Nhà giàu cũng bất lực bởi con hư
Đích thân đưa quý tử ra sân bay "ép" phải đi du học, chị Lan bất lực nhìn theo cậu con chạy khỏi Tân Sơn Nhất để theo đám bạn và người yêu vui chơi.
Là một học sinh ngoan ngoãn, nhưng khi vào cấp 3 cậu con trai của chị Lan bắt đầu đổi tính, ăn chơi đua đòi cùng đám bạn. Bởi vì sợ con hư nên người mẹ tìm cách cho cậu đi du học nước ngoài để tách khỏi đám bạn xấu.
Thế nhưng trong một lần về nước nghỉ hè, quý tử của chị lại quen một cô bạn gái lớn tuổi hơn mình, được người yêu và bạn bè rủ đi ăn chơi đàn đúm suốt ngày. Chỉ trong hai tháng, anh chàng đã bán mất 2 chiếc xe máy và thiếu nợ thêm cả trăm triệu đồng vì những cuộc vui hoang đàng này. Chị Lan bấm bụng thanh toán hết nợ vì nghĩ cho phép con chơi sau những ngày học vất vả ở nước ngoài. Thế nhưng đến ngày phải lên máy bay quay trở lại trường học, cậu lại dùng đủ cách để thoái thác.
Có những vụ án bắt nguồn từ việc trẻ hư, ăn chơi đua đòi. Ảnh minh họa |
“Tôi đã phải áp dụng các giải pháp cứng như tịch thu xe, điện thoại di động và không cho tiền, thậm chí cho người áp tải con ra đến sân bay để làm thủ tục, thế mà bất ngờ nó vùng bỏ chạy ra ngoài và lên xe của bạn đợi sẵn đi mất. Tôi chỉ biết bất lực nhìn theo mà lòng đau xót vô cùng”, chị Lan tâm sự.
Liên - con gái lớn của chị Mai - chủ một cửa hàng tóc, thì lại bắt đầu tập tành đi bar, dùng thuốc lắc và có thói quen thay bồ như thay áo. Chị Mai kể lại, khi vợ chồng chia tay, cô con gái lớn ở với bố. Thương con xa mẹ, chị chu cấp tiền cho Liên bất cứ khi nào cần với quan niệm là "để bù đắp cho con".
Có tiền, thiếu mẹ, cô gái trẻ lao vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, lúc nào về nhà cũng trong tình trạng say xỉn, người sặc mùi khói thuốc. Người mẹ vẫn không biết cho đến khi nghe tin con bị bắt vì chơi ma túy đá trong khách sạn. Chị nghẹn ngào: "Tôi không ngờ con mình sa lầy đến như vậy".
Chị bảo rằng sẵn sàng làm mọi việc để đưa con gái trở lại với con đường sáng. "Nhưng mà xem ra đời cháu đã chớm những vết bẩn rất khó phai mờ", nước mắt lưng tròng trên gương mặt người mẹ.
Còn Hoàng vì là cháu đích tôn, lại là con trai một trong gia đình nên được ba mẹ rất cưng chiều. Anh Hùng, bố của Hoàng kể lại, ở nhà cậu trai chưa tốt nghiệp cấp 3 rất ngoan, chẳng bao giờ cãi lời ba mẹ, vì vậy nghe nói con mình hư anh chị rất bực mình. Anh bảo: "Tôi thực sự sốc khi bạn bè thằng con kéo đến nhà đòi nợ".
Thì ra, khi Hoàng xin phép ba mẹ qua nhà bạn để học bài chung thì cũng là lúc cậu cùng đám bạn nhậu nhẹt, đua xe thâu đêm. Sáng hôm sau thấy con mặt mày hốc hác vì thức đêm, ba mẹ lại tưởng con mình chăm chỉ mất cả đêm học bài. Để có tiền đi chơi và mua đồ đạc, cậu bắt đầu nói dối ba mẹ về tiền học, tiền đóng góp và đủ mọi thứ có thể nghĩ ra, thậm chí còn mượn tiền bạn bè.
"Vợ chồng tôi phải phân nhau giám sát thằng con, đích thân đưa đón đi học. Được ít lâu nó bỏ học, bỏ bố mẹ đi theo bạn bè", bố Hoàng lặng lẽ nói.
Những câu chuyện con ngoan thành hư ở các gia đình khá giả như thế này được các chuyên gia tâm lý cho rằng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân được cho là ngày nay trong áp lực cuộc sống hiện đại, nhiều bố mẹ chuyên tâm vào chuyện làm ăn không có thời gian dành cho dạy dỗ chăm sóc con cái. Mặt khác gia đình rủng rỉnh tiền bạc tạo cho trẻ thói quen được nuông chiều, tiêu dùng trên đồng tiền có sẵn do bố mẹ chu cấp; từ đó sinh hư.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, trẻ dễ bị hư hỏng vì các lý do sau đây nên các bậc làm cha mẹ phải cố gắng tránh để con mình có thể phát triển tốt:
Người lớn không tôn trọng nhân cách của trẻ. Trẻ mặc dù nhỏ, cũng có lòng tự tôn; người lớn nên tôn trọng chúng, căn cứ theo đặc điểm bản thân chúng để có cách giáo dục. Đừng nên lấy cách châm chọc, xoi mói, nhục mạ, chửi mắng để ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
Có việc là lải nhải. Nhiều bậc phụ huynh chọn cách lảm nhảm suốt ngày để giáo dục con cái, cho rằng trẻ thế này không được, thế kia không xong, cái gì cũng bắt chú ý. Thói quen này sẽ làm trẻ chán ngắt, gây ra tâm lý chán và muốn làm ngược lại.
Kỳ vọng quá cao ở trẻ: Gia đình nào cũng đặt hy vọng vào con cái mình, họ muốn con học cái này cái kia, ví dụ quy định mỗi ngày học bao nhiêu từ, luyện tập đàn… nếu không sẽ bị phạt. Điều này dễ gây ra tinh thần đối lập ở trẻ.
Ít giao lưu với trẻ: Hầu hết người lớn thiếu sự “giao lưu” với trẻ. Nếu cha mẹ không chia sẻ tâm sự, không tôn trọng trẻ thì đừng hy vọng chúng sẽ tôn trọng lại bạn.
Quá nhân nhượng với trẻ: Khi chúng mắc lỗi nếu cha mẹ không phạt, chúng sẽ không phân biệt được phải trái sẽ càng trở nên hỗn.
Trẻ không thỏa mãn đối với cha mẹ và gia đình: Đặc biệt là tình cảm cha mẹ không được tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, chúng thường xuyên lấy những hành động ngỗ ngược để đối phó cho sự không thỏa mãn ấy. Khi cha mẹ đã không còn là tấm gương, trẻ càng chán nản, sa sút tinh thần và dễ cáu gắt, căng thẳng. Hơn nữa nếu cha mẹ bận không có thời gian chơi cùng, trẻ sẽ thiếu thốn tình cảm, thời gian dài sẽ làm cho hai bên xa cách. Trẻ dùng chính sự im lặng và ngỗ ngược của mình để thỏa mãn sự không hài lòng ấy.