Làm hư trẻ vì trêu đùa quá trớn

,
Chia sẻ

"Chú mới là đồ to đầu còn bú mẹ", cu Tí hét lên và lập tức bị vị khách bắt bẻ: "A, thằng này láo thật, dám mắng cả người lớn".

Cu Tí 7 tuổi, sống ở một khu tập thể quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cạnh nhà có mấy cậu sinh viên trọ học, hay sang quán nước của mẹ Tí ngồi. Trong số đó, có một cậu tên Thành rất hay trêu cậu bé, chẳng hạn chê bai Tí những điều không có thật khiến bé rất "cú".

Có lần Tí bị ốm, y tá phải đến nhà tiêm kháng sinh. Thành biết vậy, trêu: "Hôm qua đứa nào bị tiêm mà khóc to thế nhỉ, làm chú không ngủ được". Quá quen với chú hàng xóm, cu Tí biết ngay là ám chỉ mình, nên cãi ngay: "Cháu không hề khóc chút nào nhé". "A, có tật giật mình kìa. Rõ ràng, chú nghe cháu khóc ầm ĩ, van xin đừng tiêm mà. Đàn ông con trai đã khóc nhè rồi lại còn chối". Tí tức quá, bởi cậu bé dù rất sợ tiêm nhưng đã cố hết sức để tỏ ra là trang nam nhi dũng cảm, thế nên lời buộc tội oan uổng của vị khách làm cậu uất ức khóc òa lên. "Đấy, thấy chưa, hơi tí là nhè mà", Thành nói trước khi ra về.

Ghét Thành, cu Tí cứ nhìn thấy cậu ta là trốn, nhưng nhiều khi trốn cũng không lại. Có hôm cậu bé đang chơi với các bạn dưới sân, Thành đi qua trêu: "Cu Tí, tối rồi, về rửa chân tay để còn bú mẹ chứ". "Cháu không bú mẹ từ lâu rồi, em bé mới bú", cu Tí cãi. "A, cu cậu lại chối, chắc vì to đầu còn bú mẹ nên xấu hổ với các bạn đây mà". Tức quá, Tí hét: "Chú mới là đồ to đầu còn bú mẹ, chú là đồ nói dối nữa".

Chàng sinh viên lập tức buộc tội đứa trẻ: "Thằng này hư thật, dám mắng cả người lớn", nhưng Tí không nao núng. Đứng giữa sân khu tập thể, cậu bé lè lưỡi, dí nắm đấm vào vị khách cà chớn, không may mẹ đi chợ về nhìn thấy. Thấy Thành kể tội con mình, chị Hiền bắt cu Tí xin lỗi rồi mang con về, khiến cậu bé ấm ức lại nước mắt ngắn nước mắt dài.

Ảnh: Corbis.

"Bảo con xin lỗi cậu ta là bất đắc dĩ thôi, chứ lúc đó mình thương con và bực cậu ta lắm", chị Hiền tâm sự, "cu Tí là đứa ngoan, nhưng cậu ta cứ trêu nó quá, ép nó quá khiến nó phải phản ứng, rồi quay lại bảo nó hỗn. Tôi đành phải bảo con tránh cái chú Thành hay đùa ác ấy ra".

Nhiều đứa trẻ khác cũng là nạn nhân của kiểu đùa "áp bức" của người lớn, trong đó có bé Linh, 4 tuổi, Hà Nội. Có lần vừa chạy ra sân chơi của khu tập thể, Linh đã bị bác hàng xóm trêu: "Hôm nay Bông (tên gọi ở nhà của Linh) mặc áo xấu thế? Áo của bạn Nhím đẹp thế này cơ mà". Linh xịu mặt xuống không nói gì. Bác hàng xóm lại càng trêu: "Bông về bảo mẹ thay áo khác đẹp hơn đi, ai lại mặc áo xấu thế này đi chơi". Bé trả đũa: "Đâu mà, áo bạn Nhím xấu thì có". "Đây này, bông hoa trên áo Bông màu nâu xấu lắm!". 

Mắt Linh rơm rớm như sắp khóc, nó quát lên: "Kệ cháu, ai khiến bác nhìn!" rồi chạy vội về nhà. Những người lớn xung quanh đều cười ồ, cảm thấy vui trước trò đùa, mà không để ý đến sự ấm ức của cô bé.

Chuyện của bé Minh, học lớp một, con chị Đan ở Đống Đa, Hà Nội, thì lại khác. Có một cô bé hàng xóm sinh cùng ngày, tháng, năm với Minh nên hai gia đình vẫn thường nói đùa sau này cho lấy nhau để kết thông gia. Khi hai trẻ còn bé thì không có vấn đề gì, nhưng dạo này Minh đã thay đổi. Mỗi lần bị gán ghép là cậu bé tức giận và có phản ứng khá gay gắt. Minh còn ghét luôn cả cô bạn, không muốn cho cô bé đến gần hay chơi gần mình.

Một lần, Minh cùng mẹ vừa ở trường về đến ngõ thì gặp cô bé kia và bố mẹ đi ra. Mẹ cô bé vồn vã trêu: "Chào con rể”. Thấy con im lặng, chị Đan nhắc: "Kìa Minh, không chào mẹ vợ đi". Minh quay ngoắt đi với vẻ rất khó chịu và buông một câu cụt lủn: "Không chào!".

Theo các chuyên gia tâm lý, cách trêu đùa như trên rất không tốt đối với tâm lý trẻ em. Trẻ từ ba tuổi đã bắt đầu ý thức được về giá trị bản thân. Khi bị người lớn trêu đùa kiểu cố tình hạ thấp (như trêu “mặc áo xấu”, "to đầu còn bú mẹ") hoặc gán ghép trái ý muốn, trẻ sẽ cố gắng “cãi” để bảo vệ mình, dù chỉ bằng những lý lẽ non nớt. Nhưng nếu người lớn vẫn cố tình trêu, cố tình áp đặt ý kiến của mình khiến trẻ không thể tìm được lý lẽ để đối đáp lại, các em sẽ dễ có phản ứng quyết liệt bằng thái độ hoặc những câu nói mà người lớn cho là hỗn xược, vô lễ. Khi đó, một số người thấy thích thú vì đã chọc tức được đứa trẻ, một số khác lại cho rằng trẻ con như thế là hư, là “mất dạy”. Họ không biết rằng một đứa trẻ ngoan cũng có thể phản ứng như thế khi bị ép, khi người lớn dựa vào địa vị bề trên của mình để đưa trẻ vào một cuộc chơi bất bình đẳng, chỉ có thua chứ không có được. Lối trêu đùa này thực chất là một kiểu bắt nạt trẻ con.

Nhà tâm lý Nguyễn Bá Đạt, cán bộ tham vấn tâm lý trẻ em và gia đình, Tổng đài 1088, khuyên: Đối với những người thích trêu trẻ, nên biết điểm dừng trước khi làm cho bé cáu gắt và tỏ ra vô lễ. "Đừng bao giờ nghĩ mình là người lớn, còn đứa trẻ chỉ là đồ con nít không biết gì nên trêu cho nó tức một chút cũng chẳng sao, rồi nó lại quên ngay ấy mà", ông Đạt nói.
 
Từ lứa tuổi mầm non, trẻ đã biết đến cái tôi và có ý thức phải bảo vệ cái tôi của nó. Bị trêu đùa quá trớn, trẻ sẽ thấy nó bị xem thường và sẽ tự ti. Việc lặp lại kiểu trêu đùa đó nhiều lần sẽ càng khuyến khích tái diễn thái độ vô lễ của trẻ, lâu dần sẽ làm cho đứa trẻ có tính cách cáu bẳn, hung hãn, xấc xược khi ai đó “động chạm” gì đến mình.
 
Do vậy, khi nói chuyện hay trêu đùa cùng trẻ, người lớn cần hết sức thận trọng, cần biết cách đùa sao cho mọi người đều vui. Không nên cố trêu cho trẻ bực tức vì chính trong sự tương tác với người lớn như thế, trẻ sẽ học được những cách ứng xử không đúng.

Đối với các bậc cha mẹ, khi con bị trêu chọc rồi tỏ ra vô lễ trước mặt người khác, bạn không nên ngay lập tức trừng phạt hay đánh, mắng trẻ. Nên nhẹ nhàng khuyên bảo con bằng những câu như: “Bác ấy chỉ trêu thôi mà, con như thế là không ngoan đâu” và nhắc con xin lỗi người kia. Tuyệt đối không nên đánh con vì như thế là “thêm dầu vào lửa” và bất công với trẻ, sẽ chỉ khiến bé càng thêm giận giữ...

Như vậy, chúng ta cần chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình sao cho trẻ có thể học được những điều hay, ý đẹp, giúp trẻ hình thành nhân cách hướng đến cái “chân, thiện, mĩ”.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ