Hạ sốt hiệu quả cho bé theo cách dân gian

M. M ,
Chia sẻ

Có những trẻ không uống được thuốc hạ sốt, cứ uống vào là nôn ọe, có những bé lại nhất quyết không chịu uống thuốc. Không ít các bậc cha mẹ trẻ tự hỏi: Có cách nào hạ sốt cho bé đơn giản mà hiệu quả không?

Hai hôm nay bị số, Nuna không chơi đùa, hét hò ầm ĩ như mọi hôm. Nhìn con thiêm thiếp nằm trên giường mà mẹ Nuna thấy thương con vô cùng. Hôm qua đi làm về, bà giúp việc nói là Nuna sốt từ lúc còn ở lớp làm mẹ lo lắm. Hôm nay mẹ ở nhà chăm sóc Nuna. Đưa Nuna đi khám, bác sĩ nói Nuna sốt do mọc răng mà thôi, mẹ chỉ cần cho con uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ là được. Nhưng Nuna cứ uống thuốc này vào là lại ọe hết ra và khóc ầm lên với vẻ rất mệt mỏi. Chờ cho con nghỉ ngơi vài tiếng, mẹ Nuna lại pha đợt thuốc khác cho con nhưng uống rồi Nuna lại tiếp tục nôn ra làm cả mẹ cả con đều mệt.

Nhìn con khóc, mẹ Nuna cũng muốn rơm rớm nước mắt khóc theo vì thương con. Đắp khăn ấm lên trán cho con, chờ con thiêm thiếp ngủ rồi, mẹ Nuna mới gọi điện cầu cứu bạn bè, họ hàng, những người đã từng có con nhỏ để xem có cách nào hạ sốt cho con mà không cần dùng đến thuốc không, vì Nuna không uống được thuốc hạ sốt, uống vào là nôn ra.
 

Và cuối cùng, mẹ Nuna “thu thập” được một loạt các biện pháp dân gian giúp hạ sốt cho em bé khá hiệu quả mà lại dễ, không khiến bé phải khó chịu như khi uống thuốc hạ sốt.

- Dùng cây cỏ nhọ nồi: Cỏ nhọ nồi ngâm rửa sạch, sau đó ngâm lại bằng nước muối đun sôi để nguội rồi vớt ra cho vào cối sạch giã nát. Lọc lấy nước cho bé uống, mỗi lần uống khoảng 50ml. Đối với bé dưới 1 tuổi, mẹ có thể đun sôi lên để nguội rồi mới cho bé uống cho yên tâm hơn. Bã nhọ nồi có thể cho vào khăn xô để lau người cho bé, lau nhiều nhất ở vùng trán, nách, bẹn và gan bàn chân.

- Lau người cho bé: Đưa bé vào nơi kín gió, cởi bỏ bớt quần áo và dùng khăn ấm lau người cho bé, nhất là các bộ phận nách, hạch, bẹn... Không nên đặt bé nằm ở nơi quá nóng. Cho bé ăn đồ ăn lỏng hơn ngày thường để dễ tiêu và uống các loại nước như orezol, nước chanh, nước cam. Không chườm cho bé bằng nước lạnh, nước đá, cũng không được xoa dầu gió cho bé.
 
- Tắm cho bé: Trước đây, các cụ nhà ta thường kiêng kị việc tắm táp mỗi khi bị sốt, nhất là với trẻ con. Nhưng ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tắm chính là cách hạ nhiệt cơ thể rất nhanh nhưng phải tuân thủ các kĩ thuật. Việc hạ nhiệt cho bé khi sốt là cực kì quan trọng vì não trẻ còn yếu nên rất dễ bị tổn thương. Tắm là cách chủ yếu để hạ nhiệt cho não.
 
Đưa bé vào phòng kín, đóng hết các cửa để tránh gió và cởi bỏ hết quần áo của trẻ. Nước tắm phải đảm bảo thấp hơn 2 độ so với nhiệt độ cơ thể trẻ (không thấp hơn quá nhiều để tránh sốc nhiệt, bé bị lạnh). Để bé vào chậu nước và tắm bình thường, tắm cả đầu trong khoảng 5-10 phút mà vẫn phải giữ sao cho nhiệt độ của nước tắm chỉ kém 2 độ so với thân nhiệt bé. Sau khi tắm, lau thật khô người cho bé và cho bé mặc quần áo mỏng. Vài tiếng sau có thể cho bé tắm lần nữa để hạ nhiệt độ. Khi tắm cho bé, điều quan trọng nhất là phải tránh gió để bé không bị lạnh.
 
 
- Xông cho bé: Đổ nước nóng vào bồn tắm hay một chậu lớn rồi pha một thìa dầu khuynh diệp hoặc benjoin vào. Phòng tắm phải đóng kín để hơi bốc lên không bị thoát ra ngoài. Bế bé trên tay hoặc để ngồi dưới sàn có trải khăn. Khoác một khăn tắm quanh người bé, không cần mặc quần áo. Mồ hôi bé sẽ ra nhiều. Hơi nước nóng có dầu sẽ thấm qua da được bé thở hít vào phổi.
 
Ngoài ra, có một số lưu ý mà cha mẹ cần nhớ mỗi khi hạ sốt cho con:

- Trong quá trình hạ sốt, tuyệt đối không bật quạt, bật điều hoà. Làm như thế, da bé khô sẽ mất nước và khó hạ sốt. Hãy để cho bé tự ra mồi hôi.

- Mặc quần áo thoáng cho bé, lau sạch mồ hôi và thay quần áo cho bé. Dùng quạt nan quạt nhẹ bằng tay cho bé được thoáng nếu cần thiết.

- Cho bé ở trong nhà và ở nơi mát mẻ. Hoặc nếu đang ở ngoài trời thì phải chọn chỗ bóng râm.

- Cho bé uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch oresol để bù nước, tránh tình trạng mất nước quá nhiều.

- Cho bé ăn đồ ăn lỏng, uống nước mát như sữa chua, cháo, súp…

Trong trường hợp bé sốt quá 3 ngày mà không đỡ dù đã áp dụng mọi cách thì nên đưa bé đi khám sớm. Với bé dưới 3 tháng tuổi thì nên đưa bé đi khám ngay khi bị sốt. Nếu bé khó thở, nổi nốt trên da kèm sốt thì càng nên đưa đi khám vì có thể bé đang mắc bệnh truyền nhiễm nặng.
Chia sẻ