Nguy hiểm khi hút mũi bé bằng... miệng

,
Chia sẻ

Hút bằng miệng là vô tình đưa vi trùng từ miệng của mẹ vào mũi của bé. Tốt nhất là dùng cây tăm bông quấn sẵn, làm sạch và thông thoáng mũi bằng giấy mềm sạch là an toàn nhất

Bé Nguyễn Anh Tuấn, 2 tháng tuổi, bị nghẹt mũi đã 2 ngày. Cháu bứt rứt, khó chịu, không chịu bú, mẹ vỗ về cách nào cũng không nín.

Mẹ đưa bé vào bệnh viện. Bác sĩ hướng dẫn mẹ bé Tuấn cách làm thông mũi bằng giấy thấm và nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Mẹ Tuấn nói: “Tôi hay hút mũi bé bằng miệng cho... tiện, khỏi phải lau cho đỡ mất thời gian. Như thế có làm sao không, thưa bác sỹ?”.

Bác sĩ giải thích: “Hút bằng miệng là vô tình đưa vi trùng từ miệng của mẹ vào mũi của bé. Tốt nhất là dùng cây tăm bông quấn sẵn, làm sạch và thông thoáng mũi bằng giấy mềm sạch là an toàn nhất!”.
 
Nên hút mũi bé bằng các dụng cụ hợp vệ sinh (Ảnh minh họa)
 
Làm sạch mũi bằng cách mua một chai nước muối sinh lý 9 phần ngàn (0,9%o) mà ở tiệm thuốc tây nào cũng có bán, rồi nhỏ vào mũi của bé 2-3 giọt mỗi bên mũi. Sau khi nhỏ nước muối, dùng giấy thấm mềm (khăn giấy mềm) quấn lại như cái sâu kèn, rồi lần lượt đưa vào mũi của bé, làm từng mũi một, khi sâu kèn thấm ướt dịch mũi thì lấy ra và thay bằng con sâu kèn sạch khác, đến lúc khô và thông mũi thì sang mũi bên kia. Ngày làm khoảng vài ba lần hoặc khi thấy cháu tắc mũi, làm trước khi cho cháu bú. Trước khi làm sạch mũi cho bé, mẹ phải rửa tay sạch bằng xà bông để tránh nhiễm trùng cho con. Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ, vì  sẽ làm bé ngộ độc, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến dưới 7 tuổi. Triệu chứng ngộ độc thuốc gây co mạch là sau khi nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mũi bé sẽ vã mồ hôi, tay chân lạnh, lừ đừ, thở yếu, hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời.
 
Đối với trẻ lớn thì hướng dẫn trẻ hỉ mũi. Dùng một ngón tay bịt một mũi, hỉ mũi thật sạch, rồi đổi tay bịt mũi bên kia. Không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi hoặc kháng sinh khi chưa đi khám bác sĩ.   
 
Theo Gia đình
Chia sẻ