Trẻ khổ sở vì bị bố mẹ chê bai

,
Chia sẻ

Đứa trẻ bị chê bai quá nhiều sẽ phản ứng theo 2 thái cực: chán nản, từ đó mất dần tự tin, hoặc ép mình chịu đựng và “bật” lại khi đến ngưỡng.

"Giỏi gì mà giỏi hả bác? Học hành thì làng nhàng, chỉ giỏi mơ mộng linh tinh" - Chị Hương lắc đầu khi ông khách khen con gái chị có khiếu văn chương, không hề để ý cô bé đang bặm môi, mắt rơm rớm nước.

Mai, con chị, đã 13 tuổi. Thành tích học tập không xuất sắc nhưng cô bé được mọi người yêu mến bởi tính hiền lành, biết quan tâm đến người khác. Đặc biệt, Mai còn được bạn bè nể phục vì làm thơ và viết truyện khá hay, đăng khá nhiều trên một số tờ báo dành cho tuổi học trò.

Chị Hương trong lòng rất tự hào về con, nhưng nghĩ rằng nếu khen ra mặt, Mai sẽ đâm kiêu ngạo và ngừng cố gắng. Do đó, chị rất hiếm khi khen con. Thậm chí mỗi khi có ai khen Mai mà có mặt cô bé ở đó, chị phải cố ghìm nụ cười sung sướng và lôi những khuyết điểm khác của con ra để phàn nàn, nào là không bao giờ được đi thi học sinh giỏi, nào là không biết nấu nướng.

"Cháu rất đau khổ và chán chường vì biết rằng dù có cố gắng đến mấy đi nữa, mẹ cũng không bao giờ hài lòng" - Mai sụt sùi.

Nhiều đứa trẻ đã lớn lên và đã có con cái, nhưng vẫn không quên được sự tổn thương do bị bố mẹ chê bai hồi bé. Chị Loan, 32 tuổi, thành viên Câu lạc bộ Làm cha mẹ (Hà Nội), tâm sự trong một buổi học về kỹ năng dạy con do câu lạc bộ tổ chức: "Tôi vẫn nhớ rõ mình tủi thân và cảm thấy bị xúc phạm như thế nào khi bố mẹ cứ bôi xấu mình trước mặt khách khứa. Mẹ còn bảo, sau này rồi chẳng có đứa dở hơi nào nó lấy mày, mà tôi nào có tệ gì cho cam".

Loan cho rằng cách ứng xử này chẳng những không giúp con cố gắng thêm mà còn gây chán nản và ý muốn buông xuôi. "Tôi tự hứa với mình sẽ không bao giờ làm vậy với con cái" - chị tâm sự.

Theo ông Trần Ban Hùng, chuyên gia tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển, người tham gia biên soạn chương trình dạy cách làm cha mẹ cho câu lạc bộ kể trên, khẳng định: "Thường xuyên chê con, đặc biệt là chê trước mặt người khác, là điều tối kỵ đối với những người làm cha mẹ". 'Phương pháp' tiết kiệm lời khen, hào phóng lời chê này được rất nhiều người áp dụng với niềm tin là có thể hạn chế thói tự kiêu, kích động lòng tự trọng của con, khiến con không ngừng cố gắng. Tuy nhiên trên thực tế, mục đích này thường không đạt được, thậm chí bị phản tác dụng.

Đứa trẻ bị chê bai quá nhiều có thể phản ứng theo 2 thái cực: Rất chán nản, không còn cố gắng nữa vì cho rằng dù thế nào cũng không thể làm vui lòng bố mẹ, trẻ mất dần sự tự tin. Một số trẻ vẫn cố gắng ép mình để làm vừa ý phụ huynh, nhưng trong lòng nuôi mầm chống đối, và một lúc nào đó có thể "bật lại" khi đến ngưỡng chịu đựng.

Nếu bị chê trước mặt khách, nhất là bạn bè thì hậu quả càng tệ hơn. Trẻ cảm thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục, dẫn đến oán giận bố mẹ, sẽ phản ứng dữ dội (cãi, bỏ nhà đi, xé sách vở...). Nhiều trẻ bị đối xử như thế lâu ngày đâm ra... quen, lòng tự trọng, tự tin bị mài mòn, rất khó phát triển về sau.

Do đó, dù muốn con tiến bộ hơn nữa, cha mẹ không nên kiệm lời khen. Trước hết, cần ghi nhận những thành tích, điểm mạnh của con trước khi góp ý, chẳng hạn: "Con giỏi quá, mẹ biết là nếu cố gắng, con sẽ làm tốt hơn nữa. Nếu khắc phục được..., con sẽ...". Khi con khoe những thành công, bạn không cần giấu giếm lòng tự hào của mình vì chính điều đó sẽ khích lệ con tiếp tục phấn đấu để được thấy bố mẹ vui lòng, chứ không phải là sự chê bai.

Theo Hải Hà
Vnexpress

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Chia sẻ