Chuyện làm bố của nhạc sĩ Quốc Trung
Chỉ một cái note vui vui, được cho là nhắm đến một “cậu con rể tương lai” nào đó mà nhạc sĩ Quốc Trung đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng. Có trang mạng thậm chí còn nhanh nhẩu phong Quốc Trung là… “Ông bố của năm”.
Là ông bố của… “Transformers 4”?
“Chào cậu
Tôi với cậu chả QUEN nhưng lại BIẾT nhau rất rõ...”
Với một loạt câu từ đối nhau chan chát, “cựu chồng” của diva Thanh Lam thêm lần nữa đã chứng minh sở trường mát mẻ và thâm thúy của mình bằng một bức thư gửi đến “người lạ quen biết”. Lạnh thì rõ lạnh: “Cậu thì SỢ tôi, mà tôi thì NGẠI gặp cậu… Cậu có MÃ mà tôi có MƯU nên tốt nhất là đừng đối đầu… HÃY chào tôi và vào nhà uống nước dù tôi không mời cậu. ĐỪNG giữ nó khi biết nó có hẹn tôi vì tôi biết nó đi với cậu. HÃY trả lời hoặc nhắn tin lại cho tôi khi tôi gọi vào máy cậu, tất nhiên là không phải để tâm sự… Rồi ngày nào đó (hy vọng là không quá xa) cậu lại chẳng ghét cay ghét đắng nó vì tôi và tôi thì quên ngay cậu vì một cậu khác”. Nhưng ấm cũng rõ ấm (dù được bộc lộ kín đáo hơn và cũng không kém phần hóm hỉnh): “Chúng ta chả có mối liên hệ nào với nhau ngoài việc cùng yêu một con dở hơi… Dù cậu có ghét tôi thì cách lấy lòng tôi tốt nhất là khuyên và giúp nó làm tôi vui... Cứ thế nhé, vì tôi cũng đã từng như cậu. Chào cậu…”.
Quen thật là quen, vì vẫn là cái giọng “thâm và mát” của cựu giám khảo VN Idol ngày nào, cũng như những lần vị nhạc sĩ uy tín này đăng đàn trả lời phỏng vấn. Nhưng quen, cũng còn vì, cái giọng này, hẳn là chúng ta đã gặp ở đâu đó trong không ít bộ phim Mỹ - vốn không thiếu những màn “đối đầu” thú vị giữa các ông bố cưng con và những anh chàng cùng yêu cái “con dở hơi” ấy.
Mà mới đây nhất, không gì khác chính là bộ phim bom tấn của mùa phim hè 2014 “Transformers 4”. Bom tấn, và vẫn tiếp tục oanh tạc phòng vé như thường, nhưng lại dở tệ, nếu như không có những màn đối đáp khá là thú vị giữa gã “gà trống nuôi con” Cade Yeager (do Mark Wahlberg thủ vai - vốn cũng được coi là một ông bố mẫu mực của Hollywood) và anh chàng có tài đua xe Shane Dyson (Jack Reynor) khi cả hai cùng mê con bé “dở hơi” Tessa Yeager (Nicola Peltz) - cô con gái tuổi teen xinh đẹp của Cade Yeager.
Giữa một đống “sắt thép đè người” và những trận hỗn chiến kinh hoàng giữa người và rôbốt, sự hiện diện của một cặp chân dài miên man cùng những câu thoại “thâm và mát” tựa cái note nói trên của Quốc Trung quả là một “ốc đảo” giữa sa mạc giúp người xem chịu đựng một bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ và dở tệ. Thế nên, với những ai đã “lỡ dại” xem “Transformers 4”, thì cái note trên của Quốc Trung quả là quen tai, như chính vị nhạc sĩ này sau đó cũng lên tiếng phân bua:
“Chỉ là một cái note vui, tổng hợp chứ không nhằm vào "cậu" nào cả…”. Và hẳn là, Quốc Trung đã kịp xem “Transformers 4”, hay ít ra, vốn chẳng xa lạ gì phim Mỹ, đủ để học được cách làm một ông bố hay ho đến thế, đủ để anh con trai kia tự hiểu: Cái sự “hổ phụ sinh ra hổ tử” là đáng kể thế nào!
Và chuyện “phải bơi giỏi hơn con trước khi đưa con ra biển”
Để ý sẽ thấy, mặc dù là con của một cặp đôi nổi tiếng, trong đó cậu con trai cả Đăng Quang còn không ít lần giành được những giải thưởng piano trong khu vực, nhưng cả hai đứa con của cặp đôi vàng một thời Thanh Lam – Quốc Trung lại gần như chưa bao giờ lên báo (trừ những bức hình chụp kèm sự kiện hoặc bị lấy từ facebook). Bản thân người viết bài này cũng đã từng năm lần bảy lượt đề nghị phỏng vấn Đăng Quang ở thời điểm cậu vừa giành giải thưởng nhưng bố cậu, nhạc sĩ Quốc Trung - người vốn khá cởi mở với báo giới, đã gần như từ chối với một loạt barie: Phải hỏi ý kiến mẹ cháu nữa (diva Thanh Lam), phải gửi câu hỏi qua cho anh xem trước, Đăng Quang rất bận… Quốc Trung cho biết, hơn ai hết, anh hiểu rõ mặt trái của truyền thông và sức ép mà những đứa con của những người nổi tiếng phải chịu đựng nên âu đó cũng là cách anh gián tiếp bảo vệ con mình.
Gã “gà trống nuôi con” này cũng đã từng phàn nàn chuyện: “Trẻ con nhà này trước chủ yếu sống với ông bà, việc nhà toàn có người giúp việc nên giờ phải rèn làm mấy việc lặt vặt”, vì theo anh: “Muốn tài giỏi gì thì tài giỏi, mấy cái việc lặt vặt mà còn không biết làm thì cũng không thành người nổi đâu! Dốt cái gì khổ cái nấy!”… Ở mỗi thời điểm con cái cần phải lựa chọn và quyết định, Trung cho biết anh thường trao đổi với con rất sòng phẳng. Chẳng hạn, trong chuyện chọn nghề, hướng nghiệp, để giúp con tránh được vỡ mộng, ảo tưởng - thường rất dễ có ở “con nhà nòi”.
“Lúc Đăng Quang chọn nhạc cổ điển, tôi cũng có lưu ý cháu là đã theo cái này thì trừ khi phải là rất giỏi, cỡ như Đặng Thái Sơn hay Bùi Công Duy kia… Bằng không thì cũng còn một lựa chọn nữa là nhạc nhẹ, thì sẽ phóng khoáng hơn và bay nhảy hơn, cơ hội làm nghề cũng rộng rãi hơn, nếu là ở ta… Với Thiện Thanh, tôi cũng nói rõ với cháu là chất giọng của cháu không có gì đặc biệt, thậm chí còn mảnh và yếu nữa, chưa kể là chưa chắc đã có được tư chất nghệ sĩ như mẹ cháu…”. Tuy nhiên, Quốc Trung cho hay, dù gì, người quyết định cuối cùng cũng vẫn là các cháu, vì “quan trọng là cháu thấy thích. Làm nghề này, trước hết là phải thấy thích…”.
Có chuyện: Một ông bố dắt con ra biển, xúi con bơi và hứa: “Có gì sẽ ứng cứu!”. Nhưng kết quả là đứa con hút chết vì sặc nước mà ông bố không hề xuất hiện. Bài học ông bố muốn dạy con: Ở đời không nên tin ai, kể cả người đẻ ra mình, và vì thế, tốt nhất là nên học cách tự cứu mình… Hỏi Quốc Trung, anh bảo: “Tôi sẽ không bao giờ đưa con ra biển nếu như chúng nó chưa biết bơi. Con chắc chắn phải biết bơi trước khi ra biển và bố còn phải bơi giỏi hơn con. Dù cái sự “biết bơi” của con lúc ban đầu có thể vẫn khiến chúng nó bị sặc nước như thường. Vì ai lần đầu ra biển - kể cả là biết bơi hay không biết bơi - mà không bị ngợp chứ? Nhưng quan trọng là mình phải biết bãi biển ấy nó nông sâu thế nào, cát ở đấy có hay sụt lún hay không…”.
Thành thử ra, cái note vừa qua, kể mà có nhắm đến một “cậu” nào đó, thì âu cũng là để dò chừng xem “bãi biển ấy nó nông sâu thế nào, cát ở đấy có hay sụt lún hay không” vậy. Dù lòng tin, ở vị nhạc sĩ có tiếng khó tính này, nói vậy thôi, không hẳn quá khó khăn. Như anh quan niệm: “Đã sống thì phải có lòng tin! Dù rằng lòng tin ấy có thể có lúc đặt nhầm chỗ, có thể để lại sẹo, nhưng cũng còn hơn là suốt một đời phải sống trong sự lo âu nghi kỵ…”.