Những quan niệm sai lầm về tuổi tập đi của trẻ

,
Chia sẻ

Dưới đây là lý giải của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương về một số cách hiểu sai hay gặp của các bậc phụ huynh.

Theo bác sĩ  Hưng, trẻ dưới 2 tuổi thường không bị sai khớp do chấn thương, (nếu bị thì thường có gãy xương kèm theo) vì trong giai đoạn này hệ thống xương và dây chằng của các bé rất mềm mại, đàn hồi và bù trừ tốt, ngoại trừ những bé bị bệnh xương thủy tinh hay còi xương, xương mềm.

Trẻ dùng xe tập đi sau 6 tháng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của xương chân. Bế cắp nách, cho bé ngồi xe tập đi sớm sẽ làm trẻ bị cong chân, đi vòng kiềng, hay bế đứng lúc bé chưa cứng cổ dễ khiến bé gãy cổ... đều là những cách hiểu sai khá phổ biến của nhiều người.

1. Cho trẻ ngồi xe tập đi sớm, dắt trẻ đi lúc còn nhỏ... sẽ khiến chân bé bị cong

Thực tế có nhiều cháu dùng xe tập đi bị ngã do xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm hoặc cầu thang. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X lại không đúng. Thật ra, việc cho bé ngồi xe này (khoảng 6 tháng tuổi trở đi) hoặc dắt cho trẻ tập đi không ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.

Để trẻ phát triển tự nhiên

Xương và hệ thống dây chằng của các bé rất mềm mại và đàn hồi tốt. Hơn nữa, mỗi trẻ có tốc độ phát triển riêng, có bé đi được từ lúc 10 tháng, bé khác có khi phải 16 tháng mới đứng được. Hơn nữa, có khi bố mẹ muốn bắt trẻ tập đi sớm cũng không được, vì nếu chưa sẵn sàng thì dù bà, mẹ có cố dắt đi, bé cũng cứ ì ra, ngồi thụp xuống chứ nhất định không chịu nhấc chân và đó là điều hoàn toàn bình thường.

2. Nếu thấy con đi vòng kiềng hay chân bị cong thì nên đi chữa cho con càng sớm càng tốt

Điều này hoàn toàn sai. Do hiểu biết không đầy đủ, nhiều bậc phụ huynh cứ thấy con chân chữ O, chữ X là cho đi mổ, nắn chân, có khi phải bẻ, đục xương. Thực ra, từ khi sinh ra đến lúc 5 tuổi, trẻ có 2 lần chuyển dạng sinh lý về xương, tức là chân bé đang thẳng lại cong rồi đang cong lại thẳng. Vì thế, có thể bạn thấy chân con vòng kiềng nhưng thực chất đó chỉ là bé đang trong thời kỳ 2 lần thay đổi đó. Và tuyệt đối, bố mẹ không nên đưa con đi chữa trị, nhất là mổ nắn xương chân trước 5 tuổi nếu bé không có bệnh lý gì khác.

3. Nếu bé cứng cổ, chỉ nên ẵm ngửa, không nên bế đứng vì có thể bé ngọ ngoậy quay qua quay lại hoặc gập cổ ra sau gây gãy cổ.

Trẻ bình thường không bao giờ bị gãy cổ hay sai các khớp khác do chấn thương. Lý do vẫn là vì cấu tạo xương và hệ thống dây chằng ở trẻ đàn hồi rất tốt.

Theo Thegioisuckhoe
Chia sẻ