Để trẻ có thái độ lễ phép

Ngô Quý,
Chia sẻ

-Điều này không dễ nhưng cũng không quá khó nếu như các bậc cha mẹ hiểu được tâm lý của con.

Thực tế, trẻ 5 tuổi chưa thể có được thái độ lễ phép đối với mọi người. Những hành động của trẻ dường như chỉ để chọc tức bạn và đó là điều hoàn toàn bình thường. Theo Jane Nelsen – chuyên gia giáo dục học, đồng thời là tác giả cuốn sách Positive Discipline A—Z (Tạm dịch: Phương pháp rèn luyện tinh thần lạc quan A – Z) thì việc “trẻ chọc tức bạn chính là trẻ đang thử nghiệm sức mạnh của mình. Một đứa trẻ không biết trêu chọc ai mới là đáng lo ngại”. 

Khi lên 5 tuổi, trẻ cần được dạy những thói quen tốt, lễ phép với mọi người. Vậy bạn phải làm gì?

1. Thể hiện sự tôn trọng với trẻ:

Nhà tâm lý học, đồng thời là tác giả cuốn sách Twenty Teachable Virtues (Tạm dịch: 20 thói quen tốt có thể dạy đuợc), Jerry Wyckoff cho rằng: “Nói chung chúng ta không dạy ngay cho trẻ thái độ tôn trọng mà chúng ta mong muốn từ trẻ. Chúng ta lúng túng, bởi trong nhiều trường hợp chúng ta thường đánh đồng thái độ tôn trọng với thái độ sợ hãi của trẻ.

Trẻ có thể nói: “Con sẽ nghe theo lời ba, bởi con biết ba sẽ đánh con nếu con…” Đó không phải là thái độ tôn trọng, lễ phép mà là sự sợ hãi! Hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe trẻ. Tất nhiên, bạn phải hết sức kiên nhẫn để nghe một đứa trẻ 5 tuổi nói. Bạn hãy ngồi xuống cùng với trẻ, nhìn vào mắt trẻ và nói cho trẻ biết những điều trẻ đang nói thật thú vị. Đó là cách tốt nhất dạy trẻ biết cách lắng nghe bạn.

2. Dạy trẻ cách trả lời lịch sự: Thông qua những thói quen cư xử tốt, trẻ có thể học được thái độ lễ phép với người khác. Ngay khi trẻ biết nói, trẻ đã có thể học nói “con xin” và “ con cảm ơn”. Hãy giải thích bạn sẽ sẵn sàng giúp trẻ làm điều gì đó nếu trẻ lịch sự nhờ bạn và bạn sẽ không làm giúp trẻ nếu trẻ đòi hỏi bạn. Nói “con xin/ cháu xin”, “con cảm ơn/ cháu cảm ơn” một cách thường xuyên với trẻ (và với những ngưòi khác) sẽ giúp trẻ học được cách nói lễ phép trong giao tiếp hàng ngày ở mọi nơi.

3. Tránh phản ứng quá gay gắt: Nếu trẻ có hỗn láo với bạn thì bạn cố gắng đừng nổi khùng với trẻ. Việc phản ứng lại với trẻ sẽ chẳng dễ chịu gì, chỉ làm bạn thêm tức giận. Thay cho sự tức giận, bạn hãy nhìn thẳng vào mặt trẻ và nhẹ nhàng nói: “Chúng ta không được nói thế/ làm thế”. Sau đó, bạn chỉ cho trẻ biết trẻ phải nói như thế nào. “Khi con muốn ba chơi cùng với con, thì con hãy nói với ba thế này: “Ba, con rất muốn ba chơi cùng và cùng con xây một toà lâu đài ngay bây giờ”.

4. Thay đổi việc không đồng tình ở trẻ: Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu trẻ luôn luôn làm theo những yêu cầu của cha mẹ, nhưng đó không phải là bản tính tự nhiên của con người. Hãy nhớ rằng, khi trẻ không vâng lời bạn, không có nghĩa là trẻ đang cố tỏ ra không tôn trọng bạn – mà đơn giản là trẻ có một ý kiến khác.

Hãy dạy trẻ biết trẻ sẽ được yêu quý hơn, ngoan hơn nếu trẻ không nói những câu vô lễ (như: “Con ghét ba, vì không bao giờ ba cho con đi xe đạp). Bạn có thể đáp ứng yêu cầu của trẻ bằng một thái độ tích cực: "Con yêu, chúng ta có thể đi xe đạp sau khi ở cửa hàng bách hoá về!.
 
5. Đặt ra những giới hạn: Một trong những cách tốt nhất thể hiện sự tôn trọng với trẻ bạn cần có cả sự ân cần và kiên quyết trong những nguyên tắc mà bạn đưa ra. Neslsen cho rằng: “Ân cần thể hiện sự tôn trọng với trẻ và kiên quyết thể hiện sự tôn trọng với những điều cần phải làm”.

Nếu trẻ hờn dỗi trong phòng làm việc khiến bạn không thể tập trung vào công việc, thì bạn nên làm gì? Hãy nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết bế trẻ ra khỏi phòng, yêu cầu trẻ ngồi xem một quyển truyện tranh hoặc một thứ đồ chơi gì đó cho tới khi bạn làm xong việc. Nếu trẻ muốn quay lại phòng làm việc để chơi, thì bạn có thể cho trẻ trở lại và nhẹ nhàng nói rằng: “Chúng ta có thể quay lại phòng nếu con muốn, con yêu”. Vài lần như thế trẻ sẽ biết, hờn dỗi chẳng thể thay đổi được thực tế.

6. Không nên nói ngay với trẻ, khi trẻ mắc lỗi: Trong nhiều trường hợp, cách tốt nhất để nói cho trẻ biết thái độ vô lễ là hãy trao đổi với trẻ sau khi trẻ mắc lỗi, lúc đó cả hai đều đã bình tĩnh. Bạn hãy thể hiện sự thông cảm với trẻ và nói cho trẻ biết quan điểm của mình: “Con yêu, mẹ biết con rất buồn. Con nghĩ xem điều gì gây ra như thế? Con sẽ phải làm gì? Sẽ tốt hơn nhiều nếu con cho mẹ biết con thấy thế nào”.
Khi trẻ thấy bạn thực sự muốn tìm hiểu những suy nghĩ của chúng, thì chúng sẽ rất ngạc nhiên. Và cuối cùng, trẻ thường hướng tới những điều giống như bạn nói với trẻ.

7. Khen ngợi trẻ: Kịp thời khuyến khích khi trẻ có những hành động lễ phép. Tuy nhiên cần phải có cách nói rõ ràng, chúng ta nên nhắc lại cụ thể hành động của trẻ. Chúng ta thường nói “con đúng là một cậu bé/cô bé rất ngoan” “con ngoan quá”. Thay vì nói chung chung như vậy, bạn hãy nói cụ thể “mẹ rất vui vì con đã ăn thức ăn này” hoặc “cảm ơn con vì con đã giúp mẹ”. Hãy nói rõ ràng, cụ thể về hành động của trẻ. Trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, những cố gắng của mình rất quan trọng và được đánh giá cao.

 
Ngô Quý
Theo Parentcenter
Chia sẻ