Tại sao trẻ cần được chơi
Trong khi chơi, hệ thống thần kinh của trẻ được kích thích để nó cố gắng tập trung vào trò chơi. Các trò chơi sẽ khiến trẻ thích thú và bật cười thành tiếng. Đây là quá trình phản xạ rất có hiệu quả để kích thích sự phát triển của trẻ. Lớn hơn chút nữa, trẻ có thể tham gia vào những trò chơi đơn giản để giúp trẻ tăng cường khả năng vận động cũng như trở nên linh hoạt hơn. Khi bạn chơi cùng với trẻ sẽ tạo dựng mối quan hệ gắn bó với trẻ ở giai đoạn đầu đời và hiểu rõ khả năng của trẻ hơn. Từ đó bạn sẽ biết cách tác động phù hợp giúp bé phát triển toàn diện về mọi mặt. Biết đâu trong lúc chơi bạn lại phát hiện ra bé có năng khiếu âm nhạc hay có thể trở thành một nhà khoa học lỗi lạc thì sao?
Chọn đồ chơi phù hợp và an toàn cho trẻ
Đối với bé mới sinh, tốt nhất là chọn những đồ chơi mà bố mẹ và bé có thể cùng quan sát. Bạn có thể nói chuyện, chơi với các ngón chân, ngón tay và những bộ phận khác của cơ thể bé. Hoặc dùng những con thú nhồi bông mềm để bé sờ, nhai hoặc nghịch. Khi bé được vài tháng, bạn có thể đưa những đồ chơi mà bé có thể dùng để sáng tạo hơn là chỉ nhìn và nghe. Đối với bé mới tập đi, những đồ chơi có thể rung hoặc xếp thành tháp thì tốt hơn là đồ chơi phát ra tiếng nói khi lên dây cót.
Khi mua đồ chơi, ngoài yếu tố giúp ích phát triển trí não cho trẻ còn phải xem nó có an toàn cho con bạn hay không? Do đó phải chú ý một số điểm sau khi chọ mua đồ chơi :
- Chọn đồ chơi theo độ tuổi mà nhà sản xuất đề nghị. Một số đồ chơi có nhiều phần nhỏ ráp với nhau, trẻ không biết cho vào miệng nuốt hay cho vào mũi sẽ rất nguy hiểm.
- Với đồ chơi nhập khẩu, kiểm tra trên sản phẩm có dòng chữ CPSC (sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng).
- Chắc chắn là đồ chơi không dễ gãy và có cạnh sắc nhọn, không quá nhỏ để trẻ có thể nuốt vào miệng.
- Kiểm tra các phần của đồ chơi như mắt, cúc áo, bánh xe…không bị giật ra dễ dàng và được dán bằng keo chắc chắn.
- Không nên có dây cột dài quá 18cm
Những trò chơi đơn giản dành cho mẹ và bé
Bạn có thể chơi với trẻ bất kì khi nào có thể, kể cả khi đang nấu nướng hay đang tắm cho trẻ. Khi đang làm việc gì đó, bạn có thể vừa làm vừa hát lên cùng với con. Trẻ rất thích bắt chước, và sẽ rất hào hứng khi được mẹ vừa hát cho nghe vừa kết hợp lời của bài hát với những dáng điệu vui nhộn khác nhau. Dần dần trẻ sẽ bập bẹ hát theo và thế là hai mẹ con cùng hát. Bạn cũng có thể tạo cho trẻ cảm giác thoải mái bằng cách ngả người trên chiếc ghế bành êm dịu, ôm chặt trẻ trong tay và khẽ hát cho trẻ nghe những điệu nhạc vui nhộn.
Khi tắm cho trẻ, các bà mẹ có thể tham khảo một số trò chơi đơn giản sau, đặc biệt đối với những bé từ bảy tháng tuổi trở lên :
- Một chút sữa tắm dành riêng cho trẻ có thể tạo ra những bọt bong bóng xà bông óng ánh đủ màu sắc để làm cho trẻ cảm thấy hào hứng khi tắm. Bạn nhớ cho ít xà bông đề phòng trơn trượt trẻ có thể bị ngã.
- Cho một vài miếng bọt biển vào trong chậu nước tắm để trẻ có thể cảm nhận sự “nham nhám” này. Nếu trẻ dạn dĩ hơn, nó sẽ rất thích thú khi được múc nước vào rồi để nước ra bằng những chiếc cốc bằng nhựa mềm. Bạn cũng có thể cho vào chậu nước tắm của trẻ những con vịt hay thuyền bằng nhựa để trẻ chơi.
- Bạn có thể vừa tắm cho bé vừa vỗ xuống mặt nước, tạo ra những âm thanh vui tai cho bé, làm nước bắn tung tóe khiến bé cười thích chí. Khi tắm, nếu bạn nghịch ngón chân hay cù nhẹ bé, sẽ khiến bé cảm thấy rất thích, và khoái chí cười vang.
Vui chơi để cùng bé khám phá thế giới
Cẩn thận khi chơi với con
Một số bậc phụ huynh không lường trước được những động tác nguy hiểm khi chơi với con, gây nên những hậu quả không đáng có.Bạn nên hết sức tránh những trò chơi nguy hiểm khi vui đùa với con. Bạn có thể sáng tạo ra những trò chơi đơn giản, sinh động để cùng chơi với con. Điều này không chỉ giúp cha mẹ và con cái gần gũi với nhau hơn mà còn kích thích sự sáng tạo và tưởng tượng của bé. Dưới đây là một số trò chơi bạn nên tránh:
- Trò tung hứng đi máy bay : Có một số ông bố thích tung con lên cao rồi đỡ lấy, hoặc dỗ con khóc bằng cách dùng tay nâng cổ bé, tay kia nâng chân quay vòng như “đi máy bay”. Những trò chơi này rất nguy hiểm bởi nếu lỡ tay là bé yêu rơi xuống đất, hậu quả khôn lường. Mặt khác còn làm cho trẻ chóng mặt, dễ gây nứt vỡ mạch máu nhỏ trong đại não, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
- Trò đu đưa : Khi con quấy khóc, nhiều ông bố bà mẹ thích bế lên, đu đưa để bé nín khóc. Cách làm này rất có hại cho con bạn bởi hộp sọ của bé rất mềm, chưa phát triển thành thục, tổ chức não còn mềm yếu, rất dễ bị chấn thương. Các mạch máu của não lại rất nhỏ, dễ dàng bị nứt vỡ gây xuất huyết. Đu đưa quá mạnh khiến cho đại não của trẻ luôn bị va chạm với vách trong hộp sọ, làm tổn thương tổ chức não.
- Trò cù léc : Để con vui, nhiều người ra sức cù nách, cù gan bàn chân bé làm bé cười. Cách “cưỡng bức” trẻ cười này không khoa học và cũng không kém phần nguy hiểm chút nào. Cười to do bị cù cưỡng bức làm cho áp lực trong bụng bé tăng cao, không có lợi cho sức khỏe. Nếu trẻ vừa ăn cơm, làm thế có thể dẫn tới viêm ruột thừa, lồng ruột, thậm chí tắc ruột. Nếu bé còn đang ăn thức ăn, làm vậy sẽ khiến con bị sặc đường hô hấp, có thể tắc thở.
L.A