Chơi Trung Thu theo kiểu "ngày xưa"

Bài và ảnh: Tùng Lâm,
Chia sẻ

Các bạn nhỏ vô cùng thích thú khi tự tay làm nên những đồ chơi Trung thu cho riêng mình.

Trên khắp mọi nẻo đường Thủ đô, không khí mùa thu ngập tràn từng con ngõ nhỏ, mang theo những sắc màu vui nhộn đầy náo nức của dịp lễ Trung Thu đang khấp khởi tìm về.

Còn nhớ những ngày này năm cũ, khi lũ trẻ háo hức mong chờ, khao khát những món đồ chơi giản dị và thậm chí rẻ tiền, cái tết Trung thu có khi còn là một lễ hội lớn hơn mọi dịp lễ nào khác trong năm.

Đám trẻ con từ đầu mùa đã rủ nhau phơi khô những hạt bưởi, tìm lại sách vở cũ để tích trữ giấy, làm đèn ông sao, đi nhặt vỏ lon, hộp bột giặt để “chế” đèn lồng.

Không chỉ có bọn trẻ mới rục rịch chuẩn bị, mà người lớn cũng không kém phần náo nức khi cặm cụi làm cho con cháu những chiếc đèn kéo quân, rồi cầm chiếc đèn lên ngắm nghía mà kéo theo sau lưng là cả lũ nhóc con đang thèm thuồng, háo hức.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Đồ chơi nhập ngoại sặc sỡ được bày bán khắp nơi.

Ngày nay, khi phố phường cứ đến mùa Trung thu là đồ chơi muôn hình vạn trạng bày tràn ra cả lề đường, ngõ phố, các bậc phụ huynh bận rộn chỉ cần rút ví ra mua là đã có thể "hoàn thành nhiệm vụ" với con.

Tuy nhiên, niềm vui thích của con trẻ dành cho ngày Trung thu cũng vì thế mà dần trở nên nhạt nhòa. Những chiếc đèn lồng sặc sỡ, những chiếc mặt nạ cầu kỳ, những khẩu súng, thanh gươm có gắn pin, lắp nhạc,… chơi được mấy ngày là lại quăng quật hay nằm yên vị trong sọt rác

Mùa Trung thu đi qua không lưu lại nhiều dấu ấn trong tâm trí trẻ thơ.

Nhìn những quán hàng bày bán muôn loại đồ chơi nhập ngoại rực rỡ, nhiều màu sắc mà đa số trong đó đến từ Trung Quốc, nhiều người không khỏi cảm thấy chạnh lòng.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Đến cả người bán hàng dù vẫn phải mưu sinh bằng những món đồ chơi ngoại nhập này nhưng cũng thấy xót xa cho một hình ảnh trung thu truyền thống đã dần mai một.

Để giúp các bạn nhỏ tìm lại những xúc cảm vô giá về một dịp Trung thu đậm nét truyền thống, cũng như để truyền cho lớp trẻ nhận thức về cuộc sống, về thái độ trân trọng những gì do chính bàn tay mình làm nên, nhiều phụ huynh và nhà trường đã tổ chức các buổi hướng dẫn làm đồ chơi trung thu cho bé.

Để học cách tự làm đồ chơi cho mình, các bé được chia thành từng nhóm để làm đèn ông sao, làm đèn lồng, làm pháo hạt bưởi và mặt nạ.

Cùng xem các bạn nhỏ của chúng ta bắt tay vào thực hiện như thế nào nhé!

Chơi Trung Thu theo kiểu
Các bé chăm chú nghe cô giáo hướng dẫn cách làm đèn ông sao từ các vật liệu đã được các cô chuẩn bị sẵn.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Để dán giấy màu vào khung đèn ngôi sao, bé phải thật cẩn thận để không dán lệch và cho ra một sản phẩm thật đẹp mắt.

Chơi Trung Thu theo kiểu
“Cô xem con dán thế này đã đúng chưa ạ?”

Chia sẻ về việc hướng dẫn các cháu cách tự làm những món đồ chơi truyền thống, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Mặc dù ở lứa tuổi này, các con thường rất nghịch ngợm và hiếu động, nhưng các cô không hề gặp khó khăn gì trong việc truyền đạt cho các con bởi vì các con rất háo hức và tập trung cao độ khi được tự làm đồ chơi cho mình.”

Chơi Trung Thu theo kiểu
Còn ở khu vực này, các bé đang tập làm đèn lồng từ những quả bóng nhựa cũ.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Bé Nhật Nam rất khoái chí vì đã gần hoàn thiện chiếc đèn lồng của mình.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Còn ở đây, các bạn nhỏ đang tỉ mỉ bóc hạt bưởi để làm "pháo".

Không chỉ đơn giản là truyền thụ cách làm một món đồ chơi, các cô còn kể cho các bé về truyền thống lâu đời của dân tộc. Bên cạnh việc tìm hiểu ý nghĩa để biết cách gìn giữ những nét văn hóa, các bé còn biết cách tái sử dụng những vật liệu bỏ đi để làm đồ chơi cho mình.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Đọ xem đèn lồng ai làm đẹp hơn nào?

Chơi Trung Thu theo kiểu
Các bạn nữ thì lại rất thích thú với những chiếc mặt nạ và mũ công chúa do mình tự tay làm ra.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Hồi hộp quá, pháo hạt bưởi hóa ra là chơi như thế này.

Khi được hỏi về cảm xúc của bản thân sau khi hoàn thành giờ học, các bé đều tỏ ra vô cùng thích thú. Bé Nam Khánh hồ hởi: “Con vui lắm, vì đồ chơi con tự làm ra rất là đẹp”. Trong khi bạn Trí Dũng và Bảo Hân tự hào và rất háo hức mong sớm đển ngày Trung thu để được đi chơi với đèn ông sao và mặt nạ của mình, thì Khôi Nguyên lại tỏ ra tiếc nuối: “Mặt nạ con làm đẹp lắm, có nhiều màu sắc nữa, nhưng bị rách mất rồi. Con rất muốn làm lại một cái khác.”

Cùng xem các bé vui vẻ thế nào nhé:





Để Trung thu năm nay của con có ý nghĩa hơn, mẹ có thể cùng bé làm chiếc kèn chơi Trung thu theo video dưới đây nhé! Không mất nhiều thời gian của mẹ mà lại có thể đem đến niềm vui bất tận cho con.

Chơi Trung Thu theo kiểu
Chia sẻ