Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ

Thiên Hương,
Chia sẻ

Được làm mẹ là điều tuyệt vời nhất đối với bất kì chị em phụ nữ nào nhưng để sinh được những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân nhanh nhẹn trong thời kỳ mang thai không hề đơn giản.

Chọn độ tuổi sinh nở phù hợp

Trước 20 tuổi, cơ thể người phụ nữ chưa được phát triển toàn diện, khung chậu hẹp nên trong quá trình chuyển dạ sẽ gặp nhiều khó khăn, khả năng gây tai biến cho con rất cao. Bên cạnh đó, người mẹ sẽ bị hạn chế khả năng học tập và cơ hội có nghề nghiệp ổn định, do đó sẽ không đủ điều kiện tốt để chăm sóc con.

Còn đối với chị em trên 35 tuổi, sức khỏe bản thân cũng như chất lượng của trứng không đảm bảo, tỷ lệ thụ thai không “nhạy” bằng khi còn trẻ, độ giãn nở của khung chậu bị hạn chế nên khả năng mang thai và sinh nở lần đầu gặp nhiều rủi ro cho cả hai mẹ con. Khi sinh con muộn, các nguy cơ thường gặp là: sẩy thai, đẻ non, tiền sản giật, thai lưu, đẻ khó,...  Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi mà mang thai còn dễ bị cao huyết áp, tiểu đường, các chứng bệnh về tim mạch.

Người phụ nữ ở độ tuổi từ 25-29 tuổi có sức khỏe sinh sản tốt nhất vì cơ thể lúc này đã phát triển một cách toàn diện, chất lượng trứng đang ở thời kỳ tốt hơn cả. 

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 1
25-29 là độ tuổi tốt nhất cho việc sinh nở (Ảnh minh họa).

Khám thai định kỳ

Khám thai định kỳ rất quan trọng đối với bà bầu bởi điều này không những giúp chị em nắm vững thông tin sức khỏe của chính mình và em bé trong bụng mà chị em còn được bổ sung những thông tin cần thiết cho mẹ bầu trong quá trình dưỡng thai.

Theo các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo: Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ nên siêu âm thai định kỳ ít nhất 5 lần trong thai kỳ (Cụ thể là khi thai khoảng 6-7 tuần nên kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa; tuần 12- tuần 13 tiến hành đo đo khoảng sáng sau gáy, tuần 22 làm khảo sát hình thái thai nhi, tuần 32 các mẹ nên đi khám để kiểm tra toàn bộ thai nhi và các thông số liên quan, siêu âm khi vào viện làm hồ sơ sinh.
 
Bên cạnh đó, chị em khi mang thai cũng cần phải thường xuyên chú ý đến việc: đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, đường huyết, công thức máu theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mỗi bà bầu cũng nên tự ý thức đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sức khỏe theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. 

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 2
Trong suốt thai kỳ, bà bầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa 
để thăm khám sức khỏe theo đúng lịch hẹn của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Chế độ nghỉ ngơi

Dù bạn có là một bà sếp lớn, "thét ra lửa" hay một cô công nhân cần mẫn… bạn đều phải dành thời gian để chăm sóc sức khỏe khi biết mình có thai. Bà bầu cần được ngủ đủ 8 giờ/ngày, tinh thần phải thật thoải mái, không lo lắng, suy nghĩ. Vì vậy, khi biết mình có thai, chị em nên cố gắng chuyển giao công việc và nhờ tới sự giúp đỡ của người thân. 

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 3
(Ảnh minh họa)

Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ

Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ mang thai không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. 

Một số bà bầu có tâm lý sợ con “đói”, thiếu chất nên ăn cật lực. Nhưng kết quả là mẹ bầu bị thừa chất dinh dưỡng, và điều này không có lợi cho cả mẹ lẫn bé. Ngược lại, nếu người mẹ không ăn uống đầy đủ trong thai kỳ thì có thể dẫn đến hiện tượng suy dinh dưỡng ở bào thai, thai nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này. 

Bà bầu cần được cung cấp các nhóm dinh dưỡng: cacbonhydrat (gạo, bột lúa mì, ngô, kê, khoai lang); protein (thịt động vật: lợn, cá, thịt bò, thịt gà,…); vitamin (rau và trái cây). Ngoài ra để tránh mắc chứng táo bón, thai phụ nên ăn nhiều rau có chứa nhiều chất xơ như khoai sọ, rau thơm, rau cần, măng; các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi, táo… 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo về độ tăng cân của bà bầu đó là trong suốt thai kỳ, cân nặng chỉ nên tăng khoảng 12 kg là "vừa đẹp". Nếu cân nặng tăng lên từ 20 kg trở lên, có khả năng thai to khiến bà bầu sinh khó.

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 4
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ mang thai tốt cho cả mẹ và bé (Ảnh minh họa)

Thai kỳ hoàn hảo nhờ tập thể dục

Việc vận động trong suốt thời gian mang bầu không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe mẹ bầu mà còn rất tốt cho chính em bé trong bụng. 

Việc tập luyện thể thao trong giai đoạn này sẽ giúp chị em dễ dàng vượt cạn, giảm nguy cơ mắc tiểu đường, giảm táo bón, khiến chị em đẹp hơn, tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ, sảng khoái, duy trì tình trạng sức khỏe tốt,…

Một điều cần chú ý là khi tập luyện thể thao, chị em nên chọn các động tác nhẹ nhàng, phù hợp, thời gian tập luyện ngắn, không nên kéo dài. Tốt nhất chị em nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa và các chuyên gia sức khỏe để có bài tập thích hợp.

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 5
(Ảnh minh họa)

Chuẩn bị trước khi sinh con

Chỉ còn 2 tuần nữa đến lúc vượt cạn, bạn cần đảm bảo đã sẵn sàng đồ cho mình mang vào viện, phòng và đồ đạc dành cho em bé. Nếu có dấu hiệu sắp sinh, chị em nên giữ tinh thần ổn định, bình tĩnh và cần tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ “mẹ tròn con vuông”.

Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 6
(Ảnh minh họa)



Những động tác đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả này sẽ giúp tinh thần 
bà bầu được phấn chấn, tươi trẻ, thoải mái, và tràn đầy năng lượng
Những lưu ý để mẹ bầu “khỏe re” trong thai kỳ 7
Chia sẻ