Đừng hạ thấp lòng tự trọng của con
"Sao mày ngu thế, đã bảo bao lần không được mang đồ ăn cho nó. Thế mà có cái gì lại đem khoe ngay. Thử xem, khi có bánh nó có mang sang cho mày không?".
Người mẹ đay nghiến khi đứa con bé bỏng của mình chia phần quà cho cậu bạn hàng xóm, khiến cậu bé mặt tiu nghỉu.
Bé Minh là một cậu bé 7 tuổi trắng trẻo, khôi ngô nhưng rất nhút nhát. Cả ngày đi học về cậu chỉ thập thò gần cửa, không dám ra chơi với các bạn cùng khu. Một phần cậu sợ mẹ mắng, nhưng một phần cậu sợ những đứa trẻ hàng xóm trêu đùa bằng cách nhắc lại những từ mẹ thường mắng cậu. Duy chỉ có bé Phương cạnh nhà hay đứng gần cửa nói chuyện cùng, nên cậu thường chia phần quà cho bạn.
|
Rất muốn vui chơi với các bạn nhưng có lần bé nói với bác hàng xóm: “mẹ con bảo con là đứa trẻ ngu ngốc, chơi với đứa khác suốt ngày sẽ bị bắt nạt thôi”. Nhìn vào ánh mắt cậu bé, biết cháu rất thích chơi với các bạn, nhưng trong thâm tâm cháu luôn nghĩ mình là đứa kém cỏi, không giống như các bạn, thậm chí cháu nghĩ mình tệ hại như lời mẹ vẫn hay nói với cháu. Có lần, cháu bị ngã cầu thang gãy tay. Sợ bị mẹ mắng, cháu không khóc mà chỉ xin: “Mẹ đừng mắng, con biết là con vô tích sự rồi”.
Lòng tự trọng hay sự tự tạo ra hình ảnh của một con người đều căn cứ vào nhận thức của người đó về chính bản thân họ. Cũng như người lớn, trẻ em thường dựa vào những ý kiến và hành vi ứng xử của những người khác đối với chúng để làm nền tảng xây dựng lòng tự trọng. Cháu bé trên hàng ngày bị mẹ mắng chửi là ngu, vô tích sự, làm gì cũng không được, vô hình trung cháu nghĩ mình đúng là như vậy.
Theo các nhà tâm lý, một đứa trẻ có thái độ và tình cảm tích cực đối với các hành vi của bố mẹ và những thành viên khác trong xã hội thì nó sẽ luôn nuôi dưỡng tình yêu thương và sự quan tâm đến người khác và luôn có lòng tự trọng cao. Nếu trẻ thường xuyên bị chỉ trích, phê bình, bị quở trách rằng chẳng bao giờ làm được việc gì đúng cả, hoặc bị xem thường thì sẽ luôn lo sợ, thậm chí dẫn tới lòng tự trọng rất thấp. Khi ra ngoài, đến trường, trẻ sẽ luôn mặc cảm.
Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần làm để tạo nên một đứa trẻ có lòng tự trọng là hãy để con mình được cảm thấy chúng là người được yêu quý và luôn được đánh giá tốt trong mắt cha mẹ. Cho dù chúng có khiếm khuyết hay chưa hoàn thiện, hãy để con bạn hiểu rằng chúng có thể làm được những điều tuyệt vời nhất vì chúng là đứa con đặc biệt mà cha mẹ chúng tin tưởng nhất.