Mẹ ơi, con bị… "chán đời"
Nhiều người nghĩ rằng, tình trạng “chán đời” chỉ xảy ra với người lớn, những biểu hiện tương tự nơi trẻ con chỉ là một cách chống đối, chứng tỏ mình.
Tuy nhiên, ngành phân tâm học cho rằng: nếu trẻ có những mong muốn không được thỏa mãn mà thiếu đi sự giải thích cặn kẽ, sẽ ấm ức kéo dài, dồn nén trong vô thức, gây ra hành vi sai lạc mà trẻ không thể kiểm soát được. Điều đó ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách của trẻ khi trưởng thành.
Bé Hà Vi (10 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) thổ lộ: “Cháu buồn nhất là khi chứng kiến cảnh cô giáo chủ nhiệm đối xử thiếu công bằng giữa các học sinh trong lớp. Cô luôn bênh vực bạn Quang, bất kể bạn ấy đúng hay sai, không phải vì bạn ấy học giỏi mà vì bố mẹ bạn ấy rất giàu có. Các bạn trong lớp chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận và tẩy chay không chơi với bạn ấy nữa”.
Trao đổi với gia đình bé Hà Vi, chúng tôi còn được biết, vì chán nản với cách ứng xử của cô ở lớp nên Hà Vi không tập trung học tốt môn Toán - môn do cô chủ nhiệm đứng lớp. Cháu tâm sự với cha mẹ rằng: “Trong lớp con có nhiều bạn giống như con, vì không thích cách ứng xử của cô giáo mà kết quả học tập bị giảm sút”. Chị Hà Vân - mẹ bé Hà Vi tỏ ra băn khoăn không biết tìm cách nào để giúp con mình có lối sống lạc quan, yêu đời hơn, quên đi những cảnh tiêu cực mà cháu đã chứng kiến.
Trường hợp của Phi Long (12 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) thì khác, Phi Long cho biết: “Cháu muốn gì cha mẹ đều đáp ứng. Tuy nhiên càng ngày cháu lại cảm thấy chán ngán, không tha thiết học tập cũng như chẳng hứng thú với cuộc sống hàng ngày, vì hầu hết công việc đều có người giúp việc lo cho cháu, mà mọi thứ thì cứ lặp đi lặp lại y như vậy”. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, cha mẹ cháu có thu nhập rất cao. Họ bận rộn, thường xuyên vắng nhà, vì thế cậu con trai được giao cho người giúp việc quản lý. Cháu Phi Long còn tiết lộ rằng, bài tập ở lớp cháu được cô giúp việc thường xuyên làm thay. Vì thế, phần lớn thời gian ở nhà cu cậu chỉ dành cho việc chơi điện tử. Cháu cho biết, mẹ thường xuyên căn dặn không được tham gia các công việc nhà vì còn nhỏ, chỉ cần ăn uống đầy đủ và vui chơi là tốt rồi.
Điểm tựa cho con
Trên thực tế, có một bộ phận lớp trẻ có suy nghĩ và hành động thể hiện thiếu niềm tin và bất mãn với cuộc sống. Xét cho cùng, môi trường gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ trong những năm đầu đời. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ có những suy nghĩ và hành động tiêu cực để cùng trẻ kiểm soát, chế ngự và giải quyết hiệu quả.
Sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là giai đoạn dậy thì. Hằng ngày trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết. Khi trẻ chứng kiến những điều tiêu cực trong xã hội (như hiện tượng bất công, xin - cho điểm ở lớp học, bạn bè đánh nhau...), các cháu sẽ dễ nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản. Với những trường hợp này, cha mẹ hãy luôn đồng hành, sát cánh bên con, tạo cho trẻ một điểm tựa tinh thần vững chắc, dạy con biết hy vọng và cố gắng thực hiện những điều tốt đẹp.
Về trường hợp của cháu Hà Vi, chị Hà Vân có thể nói với con gái rằng: “Những người có cách ứng xử như cô giáo chủ nhiệm của con không nhiều, các thầy cô khác trong trường đều rất tốt. Con hãy tích cực tham gia làm việc tốt ở nhà cũng như ở trường, đừng bận tâm nhiều đến những điều không vui đó. Con có thấy người đáng thương nhất chính là bạn Quang không, bạn ấy có ai chơi cùng đâu”...
Giúp trẻ biết chịu trách nhiệm
Trẻ cũng thường tự hỏi, vì sao cùng trang lứa với nhau mà bạn kia muốn gì được nấy, còn mình thì luôn bị cha mẹ mắng mỏ, cấm đoán? Cha mẹ hãy lắng nghe và đáp ứng cho con những nhu cầu hợp lý, vừa sức. Khi cấm đoán hoặc không thể đáp ứng một mong ước nào đó của trẻ, cha mẹ cần có lời giải thích rõ ràng. Nhất là dạy trẻ biết kiểm soát bản thân vì không phải nhu cầu nào cũng có thể thực hiện. Hãy hướng trẻ vào những hoạt động tích cực như chơi thể thao, đọc sách, nghe nhạc... để trẻ quên đi hoặc không để tâm đến những mong muốn không phù hợp.
Tránh mạt sát con theo kiểu: “Con cái mà không biết yêu thương cha mẹ, chỉ biết nghĩ đến hưởng thụ”. Trẻ hay bi quan và chán nản còn bởi lý do thường mắc sai sót, lỗi lầm, không tin vào năng lực của bản thân. Cha mẹ cần động viên, khuyến khích con cái kịp thời, cùng con giải quyết công việc, nhưng không được làm thay con. Tùy theo lứa tuổi của con, cha mẹ hãy để con tự xác định nhiệm vụ, lựa chọn phương pháp giải quyết công việc phù hợp. Hãy cho con quyền tự quyết định những việc mà trẻ kiểm soát được và dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Hãy mạnh dạn để con nếm trải thất bại, đối diện với những sai sót, khó khăn. Đừng khoán trắng giáo dục con cho người khác. Hãy giúp con không suy nghĩ quá lâu về những điều không vui và biết cách nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Khi nào trẻ quá bi quan, hãy kể lại cho trẻ những thành tích mà chúng đã đạt được trước đây, gợi lại những kỷ niệm đẹp giúp trẻ lấy lại tinh thần.
Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ hãy cho trẻ một cách sống lạc quan, yêu đời, biết cách nhìn nhận những điều tốt trong cuộc sống và tạo bầu không khí gia đình luôn tươi vui, ấm cúng - xứng đáng là điểm tựa tinh thần để con trẻ sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của mình.