Mẹ trẻ hốt hoảng vì con nuốt phải nắp chai nước ngọt - vật dụng tưởng vô hại nhưng lại nguy hiểm chết người
Nắp chai bia, nước ngọt là vật dụng thường xuyên xuất hiện trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại thiếu cảnh giác với nó, trong khi thực tế đã có nhiều tai nạn đau lòng khi trẻ nhỏ vô tình nuốt phải nắp chai.
Hóc dị vật dẫn đến ngạt thở và tử vong là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, các bé thường rất tò mò, muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình và có thói quen nhét những món đồ mà mình cầm - nắm được vào miệng. Với những thứ như thạch rau câu, hạt nhãn, hạt vải, viên bi hay đồ chơi quá bé, bố mẹ không nên cho con tiếp xúc. Tuy vậy, trong mỗi gia đình vẫn còn tồn tại nhiều vật dụng nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho trẻ nhỏ nhưng lại không được mọi người lưu tâm, điển hình là chiếc nắp chai bia, nước ngọt.
Nắp chai nước ngọt - là vật dụng thường xuyên xuất hiện trong mỗi gia đình nhưng ít người lường được sự nguy hiểm của nó với con em mình. (Ảnh minh họa)
Mới đây, trên một nhóm kín chuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội. Bà mẹ trẻ tên Q.H đã được một phen hốt hoảng khi con trai của mình thoát khỏi bàn tay tử thần.
Giao con cho chồng trông để nấu bữa sáng, nhưng ông xã mải quét nhà nên để con tự chơi một mình. Quay đi quay lại, chị Q.H thấy con trai nôn ọe rồi lấy tay móc trong cổ họng. Vội chạy lại chỗ con, chị phát hiện chiếc nắp chai trong miệng con. Nhanh trí, chị dốc bé xuống rồi móc dị vật ra.
Chị Q.H được phen hết hồn vì con trai nuốt phải chiếc nắp chai nước ngọt. (Ảnh: FBNV)
Hú hồn hú vía, mãi về sau mới lấy lại được bình tĩnh, chị Q.H lên mạng chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo cho mọi người về sự nguy hiểm của những vật dụng tưởng như vô hại. Đó cũng là lời cảnh tỉnh với những người làm cha làm mẹ, đừng vì một phút lơ là mà phải hối hận cả đời.
Câu chuyện của chị Q.H nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các thành viên trong nhóm. Nhiều người cũng bất ngờ bấy lâu nay vẫn sử dụng bia, nước ngọt và vứt nắp chai lung tung, không nghĩ đến hậu quả của nó.
Bên cạnh đó, sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại nhiều gia đình khác, các mẹ chỉ biết bảo nhau nên cẩn thận, trông nom các bé kỹ càng, hạn chế tối đa đồ vật nguy hiểm trong nhà để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Nhiều gia đình cũng đã gặp phải sự cố tương tự. (Ảnh: chụp màn hình)
Bố mẹ cũng nên lưu ý, không ít trường hợp, vừa thấy trẻ cho dị vật vào miệng, phụ huynh đã la mắng khiến trẻ phát hoảng, thay vì nhả ra thì lại nuốt vào. Nhiều người lớn cho tay vào miệng bé cố móc dị vật mà không biết cách làm này khiến dị vật càng mắc sâu hơn.
Khi không may con gặp tai nạn hóc dị vật, bố mẹ nên bình tĩnh, một tay giữa bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé (chỗ giữa hai xương bả vai).
Cách làm này khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Để tránh bé bị ngạt quá lâu, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.