Bé có thể ốm vì... massage

,
Chia sẻ

Nhiều bà mẹ rất chịu khó massage cho con để bé phát triển tốt, nhưng nếu massage không đúng cách sẽ lợi bất cập hại.

Tiến sĩ  Đinh Thị Thủy, chuyên gia dinh dưỡng và nhi khoa, từng công tác tại Bệnh viện 19/8, Hà Nội, cho biết, massage giúp cơ bắp và khớp xương của bé cứng cáp hơn, giảm triệu chứng đau nhức hay ngăn ngừa một số bệnh. Ngoài ra, qua việc này, cha mẹ biết cách nhận diện các phản ứng và hiểu rõ nhịp điệu sinh học tự nhiên của cơ thể con để đáp ứng kịp thời các nhu cầu, mong muốn của bé. Tuy  nhiên, những lợi ích này chỉ có khi massage đúng cách. 

Những sai lầm thường gặp

Massage khi ốm: Nhiều bà mẹ trẻ nghĩ rằng khi em bé bị ốm, việc massage sẽ khiến cho bẻ cảm thấy thoải mái, khỏe hơn. Nhưng bác sĩ Thủy khuyên rằng, khi bé có dấu hiệu đau ốm, sốt, cha mẹ không nên massage vì cơ thể bé rất nhạy cảm, việc massage lúc này sẽ khiến bé dễ bị cảm lạnh hoặc ốm nặng hơn.

Massage lâu và nhiều lần trong ngày: Nhiều phụ huynh cứ tiện là massage, có khi mấy ngày liền không làm nhưng cũng có khi mấy lần mỗi ngày, và nhiều người nghĩ rằng xoa bóp càng lâu càng tốt. Điều này không tốt bởi mỗi trẻ có thể trạng khác nhau. Tùy vào lứa tuổi của con, các bà mẹ nên có thời gian biểu massage hợp lý. Trẻ sơ sinh chỉ nên massage trong vòng 2 - 5 phút, trẻ từ hai tháng tuổi trở nên có thể massage trong 8 - 10 phút, còn bé 10 tháng trở lên có thể massage trong vòng 10 - 15 phút. Việc massage mỗi ngày một lần làm tăng khả năng tuần hoàn máu, giúp bé ăn ngoan, chóng lớn, giảm các chứng đầy bụng khó tiêu, nhưng không nên thực hiện nhiều hơn.

Massage đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt cho trẻ. Ảnh: Inmagine.

Chỉ xoa bóp, không giao lưu: Việc massage mà không có sự giao tiếp giữa mẹ và bé (trò chuyện, trao đổi bằng ánh mắt, hát cho trẻ nghe ...) sẽ không tạo được hiệu quả tốt. Trong quá trình massage và trò chuyện, bạn giúp bé sớm phát triển ngôn ngữ, giảm bớt những khó chịu do căng thẳng. Massage là một cách thể hiện tình thương và sự chăm sóc cho bé yêu, giúp bé phát triển tốt cả thể chất và tâm sinh lý.

Những lưu ý khi massage cho con

Khi bắt đầu xoa bóp, bạn hãy thực hiện các động tác vuốt ve một cách nhẹ nhàng và từ từ để tìm hiểu tâm trạng của bé. Nếu bé khóc ít, cố gắng dỗ nín trước khi xoa bóp. Nếu bé khóc nhiều thì không nên cố massage, mà nên dừng ngay.

Không massage khi bé không muốn, khi bé đói hoặc vừa ăn no, khi bé không khỏe.

Không đánh thức bé dậy để massage.

Không bắt buộc bé chỉ ở một tư thế.

Nên massage cho bé vào buổi sáng sớm hoặc chiều, tắm cho bé sau khi massage.

Trước khi bắt đầu, phải chắc chắn rằng căn phòng đặt bé để xoa bóp cũng như đôi tay của bạn phải ở nhiệt độ thường. Nhiệt độ quá thấp sẽ rất dễ gây cảm lạnh cho trẻ. Không nên mở quạt số lớn và không để gió quạt thổi thẳng vào người bé. Cởi hết quần áo bé và đặt nằm trên một chiếc chăn hay đệm mềm.

Trong khi xoa bóp, bạn có thể sử dụng tinh dầu, dầu massage để thoa lên da trẻ, giúp thao tác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nên chú ý kiểm tra độ kích ứng của loại tinh dầu bạn định dùng với da trẻ

Khi xoa bóp, bạn hãy cởi bỏ hết các loại trang sức đeo trên tay để tránh làm tổn thương đến da của bé.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ