hậu quả từ hành động sai của trẻ, phản ứng thường gặp ở các bậc cha mẹ là mất bình tĩnh và không nghe thêm một lời giải thích nào từ bé nữa. Nếu bé không nhận lỗi, cha mẹ thậm chí có thể doạ nạt, uy hiếp, ép buộc con phải nhận lỗi. Sự tin tưởng là điều rất cần thiết cho dù con bạn mới chỉ là một đứa trẻ.  Hãy thật bình tĩnh để nghe con giải thích, tránh cho trẻ bị oan. Điều quan trọng đối với các bậc cha mẹ là phải hiểu được căn nguyên những lỗi lầm của con cái để từ đó giúp chúng vượt qua và sửa chữa. Nếu bạn phán xét trẻ một cách vội vàng, sự thiếu tin tưởng ấy sẽ có thể khiến trẻ phản kháng và chống đối cha mẹ. 

Phê bình trẻ một cách miên man, lặp đi lặp lại

Các chuyên gia có thể có nhiều ý kiến khác nhau về việc dạy trẻ, tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng việc bắt trẻ phải nghĩ về những gì chúng làm sai quan trọng hơn việc bạn không ngừng giảng giải miên man cho trẻ về lỗi lầm của chúng. Hãy để trẻ tự phải suy nghĩ về hành động của mình, tại sao lại sai và ảnh hưởng của hành động đó đến những người xung quanh.

Sau khi cho trẻ thời gian để nghĩ về việc làm đó, bạn hãy hỏi trẻ xem nếu mọi việc lặp lại trẻ sẽ làm như thế nào. Và nếu trẻ nói câu “xin lỗi” một cách nhẹ nhàng hoặc ôm lấy bạn, thì đó là một điều thực sự tuyệt vời. Bởi thế, trẻ phạm lỗi không hoàn toàn là một điều tiêu cực. Nếu bạn biết tận dụng chính sai lầm đó của trẻ làm thời điểm để dạy trẻ về đúng sai, về cư xử và nhận thức thì đó là một cơ hội tuyệt vời để bạn thấy con mình lớn lên trong suy nghĩ như thế nào?

Phê bình không kịp thời

Sự phê bình của cha mẹ chỉ phát huy hiệu quả khi nó kịp thời. Tức là khi trẻ còn ý thức về việc vừa làm cha mẹ phải  phê bình ngay. Nếu để quá lâu, đến khi trẻ đã quên cách cử xử của mình rồi, cha mẹ mới phê bình thì lời phê bình đó không còn hiệu quả với trẻ nữa.

Sự không thống nhất trong quan điểm giữa cha mẹ, ông bà

Giữa cha mẹ, ông bà khi dạy trẻ về cách cư xử tuyệt đối không nên "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Cùng một khuyết điểm mà người thì trách mắng, người thì xuê xoa, coi như không có gì sẽ khiến trẻ không nhận thức được đâu là đúng sai để sửa chữa. Thêm vào đó, sự biện hộ chiều chuộng sẽ tạo cho trẻ tâm lý dựa dẫm mỗi khi mắc sai lầm.

Dạy con bằng sự yêu thương

Điều cuối cùng cũng là điều cơ bản và quan trọng nhất trong cách giáo dục trẻ khi mắc sai lầm đó là bạn cần thể hiện tình yêu và tấm lòng của mình với trẻ. Một sự dạy dỗ hà khắc, không có tình yêu sẽ tạo nên ở trẻ tâm lý mặc cảm, tự ti. Đừng ngần ngại thể hiện tình yêu của mình với trẻ ngay cả khi trẻ mắc lỗi, tình yêu và sự cảm thông không phải là thái độ nuông chiều mà là sự mong muốn bé yêu của bạn trở thành một người biết cách cư xử và trưởng thành hơn. Hãy để trẻ hiểu rằng, bạn làm tất cả những điều này là vì bạn yêu con, mong thấy con trưởng thành và quan trọng là bạn tin rằng: Bé có thể cư xử tốt hơn, làm tốt hơn những gì mà bé đã làm.
 
Việt Hòa
Tổng hợp từ PC
Chia sẻ