Giúp con vượt qua “khủng hoảng tuổi lên 3"

Ths. Nguyễn Lập Thu,
Chia sẻ

Ở tuổi lên 3, trẻ có biểu hiện mong muốn thể hiện tính độc lập của bản thân vì vậy bé thường ngoan cố, có những phản ứng đối với những quyết định của chính mình…

Tại sao con có biểu hiện khủng hoảng tuổi lên ba?

Với mong muốn thể hiện bản thân của trẻ, bố mẹ cảm thấy con mình trở nên ngang ngạnh, không vâng lời. Bé cũng có thể đột nhiên tự tiện hơn trong hành vi, bé muốn tự mình làm tất cả mọi điều mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ nữa. Đôi lúc trẻ khiến bố mẹ bị sốc thực sự khi nghe con mắng người lớn là “đồ ngốc”, hoặc bé trở nên nổi loạn trong những tình huống cụ thể khác.

Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, bởi nguyên nhân của khủng hoảng này là trẻ có nhu cầu độc lập do phát triển ý thức bản ngã, tự ý thức nhưng năng lực còn hạn chế, cơ thể còn non nớt và đặc biệt là người lớn thường cấm đoán nên nhu cầu độc lập của trẻ không được thỏa mãn. Bạn hãy lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp để chia sẻ những khó khăn về tâm lý của bé yêu trong giai đoạn này.

Cha mẹ làm gì để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên ba?

Chia sẻ cảm xúc với con trẻ

Với bé, giai đoạn này thực sự là giai đoạn khó khăn, bé cần nhận được sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ hơn bao giờ hết. Nếu một ngày bé không chịu để mẹ tắm cho bé, thì cách tốt nhất là mẹ hãy thông qua việc rủ trẻ tham gia một trò chơi nào đó để dần dần kéo bé trở lại định hướng ban đầu của mẹ, hãy cho trẻ lựa chọn hình thức tắm mà bé thích. Các mẹ con cũng có thể cho con mang theo một số đồ chơi nho nhỏ vào chơi khi tắm...



Hãy tôn trọng cái tôi của con bằng cách hỏi con và cho con được lựa chọn trong chừng mực có thể. Với các bé nhút nhát, đó có thể là cá tính của con. Khi con tự tin hơn với môi trường xung quan con sẽ biểu diễn những khả năng của mình. Nhưng nếu mọi người làm bé sợ, bé không thấy tin tưởng, an toàn bé sẽ không bao giờ thể hiện. Thế nên, lúc này, bố mẹ cần phải để tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bé bạn nhé. Bé lên 3, bé đi mẫu giáo, mẹ nên hướng dẫn bé ngay cách làm quen với bạn bè, cách chào hỏi thầy cô và cách nói chuyện với người lớn.

Cuối tuần, bố mẹ nên cho bé đi chơi công viên, vườn bách thú, để bé có dịp tự làm quen với các bạn. Khi bé lớn hơn một chút, mẹ có thể cho bé tham gia các lớp học năng khiếu. Khi làm việc nhà, bạn hãy cùng cho bé tham gia như vậy bé sẽ dạy cho bé tính tự giác và sự tự trong cuộc sống. Điều này sẽ giảm đi rất nhiều những khúc mắc tâm lý của bé ở tuổi lên ba.

Hãy định hướng hành vi cho bé

Ở tuổi lên ba, sự chú ý, để tâm hơn đến những sự vật, hiện tượng xung quanh ở trẻ thường chăm chú hơn với, tất cả cử chỉ, hành động của người lớn cũng rơi vào “tầm ngắm” của bé. Thông qua đó, bé sẽ học cả những hành vi tích cực lẫn tiêu cực từ người lớn.

Nhiều bố mẹ cảm thấy sốc khi con đột nhiên rất thích chửi bậy hay mắng nhiếc những người xung quanh. Lúc này, bố mẹ đừng nên nóng giận, đánh mắng con, mà hãy hướng dẫn cho bé cách sử dụng từ ngữ cũng như xử sự cho bé: “Lần sau, con không được nói với ông như vậy nữa nhé”, “Con nói như vậy là bố buồn lắm đó”, “Lần sau, Bi của mẹ sẽ không đánh bạn nữa đúng không nào?”.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc khi con nghịch ngợm, cha mẹ có thể dạy bé cách tự bảo vệ bản thân, tránh những tai nạn bằng cách căn dặn bé như: “Nếu con chơi xong, để đồ chơi bừa bãi, có thể con sẽ dẫm phải những đồ chơi và bị ngã” hoặc “Khi con nhìn thấy nồi canh bốc hơi nghi ngút, hay phích nước nóng, con không được chơi ở gần đó”. Hoặc khi chở bé đi trên đường, mẹ dặn bé cẩn thận: “Khi nào mẹ dừng hắn xe, con mới được xuống xe”.

Những bài học đầu tiên về cách tự bảo vệ bản thân này dần dần sẽ giúp bé xây dựng những phản xạ phát hiện và tránh xa những nguy hiểm xung quanh mình và vượt qua cơn khủng hoảng tuổi lên ba một cách an toàn nhất.

Chia sẻ