Mẹ kiện tướng dancesport nhí chia sẻ bí quyết nuôi con
Để đạt được những thành tích lớn như ngày hôm nay là sự nỗ lực không ngừng của hai mẹ con bé Trần Ngọc Diễm Huyền – Đại biểu thi đua yêu nước nhỏ tuổi nhất Đại hội vừa qua.
Mới 10 tuổi những Trần Ngọc Diễm Huyền được mệnh danh là kiện tướng dancesport nhí, sở hữu hàng chục huy chương, bằng khen và có thành tích học tập đáng nể phục. Cô bé cũng là đại biểu nhỏ tuổi nhất về dự ĐH Thi đua yêu nước lần thứ VIII vừa qua.
Diễm Huyền bén duyên với dancesport từ khi môn nghệ thuật này còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Khi mới 4 tuổi, Huyền đã được mẹ cho đi học hát, múa, aerobic cho tới dancesport. Những ngày đầu, ba mẹ bé chỉ có mong muốn tạo cho con sự tự tin trong cuộc sống và rèn luyện sức khỏe bản thân chứ không bao giờ nghĩ cô bé có thể giành được nhiều giải cao như thế.
Nhưng đúng là đến với dancesport, Diễm Huyền đã thực sự được vẫy vùng, được thể hiện năng khiếu bản thân. Ngay từ những buổi tập đầu tiên, không phải mất nhiều thời gian, dù mới làm quen nhưng Huyền đã xoạc chân, uốn dẻo rất tốt, không kém gì những người bạn đã được học trước mình từ khá lâu. Chị Nguyễn Hải Yến, mẹ bé tâm sự: “Có người nói với mình sao lại ham hố cho con đi học nhiều như thế, không sợ rằng con học nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu sao? Có người cũng nói không nên áp đặt mà nên để trẻ học theo sở thích. Thực ra, mình không bắt ép con học những thứ mà còn không muốn, tất cả đều do sở thích của bé. Nhiều khi thương con vì thấy bé vất vả với những lịch học kín mít song bé không bao giờ than vãn hay nhõng nhẽo với mẹ rằng không muốn học hay nhè nheo, làm nũng”.
Cô bé với bảng thành tích đáng nể
Khi mới là cô nhóc 4, 5 tuổi, với khả năng khiêu vũ và cảm thụ âm nhạc rất tốt, Diễm Huyền đã được lựa chọn đào tạo dự thi những giải thi đấu dancesport mang tầm quốc gia cho tới quốc tế. Tham gia vào những buổi học với các anh chị lớn nhưng Huyền không hề thua kém bất cứ ai, phải những động tác khó, cô bé chỉ lẳng lặng quan sát và học theo giáo viên hướng dẫn mà không bao giờ tỏ ra nản chí.
Diễm Huyền và bạn nhảy
Mỗi khi chuẩn bị tới giải, Diễm Huyền thường xuyên phải luyện tập với cường độ cao. “Đôi khi bé luyện tập gần 5 giờ đồng hồ mà không hề nghỉ ngơi. Thấy con tập tới mức hai chân phồng rộp mà vợ chồng mình thương lắm. Nhưng dù bị đau, không lúc nào bé kêu ca hay làm nũng bố mẹ. Mỗi khi bố Bống (tên gọi thân mật của bé Diễm Huyền ở nhà) nhìn thấy con nhưng xót lắm lại gàn thôi cho con nghỉ đi. Nhưng với bộ môn nghệ thuật này, đã không theo thì thôi nhưng theo thì phải đến cùng, nhiều khi hai mẹ con giống như phải chạy đua với thời gian vậy. Cứ kết thúc lớp học văn hóa ở trường, mình lại mải móng chở con tới lớp học nhảy, có những khi mình phải mang cơm đóng hộp cho con để con lại tranh thủ ăn cơm trên xe từ trường tới chỗ tập, xong nghỉ ngơi một lúc rồi lại vào tập cùng các bạn. Thực sự, có những khi mình cảm giác cường độ làm việc của con quá lớn, chỉ sợ con gục, không thể theo được. Nhưng lạ một điều là mình thì sợ con mệt nhưng lúc nào cũng thấy con hứng khởi đối với tất cả những buổi học dù là ngoại khóa hay học văn hóa, có lúc bé còn nói với mình: "Con không thấy mệt hay khổ gì cả, con được học là thấy hay rồi',” chị Yến tâm sự.
Cô bé Diễm Huyền không chỉ thể hiện được tài năng của mình trong những cuộc thi khiêu vũ mà Huyền còn có thể hát hay, múa giỏi. Còn nhớ, chỉ vì cố gắng tham gia cuộc thi Khiêu vũ Thể thao quốc tế Malaysia mở rộng năm 2007 mà Diễm Huyền đã phải từ bỏ cuộc thi Đồ rê mí dù đã vào được vòng trong.
Không chỉ hát hay, múa đẹp mà Diễm Huyền còn đạt được thành tích học xuất sắc, 9 học kỳ đã qua, lúc nào cô bé cũng đều đạt 10 phẩy điểm tất cả các môn. Ngoài ra Huyền còn giữ vai trò là lớp trưởng, là liên đội trưởng của trường tiểu học Nam Thành Công. Chị Yến cho biết: “Từ khi học lớp một, bé thường xuyên được nhận bằng khen, học bổng của trường. Lúc đầu, điều đó làm mình và cả nhà cảm thấy vui và tự hào lắm nhưng sau này có bất cứ chương trình học bổng nào cũng đều rơi vào tay cháu, có lúc mình cảm thấy… ngại. Mặc dù có ý kiến với ban giám hiệu nhà trường rằng nhường những xuất học bổng đó cho các cháu khác thì các thầy cô có nói với mình không thể làm khác được. Bởi vì ngoài kết quả học tập xuất sắc, Diễm Huyền đạt được nhiều huy chương và tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp.”
Thành công của con là nỗ lực của mẹ
Có được thành công như ngày hôm nay, Diễm Huyền không thể không nhắc tới mẹ, người luôn sát cánh bên cô bé để để chinh phục những vinh quang mới.
Chị Nguyễn Hải Yến, mẹ bé Huyền là giáo viên dạy tiếng Anh của trường THCS Láng Thượng. Chị nói: “Nuôi được một đứa con như thế này quả thật là kỳ công lắm. Có những khi con đi học mà mẹ cũng đi học theo, phải 'chạy xô' cùng với con. Nhiều người cũng cho con đi học, tham gia những lớp học ngoại khóa nhưng chỉ để con đấy mà không biết con học gì, học như thế nào. Mình thì lại khác, nhiều khi con học trong lớp, mình thì đứng ở ngoài xem con học như thế nào. Con học, mẹ cũng học để có những chỗ con không hiểu, mẹ sẽ về giảng giải lại cho con. Có buổi đưa con đi học, mình còn đem theo cả dao, cốc, hoa quả để chăm con. Đến giờ giải lao, hai mẹ con trải giấy ra ngồi ở hành lang vừa ăn chống đói lại vừa để ôn lại bài.”
Việc cho con theo học những bộ môn năng khiếu như thế này không phải lúc nào cũng được cả nhà ủng hộ. Có những khi mọi người phản đối việc chị cho con tham gia quá sâu vào những chương trình học đó bởi với họ làm sao bé biết đến những môn nghệ thuật đó gọi là “thêm hương thêm hoa”, hỗ trợ trong quá trình học tập của cô bé. Nhưng với quan điểm của chị Yến, “đã không học thì thôi, học thì phải đến nơi đến chốn.”
Diễm Huyền có thành tích học tập rất đáng nể
Hằng ngày, hai mẹ con lại cùng chạy đua, hết ở trường rồi lại đến lớp học ngoại khóa, lớp học tiếng Anh. Chị tâm sự thêm: “Hai vợ chồng đều là công nhân viên Nhà nước, làm công ăn lương, việc đầu tư cho Diễm Huyền học khiêu vũ lại tốn kém. Mỗi lần bé chuẩn bị cho giải thi đấu mới, việc tập luyện khá căng, tiền học cho một vài buổi học dancesport cho bé tốn hàng chục triệu đồng, và vô số những thứ tiền lặt vặt khác. Nhưng cũng may mắn rằng đầu tư cho con học không hề tiếc bởi dường như học đến đâu, Diễm Huyền ngấm luôn đến đó và kết quả đền đáp cho cha mẹ đó là những thành tích thi đấu và thành tích học tập rất cao của cháu”.
Mẹ luôn là người động viên, khích lệ tinh thần của Huyền
Kể chuyện về Diễm Huyền, chị cũng nói thêm: “Từ khi bé 4 tuổi đã được sống trong sự yêu thương, mến mộ của mọi người dành cho, đã có lúc bé mắc bệnh “ngôi sao”, lúc nào cũng luôn muốn mình phải là nhất. Có một câu hỏi mà bé đặt cho một người thầy giáo dạy tiếng anh: “Thưa thầy, ở lớp này, ai là người học giỏi nhất?” khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Việc bé nhận được nhiều thành công như thế cũng như là một con dao hai lưỡi, nếu cha mẹ biết phát huy sự cố gắng của con, thêm vào đó có cách giáo dục đúng hướng thì sẽ rất tốt. Nhưng nếu không có phương pháp giáo dục thì trẻ sẽ phát triển theo một hướng lệch lạc”.
Đầu tư thời gian để đạt mục tiêu thi đỗ vào một ngôi trường chuẩn tại Hà Nội, Diễm Huyền vẫn luôn cố gắng là một cô bé không chỉ có một phông kiến thức văn hóa tốt mà còn mong chinh phục được những đỉnh cao nghệ thuật mới.