Chết lặng khi con yêu... bạn đồng giới
Cha mẹ sẽ sững người, ngỡ ngàng, lo lắng... khi phát hiện con mình yêu người đồng giới. Càng giật mình hơn khi hiện tượng yêu đồng giới ở trẻ không ít, được tư vấn tại các khoa tâm lý.
Tại nhiều trung tâm tư vấn tâm lý, bệnh viện chuyện yêu đồng giới ở trẻ vị thành niên đang là vấn đề “nóng”.
“Không được gặp bạn, con chịu không nổi!”
Cách đây không lâu, M. - một cậu bé 15 tuổi, đang học lớp 9, nhà ở TP.HCM - đã tự đến đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin được khám bệnh. Cậu kể: nhà cậu bán cá kiểng nên thường xuyên có các bé trai đến mua cá. Nửa tháng nay, mỗi khi gặp những khách hàng này trong người cậu bé xuất hiện một cảm giác rất lạ. Đó là những cơn đau thắt trong bụng, người cứ rạo rực lên và cậu bé rất muốn hôn... những khách hàng này.
Qua tìm hiểu, các bác sĩ biết được trước đó hai năm cậu từng thích một bạn gái nhưng cô bé này không thích cậu. Gần đây, cậu tiếp tục để ý một bạn gái khác nhưng cũng không được cô bé này đáp lại tình cảm...
Trong khi đó cô H. - giáo viên chủ nhiệm lớp 9 một trường THCS tại Q.1, TP.HCM - cho biết cô từng bỏ rất nhiều thời gian giúp đỡ một học sinh nữ tên A. trong lớp cô chủ nhiệm khi em này yêu một bạn gái lớp 9 cùng trường.
Theo cô H., chuyện A. yêu B. được phát hiện qua nhật ký A. viết trong giờ học bị cô dạy lý tịch thu. Khi xem nhật ký của A., cô H. đã giật mình vì những lời lẽ yêu đương nồng nàn hai em này viết cho nhau. Cô H. đã gọi A. xuống nhẹ nhàng tìm hiểu, em mới giãi bày: “Con thương bạn B. lắm. Không được gặp bạn con chịu không nổi”.
A. nghẹn ngào kể rằng đầu tiên em chơi thân với B. chỉ vì B. có hoàn cảnh rất giống em là ba mẹ đi làm suốt ngày, ít quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các em. Dần dà A. thấy không được gặp bạn thì nhớ nôn nao, khi được gặp chỉ muốn ôm hôn bạn...
Dù hứa tập trung học tập nhưng A. và B. vẫn tiếp tục yêu nhau và gần như công khai mối quan hệ này. A. bắt đầu nghỉ học không phép và em B. ở lớp bên cũng nghỉ học theo A. buộc lòng cô H. phải mời mẹ A. vào trường. Khi cô H. thông tin về chuyện tình cảm của A., mẹ em kể rằng bà phải đi buôn bán suốt nên thường để tiền ở nhà cho A. tự ăn uống. Thấy B. hay qua nhà nấu nướng, ăn uống chung với A. thì bà yên tâm vì thấy hai đứa đều là con gái. Thế nhưng khi đọc nhật ký của A., mẹ em chết lặng vì quá bất ngờ.
Sau khi gặp cô H., mẹ của A. đã nói chuyện với mẹ B.. Mẹ B. đã tức tốc chuyển trường cho B. về Vũng Tàu. B. đi rồi, A. sa sút tinh thần hẳn và em suýt tự tử nhưng được thầy cô phát hiện kịp. Được một thời gian, A. lại trốn học ra Vũng Tàu tìm B.. Sau khi bị B. chối từ, A. lại tìm cách theo đuổi một bạn gái khác cùng lớp 9...
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết gần đây trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận tư vấn khoảng năm trường hợp yêu đồng giới, trong đó đa số là học sinh.
Theo bác sĩ Ngọc Thanh, ở tuổi vị thành niên trẻ đang khám phá đời sống tình cảm nên hiện tượng này có thể chỉ thoáng qua, chưa chắc đã là đồng tính. Chỉ khi nào ở độ tuổi trên 30, lứa tuổi đã định hình tính cách, khi đó mới là đồng tính.
Hiện tượng yêu đồng giới ở tuổi vị thành niên có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Có thể ở độ tuổi này trẻ thích làm những gì lạ, kỳ quái để gây sự chú ý của người khác. Cũng có thể trẻ từng có một sang chấn tâm lý nào đó đối với người khác phái. Một số trẻ đã có trải nghiệm hoặc là nạn nhân của lạm dụng tình dục đồng giới; một số có khuynh hướng đồng tính ở dạng tiềm ẩn; đồng tính còn có thể là một trong những biểu hiện của các rối loạn nhân cách...
Và một yếu tố rất quan trọng khác là nhiều trẻ chưa được giáo dục giới tính một cách đúng đắn. Theo bác sĩ Ngọc Thanh, ở tuổi vị thành niên trẻ bắt đầu quan tâm nhiều đến giới tính do có những đòi hỏi sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về giới tính đời sống tình dục, trẻ có thể nghiêng về người khác giới hoặc đồng giới. Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới không xếp đồng tính là một bệnh lý mà cho rằng đó là định hướng chọn lựa của một số người.
Bố mẹ nên trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn cùng con
Trẻ cần được yêu thương, giúp đỡ!
Tại hội thảo tâm lý Pháp-Việt vừa được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đầu tháng 11-2009 vừa qua, báo cáo của bác sĩ Trần Duy Tâm-Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM- cho thấy khuynh hướng đồng tính thật sự chủ yếu định hình vào khoảng 21 tuổi.
Theo bác sĩ Duy Tâm, trong giai đoạn đầu của tuổi thanh thiếu niên, những biểu hiện đồng tính có thể vẫn nằm trong quá trình thử nghiệm và tìm hiểu chính bản thân. Vì thế trẻ cần sự thấu hiểu, không áp đặt của phụ huynh để tự trấn an khi có những căng thẳng, lo âu liên quan đến đồng tính. Một số trẻ cần có sự giúp đỡ, tháo gỡ thắc mắc từ phía các chuyên viên tâm lý, bác sĩ...
Bác sĩ Ngọc Thanh cũng khuyên nếu phát hiện con mình yêu người đồng giới, phụ huynh đừng quá hốt hoảng, đánh đập, rầy la trẻ...mà nên đồng hành, cảm thông cùng trẻ. Ngoài ra, để khắc phục hiện tượng này, gia đình và nhà trường nên có phương pháp giáo dục giới tính phù hợp cho trẻ để các em có thể tự đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho hành vi của mình.