Mẹ nào cũng nói mở 10 phân sẽ đẻ nhưng không phải ai cũng biết mở 10 phân là như thế nào
Sinh con là một trải nghiệm đẹp và tuyệt vời. Tuy nhiên, có một khái niệm mà hầu như mẹ nào cũng được nghe nói là "tử cung mở 10 phân", nhưng thật sự, các mẹ có biết "mở 10 phân" là như thế nào không?
Thay đổi của cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ như thế nào?
Cổ tử cung là phần dưới cùng của tử cung. Nó sẽ mở ra khi người phụ nữ sinh con thông qua một quá trình làm mềm và rút ngắn gọi là giãn mở cổ tử cung hay gọi nôm na là quá trình chuyển dạ.
Trong quá trình này, cổ tử cung sẽ giãn rộng ra để có thể đưa em bé đi ra qua đường âm đạo. Và mức giãn mở rộng tối đa của nó là khoảng 10cm để việc sinh nở được dễ dàng hơn.
Các giai đoạn chuyển dạ và sự giãn nở của cổ tử cung
Khi bạn bắt đầu có những cơn co thắt, có nghĩa là cổ tử cung bắt đầu giãn mở và bạn sắp sửa lâm bồn. Quá trình này thường diễn ra theo 3 giai đoạn:
1. Chuyển dạ sớm (cổ tử cung mở 1 − 3cm)
Trong giai đoạn chuyển dạ này, bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt tử cung. Chúng có thể vẫn còn nhẹ và không thường xuyên. Lúc này, cổ tử cung của bạn đang tập trung vào việc làm mềm, rút ngắn và bắt đầu mở nhẹ.
Đây được xem là giai đoạn chuyển dạ dài nhất. Vì vậy, bạn cứ tiếp tục các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, lắc lư hoặc nghỉ ngơi giữa những cơn co thắt. Bạn cũng có thể thấy một chút dịch tiết âm đạo có màu hơi hồng.
Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ sớm:
- Chuyển dạ sớm sẽ kéo dài khoảng 8 - 12 giờ.
- Cổ tử cung của bạn sẽ làm mềm và giãn ra đến 3cm.
- Các cơn co thắt sẽ kéo dài khoảng 30 - 45 giây/cơn, và bạn được nghỉ ngơi từ 5 - 30 phút giữa các cơn co thắt.
- Các cơn co thắt thường nhẹ và không đều nhưng ngày càng mạnh hơn và thường xuyên hơn.
- Bạn có thể cảm thấy như đau ở lưng dưới, đau bụng như khi đến kỳ kinh nguyệt và cảm thấy bị thắt chặt ở vùng xương chậu.
- Bạn có thể bị vỡ ối bởi điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
2. Chuyển dạ tích cực (cổ tử cung mở 3 − 7cm)
Đây là thời điểm các cơn co thắt sẽ trở nên mạnh hơn, theo quy luật và có thể dự đoán được. Lúc này, cổ tử cung của bạn đang hoàn thành quá trình làm mềm, rút ngắn và tiếp tục mở dần ra. Bạn hãy nhớ thường xuyên thay đổi vị trí đứng - ngồi - nằm, uống nước, đi bộ (nếu có thể) và đi vệ sinh khi cần. Không có gì lạ khi bạn thấy có một chút máu bởi nó là một phần của giai đoạn chuyển dạ tích cực.
Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ tích cực:
- Giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng từ 3 - 5 giờ.
- Cổ tử cung sẽ giãn ra từ 3 - 7cm.
- Các cơn co thắt trong giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 45 - 60 giây một cơn, và có 3 - 5 phút nghỉ ngơi ở giữa hiệp.
- Bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt ngày càng mạnh và lâu hơn.
- Đây thời điểm thích hợp để bạn và gia đình đi đến bệnh viện.
3. Chuyển dạ chuyển tiếp (cổ tử cung mở 7 − 10cm)
Đây là giai đoạn mà các cơn co thắt trở nên mạnh nhất và kéo dài lâu nhất. Tại thời điểm này, cổ tử cung của bạn hoàn thành quá trình rút ngắn và mở rộng hoàn toàn, có nghĩa là 10cm.
Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn thách thức nhất, nhưng cũng là giai đoạn ngắn nhất của quá trình sinh nở. Bạn có thể cảm nhận được áp lực nơi trực tràng bởi em bé đã đến rất gần vị trí cửa mình của mẹ.
Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp:
- Quá trình này sẽ kéo dài khoảng 30 phút cho đến 2 giờ.
- Cổ tử cung của bạn sẽ giãn từ 8cm đến 10cm.
- Mỗi cơn co thắt trong giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 60 - 90 giây, và có thời gian nghỉ 30 giây - 2 phút ở giữa mỗi đợt co thắt.
- Các cơn co thắt dài, mạnh, dữ dội và có thể chồng lên nhau.
- Đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là giai đoạn ngắn nhất.
Khi 3 giai đoạn chuyển dạ kết thúc cũng có nghĩa là bạn đã vượt cạn thành công. Lúc này, các bác sĩ sẽ cho bạn được da kề da với con của mình, còn bạn thì đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Một số hình ảnh minh họa quá trình giãn mở cổ tử cung: