Mẹ ơi, sự thật là...

Hoàng Lan - Theo PLXH,
Chia sẻ

Nhìn trân trân vào mặt con, chị Loan bực bội quát lớn: “Mày nói thật đi! Mày lấy tiền của mẹ làm gì? Mày lấy số tiền lớn đó làm gì? Tiêu ở đâu? Nói ngay!”.

Vừa đưa tay kéo cánh cửa, bước chân vào nhà, liếc thấy thái độ có vẻ bực bội của mẹ, Minh đoán rằng có điều gì đó không hay lại xảy ra định bụng sẽ chào mẹ một câu rồi đi thẳng lên phòng để mẹ có không gian suy nghĩ nhưng ngay lập tức, Minh bị mẹ gọi giật lại bằng giọng điệu rất khó chịu: “Minh! Mày quay lại đây!”. Không hiểu lí do gì nhưng Minh lờ mờ hiểu rằng sự việc chắc chắn có liên quan đến mình. Minh lo lắng đi lại phía bàn nước, ngồi xuống ghế.

Nhìn trân trân vào mặt con, chị Loan bực bội quát lớn: “Mày nói thật đi! Mày lấy tiền của mẹ làm gì? Mày lấy số tiền lớn đó làm gì? Tiêu ở đâu? Nói ngay!”, vừa nghe câu hỏi của mẹ, Minh hốt hoảng: “Ôi mẹ ơi! Con không có! Tiền nào ạ? Sao lại thế?”… Thấy thái độ của con không thành khẩn, chị Minh càng bực bội, tỏ rõ quyết tâm buộc con phải khai đúng sự thật bằng cách vừa khóc lu loa lên, vừa đưa tay liên tục đánh con khiến Minh co rúm người chống đỡ mà không hiểu sự tình gì: “Mày là đứa con bất hiếu! Mày có biết tao nhọc nhằn nuôi mày thế nào không? Tại sao mày bỗng dưng đổ đốn, hư hỏng như vậy? Nếu mày không nói ra, tao chỉ còn nước chết thôi con ạ!”.

Bỗng dưng bị nghi ngờ vô lí, Minh vùng chạy khỏi trận đòn của mẹ, nước mắt dàn dụa: “Mẹ đừng vô lí thế! Con không lấy tiền của mẹ!”, nói dứt lời cậu bé rồi chạy thẳng khỏi nhà trước đôi mắt vẫn còn đầy tức giận của mẹ.


Con chạy vụt ra khỏi nhà, chị Loan ôm đầu, gục mặt xuống khóc một hồi rồi rầu rĩ đi vào trong. Đau khổ vì từ trước đến nay cu Minh, ngoan ngoãn, chưa bao giờ lấy một đồng xu của mẹ, kể cả tiền ăn sáng chị cho con có thừa ra một nghìn đồng thì con cũng mang về đưa lại cho mẹ. Vậy mà bỗng dưng, không biết ai xui, ai khiến mà thằng bé thay đổi đến kinh hoàng như vậy. Khoản tiền mười triệu vừa rút từ máy ATM về chị vốn định khi bố cu Minh đi công tác về chị sẽ đưa cho chồng để trả cho người ta. Cả nhà chỉ có một mẹ, một con rõ ràng chị để gói tiền trong ngăn tủ, chị không cầm thì chỉ còn cu Minh lấy. Trong lúc hoang mang vì mất số tiền, đúng lúc cu Minh đi học về chị túm ngay con lại để tra khảo…

Từ lúc hai mẹ con người sôi sục vì giận dữ, kẻ phản kháng vì bị nghi oan, chị Loan nằm bẹp trong phòng, tối muộn, bố cu Minh về thấy nhà tối om, không thấy con trai chạy ra đón bố như mọi khi, đi vào phía trong, anh thấy bếp núc nguội lạnh, cơm nước thì chưa nấu. Đẩy cửa vào phòng thì thấy chị nằm bẹp, mặt úp vào gối khóc rưng rức. Hỏi mãi một hồi lâu, chị mới chịu ngồi dậy bắt đầu kể cho chồng nghe.

Chưa nghe hết câu chuyện, anh vội vàng đứng bật dậy, dáo dác hỏi: “Thế thằng Minh đâu? Nó trên gác à?”. Khi nghe chị nói rằng nó bỏ chạy ra khỏi nhà kể từ lúc ấy, anh thốt lên khổ sở: “Trời ơi! Em nghi oan cho con rồi…”. Hóa ra trong lúc chị đi làm, con đi học, anh đã về nhà sớm hơn so với dự định. Về đến nơi, thấy vợ đã để sẵn khoản tiền đó, anh vội mang đi trả cho người ta vì họ đang cần gấp số tiền mà anh chị vay mượn xây nhà.

Lúc này chị Loan mới vỡ òa rằng mình đã nghi ngờ oan cho con, trong lúc nóng giận và lo lắng, chị đã đánh, thậm chí nhiếc móc con mà không chịu tin lời con. Chị hốt hoảng, bắt đầu lo lắng nghĩ đến tình huống nhỡ đâu con chị vì chịu uất ức mà làm liều. Dáo dác chạy đi tìm con, chị khóc rưng rức khi thấy cu Minh đang ngồi ôm gối, co ro trong sân chơi gần nhà. Ôm lấy con, chị xót xa: “Con ơi! Mẹ xin lỗi! Mẹ xin lỗi!”.

Đôi khi trong cuộc sống có những tình huống mà cha mẹ vô tình ép con vào tội mà trẻ không làm. Điều đó sẽ làm tổn thương sâu sắc ở trẻ. Do đó dù trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ hãy tuyệt đối giữ bình tĩnh, cần tìm hiểu rõ vấn đề, nếu sự thật là trẻ có hành động sai, mẹ hãy tạo sự tin tưởng và khơi dậy sự ăn năn trong trẻ để con cái nói rõ sự thật. Tránh tạo ấm ức cho trẻ để dẫn tới những hành động không đáng có.

Chia sẻ