Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Nhầm lẫn và bất ổn
Cách chỉ đạo “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” của Bộ GD-ĐT đã mâu thuẫn với mục đích của “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”. Đó là điều rất bất ổn trong năng lực quản lý và điều hành GD.
Những ngày qua, dư luận như phát “sốt” trước những thông tin về tiêu chí đánh giá trẻ 5 tuổi, khiến “nồng độ” quan tâm đến giáo dục trong xã hội vốn đã đậm đặc, nay càng “đậm đặc” hơn. Không ít những bối rối, lo lắng, bất bình. Thực hư ra sao xung quanh vấn đề này. Và bản chất của chuẩn phát triển nhằm mục đích gì?
Nhầm lẫn tai hại: Coi là chuẩn đánh giá!
Hầu hết những ý kiến phản biện, từ các bậc cha mẹ, đến giáo viên, hiệu trưởng trường mầm non đều lo ngại về các tiêu chí đánh giá trẻ (mang tính định lượng, hoặc định tính) ở các góc độ: Thể chất; Tình cảm và quan hệ xã hội; Ngôn ngữ và giao tiếp; Nhận thức và khám phá. Đây cũng chính là bốn lĩnh vực chính của sự phát triển, làm nên dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đã có một sự nhầm lẫn cơ bản và tai hại trong nhận thức và sự phản biện của các giáo viên, hiệu trưởng mầm non, các bậc cha mẹ…về dự thảo này. Chuẩn phát triển, như tên gọi của nó, về bản chất, không phải là chuẩn đánh giá, như cách phản biện của xã hội, cho dù, có sự liên quan chặt chẽ đến nhau.
Về khái niệm học thuật: “Phát triển là vận động, tiến triển theo chiều hướng tăng lên”. Từ đó, có thể thấy:“Chuẩn phát triển là sự trình bày về những điều mong đợi trẻ cần phải biết và có thể làm được”. Trong khi đó“Đánh giá là xem xét, nhận xét, bình phẩm về giá trị”, từ đó có thể thấy: “Chuẩn đánh giá là sự định ra những tiêu chí nhằm đánh giá con người đạt hay không đạt theo yêu cầu đã đề ra”.
Chuẩn phát triển mang ý nghĩa mong muốn, để từ đó đặt ra cho người giáo dục (giáo viên, các bậc cha mẹ) có sự can thiệp, chăm sóc về dinh dưỡng, nhận thức, ngôn ngữ, khí chất…của trẻ. Chuẩn phát triển có thể giúp xây dựng, làm căn cứ xây dựng nội dung đánh giá nhưng không thể thay thế cho hệ thống đánh giá, như một công cụ đánh giá có giá trị, có thể tin cậy về mặt kỹ thuật.
Với những mục đích này, “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” không dùng để xếp loại trẻ, hoặc là một công cụ đánh giá. Trẻ 5 tuổi chỉ là thành viên, tham gia vào “đo đếm” thông qua các chỉ số của bốn lĩnh vực nói trên. Kết quả đo đếm (đánh giá) chỉ là điều kiện để người giáo dục (giáo viên, cha mẹ) có sự can thiệp về dinh dưỡng, chăm sóc trẻ. Đánh giá trẻ không phải là mục đích của chuẩn phát triển và của bậc học mầm non. Khái niệm đánh giá trẻ chỉ bắt đầu từ bậc tiểu học, nhưng cũng phải rất nhẹ nhàng, với các tiêu chí phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi này.
Việc xây dựng chuẩn phát triển trong GD thực chất không phải vấn đề gì mới. Ngay ở một nước đang phát triển như Philipin, từ năm 1995, người ta đã xây dựng chuẩn phát triển cho trẻ mầm non. Còn ở nước phát triển như Mỹ, mỗi bang của Mỹ lại có chuẩn phát triển khác nhau.
Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của GD nước ta mới bắt đầu được xây dựng từ năm 2005, với sự giúp đỡ của các chuyên gia từ Mỹ, Hồng Kông, Singapore, đặc biệt là sự giúp đỡ của tổ chức UNICEF.
Xem xét toàn diện, “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”, dưới con mắt của các chuyên gia GD, dự thảo này có những sự hợp lý và bất hợp lý cần điều chỉnh, cấu trúc lại cho phù hợp. Theo Phó GS, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), bộ khung của chuẩn với các tiêu chí cơ bản đã bao quát khá đầy đủ sự phát triển của trẻ, cách xác định chuẩn là hợp lý. Chuẩn phát triển tham khảo được khá nhiều bộ chuẩn của các nước.
Nhưng những bất hợp lý của bộ chuẩn cũng nhiều. Đó là quá nhiều chỉ số (125 chỉ số), cần rút gọn lại, vì các chỉ số càng chi tiết càng cứng nhắc, sẽ khó đánh giá, lại gây hoang mang cho các bậc cha mẹ.
Các tiêu chí tuy bao quát khá đầy đủ nhưng lại mất cân đối. Có tiêu chí chỉ hai chỉ số, có tiêu chí lại tới 7 chỉ số (gấp 3,5 lần) dẫn đến khi quy đổi điểm để lượng hóa, kết quả đánh giá có thể cao, nhưng thực chất, chất lượng của lĩnh vực đo đếm thấp, giáo viên rất khó nhận biết chính xác điểm yếu của trẻ để can thiệp, chăm sóc.
Một số chỉ số quá dễ, không nên đưa vào (ví như chửi bậy), bên cạnh các chỉ số lĩnh vực thể chất lại quá cứng, không hợp lý, nên có sự trao đổi rộng rãi với các chuyên gia để viết lại. Ngược lại, có những chỉ số về thể chất rất cần thiết (chiều cao, cân nặng…) lại không được đưa vào, cũng cần được điều chỉnh, bổ sung. Còn Thạc sĩ Hồ Đắc Hải Miên (Viện nghiên cứu GD) lại lưu ý các tác giả dự án một số điểm không hợp lý. Đó là chồng chéo tiêu chuẩn; chỉ số không rõ ràng; độ khó giữa các chỉ số không hợp lý hoặc thừa chỉ số…
Giáo dục- liệu có luôn chứa đầy sự bất ổn?
Đã qua rồi cái thời một ông thầy đồ với vài ba đứa trẻ cũng làm nên giáo dục. Với xu thế hội nhập để phát triển, xã hội cần có sự thích nghi, làm quen với những yêu cầu và bản chất giáo dục hiện đại , những luật định, quy định chuẩn mực (Trường chuẩn quốc gia, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn kiến thức…), thì chủ trương xây dựng và áp dụng “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” là đúng và cần thiết.
Bình tĩnh suy xét có thể thấy, cái dở của ngành GD và ĐT là khi đưa một chủ trương mới vào đời sống, đã không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm thế cho xã hội nhận thức, tiếp nhận và chia xẻ.
Nhưng có một sai lầm “chết người” thuộc về cách quản lý, điều hành của ngành GD, dẫn đến sự hiểu lệch mục đích của chuẩn phát triển, gây “sốc” cho xã hội. Đó là trong văn bản Dự thảo Thông tư của Bộ GD và ĐT về ban hành bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi lại có yêu cầu giáo viên các trường phải đánh giá trẻ. Chính cách chỉ đạo “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này đã mâu thuẫn với mục đích của “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”. Đó là điều rất bất ổn trong năng lực quản lý và điều hành GD của ngành.
Bất ổn nữa, những bất hợp lý của chuẩn phát triển có căn nguyên là bản thân chuẩn này không dựa trên cơ sở khoa học là những nghiên cứu thực tiễn về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em VN. Đây là một trong ba căn cứ khi xây dựng chuẩn phát triển, nhưng lại là căn cứ quan trọng nhất bao gồm: 1) Đặc điểm tâm sinh lý trẻ em VN; 2) Những giá trị cần hình thành ở lứa tuổi này; 3) Kinh nghiệm của các nước đã xây dựng chuẩn phát triển.
Hàng chục năm nay, nghiên cứu cơ bản về đề tài này gần như vắng bóng trong nghiên cứu khoa học GD nước ta. Thực tế, “Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” nhiều phần phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học của nước ngoài. Đây là sự bất cập, sự hạn chế lớn nhất của các đề tài nghiên cứu về trẻ em nói riêng, GD nói chung.
Thế cho nên ý kiến của một số nhà khoa học trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhận xét chuẩn phát triển thiếu tính khoa học là xác đáng. Đó liệu có phải là sự bất ổn trong nghiên cứu và phát triển GD Việt Nam nói chung hay không? Sự bất ổn xuất phát từ một nền GD thiếu lý luận, coi thường lý luận, coi thường nghiên cứu khoa học GD, nên phát triển chắp vá, vay mượn.
Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi chỉ là chủ trương của một ngành học (mầm non), nhưng đến ngay cả Chiến lược phát triển GD 2009- 2020, một chủ trương lớn mang tầm chiến lược toàn ngành cũng vậy, cũng hoàn toàn thiếu những nghiên cứu, điều tra xã hội học là căn cứ xây dựng mục tiêu giáo dục và chiến lược phát triển, dẫn đến những tranh cãi quyết liệt, khó thuyết phục dư luận. Trong xã hội, tiếp tục tồn tại một tâm lý bất ổn, thất vọng và đầy hoài nghi về chiến lược lẫn tương lai GD nước nhà.