Là con nhà nghèo

HN,
Chia sẻ

Nhưng tôi vẫn muốn về với bà nội, với bố mẹ tôi. Cứ được nghỉ làm là tôi lại chen chân trên những chuyến xe đông đúc để được về đón Tết cùng gia đình. Tôi thích nhất là nụ cười của cả nhà trong những ngày Tết, bởi khi đó mọi người thật thoải mái, cười mà không vướng bận chút ưu phiền.

Nhìn đứa trẻ con nhà bên cạnh xúng xính thử bộ quần áo mới, rồi rối rít chạy sang khoe: “Cô ơi, cô nhìn áo của cháu đẹp không này? Áo mẹ cháu mua cho cháu mặc Tết đấy cô ạ”. Nhìn con bé hồn nhiên, nhí nhảnh, tôi hỏi: “Cháu có thích Tết không?”, nó trả lời nhanh nhảu: “Cháu thích lắm, Tết được đi chơi, được lì xì, được ăn nhiều bánh kẹo nữa”. Nói rồi nó lại líu lo gọi mẹ ơi và chạy về.
 
Tôi chợt giật mình, đúng là sắp đến Tết rồi, và đúng là "Tết được đi chơi, được lì xì, được ăn nhiều bánh kẹo” nhưng tôi lại có cảm giác khác. Bao giờ cũng thế, cứ đến khi nhận ra là sắp Tết là lòng tôi lại nao nao. Trước đây, bằng tuổi con bé, chắc hẳn tôi cũng mong Tết lắm. Tôi không thể nhớ nổi chi tiết mỗi cái Tết khi tôi còn nhỏ, nhưng những kỉ niệm về ngày Tết thì tôi còn nhớ nhiều lắm.
 
Ảnh minh họa Internet.
 
Trước đây, khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ nhà tôi không khá giả lắm. Hồi đó tôi chưa biết Tết là thế nào, nhưng tôi nhớ mãi có một lần, lúc đang ngủ, tôi bị đánh thức bởi tiếng gà trống kêu và đập cánh rất to. Tôi lồm cồm dậy thì thấy bố mẹ đang trói một con gà trống khá to. Tôi mừng lắm vì nghĩ rằng mai sẽ được ăn thịt gà, mà ở những năm tháng đó, thịt gà là một món ăn quá xa xỉ với nhà tôi. Tôi ngồi xổm nhìn bố mẹ làm, hỏi ngây ngô: “Bố mẹ thịt gà à?”. Ngày đó tôi không biết bố mẹ cảm thấy thế nào, nhưng đến giờ tôi tin chắc bố mẹ tôi cũng xót lòng lắm khi phải trả lời: “Gà này là để bố mang biếu thủ trưởng con ạ”, bởi đó là con gà duy nhất của nhà tôi và lâu lắm rồi nhà tôi không ăn thịt gà. Bố mẹ tôi đi rồi, tôi ngồi nhà với bà nội mà lòng buồn rười rượi. Để rồi, khi đã lớn, cũng phải “đi sếp” ngày Tết, tôi lại thấy thương bố mẹ vô cùng khi mà có ít đồ ăn cũng không dám bớt lại cho con chỉ vì muốn “duy trì cái kế sinh nhai” để nuôi các con về sau này.
 
Ngày ấy, Tết trong tôi cũng đồng nghĩa với việc được mua quần áo mới. Tôi nhớ là tôi thích cái quần bò có hoa ấy lắm. Tôi đã nhìn thấy các bạn ở lớp mặc rồi, nhưng tôi chưa bao giờ dám mơ là mình sẽ có một cái, vì tôi ý thức được rằng nhà mình nghèo hơn nhà các bạn. Mỗi lần nhìn thấy các bạn mặc quần bò hoa, tôi cứ ngắm nhìn mãi không thôi. Thế rồi mẹ mua cho hai chị em tôi mỗi đứa một cái, nhưng mẹ bảo, để Tết mới được mặc. Tôi cứ mong mãi cho đến Tết để được mặc quần mới.
 
 
Lần đầu tiên mặc quần mới, tôi hỏi mẹ: “Hôm nay là Tết hả mẹ?”. Mẹ bảo: “Chưa Tết đâu, mẹ cho con mặc thử thôi. Hôm nay mặc xong lại cất đi cho mới để đến Tết mặc nhé”. Tôi vâng dạ rồi cố gắng rất giữ gìn, không có chẳng may bị bẩn là Tết không có quần đẹp để mặc. Em tôi cũng được “thử” như vậy. Chị em tôi được “thử” vài lần nhưng chưa lần nào mẹ nói “đến Tết rồi” thì quần bị ngắn. Tôi đành ngậm ngùi cho em quần của mình mà thầm nghĩ: Lâu đến Tết thế. Đến giờ, dù tôi đã biết tự mua sắm quần áo mình thích nhưng tôi cũng không thể xúng xính diện đồ mới và chạy sang hàng xóm khoe đó là quần áo Tết như em bé kia. Bởi tôi đã trưởng thành. Và tôi càng hiểu hơn nỗi lòng của bố mẹ khi mỗi lần cho con mặc quần áo mới đều phải dặn dò thật kĩ là giữ để đến Tết mặc, nếu không thì con sẽ làm bẩn hoặc rách thì sẽ không mặc được lâu và không… cho đứa em được.
 
Nhà tôi nghèo thật, nhưng đến Tết chị em tôi lại là những đứa trẻ nhận được khá nhiều tiền mừng tuổi so với vài đứa trẻ khác trong khu, bởi bố mẹ và bà nội tôi mừng tuổi cho chúng tôi, còn bố mẹ chúng thì không. Bọn trẻ trong khu cứ ngưỡng mộ nhà tôi mãi vì nghĩ rằng… nhà tôi thật tân tiến. Tôi cũng không hiểu sao bố mẹ tôi lại không tiếc tiền mừng tuổi các con hồi đó, và thế là chị em tôi cũng “bày đặt” mừng tuổi lại bà nội và bố mẹ, dĩ nhiên là mừng lại ít thôi, gọi là để có may mắn.
 
Một năm nào đó, sau khi mừng tuổi bà và bố mẹ rồi, hai chị em tôi ngồi đếm tiền, tôi phát hiện mình ít tiền hơn em thế là tôi nằng nặc đòi lại bà nội tôi số tiền mà tôi đã mừng tuổi bà. Tôi còn nhớ, bà nội tôi đã buồn cười lắm khi đưa tiền trả tôi, bà bảo tôi tham tiền thế này, ít nữa keo kiệt phải biết. Đến giờ bà tôi vẫn thỉnh thoảng nhắc lại. Giờ đây, nhà tôi vẫn giữ thói quen mừng tuổi đó, chỉ có điều, tôi đã đi làm, có tiền, nên tôi cũng mừng tuổi bà và bố mẹ nhiều hơn là bà và bố mẹ mừng cho chị em tôi vì tôi muốn nhiều may mắn sẽ đến với bà và bố mẹ, và tất nhiên, tôi cũng không đòi lại của ai để đem so sánh với em tôi.
 
 
Cuộc sống hối hả cuốn mọi người lao theo, trong đó có tôi. Có những khi không để ý thời gian và giật mình nhận ra lại sắp hết một năm, lại sắp đến những ngày Tết. Nhưng ngày Tết ngày nay có vẻ như không còn được người ta hồ hởi chờ đợi như xưa, có chẳng chỉ còn trẻ con là háo hức. Bây giờ, ngày Tết người ta không còn quan trọng cái khái niệm tề tựu đông đủ cùng gia đình mà dành để đi du lịch, vì làm việc cả năm rồi, nay vừa được nghỉ, vừa có tiền nên phải tranh thủ đi, trước khi lại bước vào một năm lao động vất vả tiếp theo.
 
Nhưng tôi vẫn muốn về với bà nội, với bố mẹ tôi. Cứ được nghỉ làm là tôi lại chen chân trên những chuyến xe đông đúc để được về đón Tết cùng gia đình. Tôi thích nhất là nụ cười của cả nhà trong những ngày Tết, bởi khi đó mọi người thật thoải mái, cười mà không vướng bận chút ưu phiền, vì chẳng ai muốn mang những lo lắng trong những ngày trọng đại và linh thiêng này, để tránh rủi ro cả năm.
 
Tết xưa và nay của tôi, khác nhau nhiều lắm, nhưng vẫn cứ thân thương và đầy ý nghĩa lắm.
Chia sẻ