Mẹ Hà Nội chia sẻ chi tiết quy trình đưa con đi khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Bình Nguyên,
Chia sẻ

Dù lên 4 tuổi, con trai nói được khá nhiều và biết diễn đạt những câu dài nhưng bé lại phát âm phần lớn phụ âm thành "h". Nhận thấy con nói ngọng khá đặc biệt nên chị Hạnh đã đưa con đi khám dính thắng lưỡi.

Nếu như lúc nhỏ, chuyện ăn ngủ của con là vấn đề được các bố mẹ quan tâm hàng đầu thì khi ngoài 1 tuổi, bên cạnh chuyện ăn ngủ phụ huynh còn đặc biệt để ý đến chuyện đi đứng, nói năng của trẻ. Chỉ cần trẻ chậm đi, chậm nói so với các bạn là các mẹ đã lo lắng không yên. Vẫn biết mỗi trẻ có một tốc độ khác nhau nhưng nếu con mình chậm biết nói, chậm biết đi, các mẹ vẫn vô cùng sốt ruột.

Và ngay cả khi đã biết nói nhưng nếu bé nói ngọng quá nhiều các bố mẹ cũng vẫn không an tâm. Chị Hương Hạnh (sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng từng rơi vào tâm trạng như vậy khi con trai là bé Hoàng Minh (tên gọi ở nhà là bé Bì, sinh năm 2017) nói ngọng với tình trạng khá trầm trọng.

Mẹ Hà Nội chia sẻ chi tiết quy trình đưa con đi khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi ở Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh 1.

Bì đã bắt đầu bi bô từ 12-13 tháng tuổi nhưng sau đó bé chỉ nói được khoảng 5-6 từ: ạ, đi, đây, ăn, không. Khi cần gì, bé cứ ư a ơ nói rất nhiều, âm phát ra nhiều, hiểu người lớn nhưng phát âm vô nghĩa. Gia đình cho Bì đi học sớm khi bé 17 tháng để bé nhanh biết nói vì nghĩ rằng đây là môi trường tốt nhất để tiếp xúc với trẻ cùng tuổi và được dạy dỗ có chuyên môn nhưng khả năng nói của con vẫn không được cải thiện.

Đến 4 tuổi, bé Bì nói rất nhiều, diễn đạt được những câu dài nhưng bé phát âm đến 2/3 phụ âm thành "h", ví dụ "Hũa hua hân hâu Hạ Long" (Sữa chua trân châu Hạ Long). Dù mẹ dạy uốn lưỡi mãi để phát âm chuẩn nhưng bé vẫn không thể nói được như bình thường. Nhận thấy con nói ngọng hơi "đặc biệt" và không có vấn đề sinh lý nào khác nên chị Hạnh đã nghi ngờ con bị dính thắng lưỡi.

Quá trình đưa bé Bì đi khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi của bé Bì được chị Hạnh chia sẻ cụ thể như sau:

Hành trình thăm khám

Mình nhận được tư vấn từ các bác sĩ Nhi có chuyên môn, ngọng có rất nhiều nguyên nhân, nên khám ngọng phải bắt đầu từ khám Ngôn Ngữ - Thính học.

Vì vậy, mình đưa bé Bì đi khám ở trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương), sau khi khám bác sĩ sẽ chỉ định đi các chuyên khoa khác để làm tiếp các khám xét chuyên sâu. Khoa này nằm tại tầng 2 nhà S.

Tại đây, bé được khám Tai - Mũi - Họng (họng, thanh quản cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ngọng, không phải chỉ có lưỡi).

Sau đó, sáng bé được đo nhĩ lực: Trẻ nhỏ thì phải uống thuốc để ngủ nếu không các cháu ngoáy, dãy; lớn thì bố mẹ động viên vào đo 3-4 phút là xong.

Tiếp đến, Bì khám ngôn ngữ. Một điều mình đã vỡ ra ở đây: ngôn ngữ của trẻ hoàn thiện đến khi 7 tuổi, trẻ được quyền nói ngọng líu lo đến 4 tuổi rưỡi. Nếu sau 4,5 tuổi mà vẫn ngọng dính quá, không có vấn đề về sinh lý, tâm lý hẵng cho đi luyện nói, chữa ngọng. Còn sớm quá sẽ làm mất đi sự phát âm tự nhiên của một số âm sau này, không nên, không cần thiết. Và ngọng như Bì vẫn là ngọng nhưng không có gì đặc biệt, nhận thức ngôn ngữ chuẩn lứa tuổi, về tiếp tục cho ngọng và hướng dẫn con nói chuẩn hơn.

Sau khi khám, bác sĩ kết luận về Thính học - Ngôn ngữ bé không có vấn đề, tai mũi họng cũng ổn, chuyển khám dính thắng lưỡi chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại tầng 3 nhà S. Bác sĩ khám bằng cách dâng 2 cánh lưỡi lên cao. Bé nào dính thắng lưỡi độ 3, 4 là chỉ định cắt thắng lưỡi luôn. Bé nào dính độ 1, 2 mà không đi kèm một vài yếu tố thì được chỉ định trị liệu ngôn ngữ.

Mẹ Hà Nội chia sẻ chi tiết quy trình đưa con đi khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi ở Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh 3.

Quá trình phẫu thuật dính thắng lưỡi diễn ra khá nhanh.

Phẫu thuật bằng laser có gây mê

- Không đau, không chảy máu, ăn mềm lại ngay sau khi tỉnh.

- Thời gian gây mê: 1h, thời gian tiểu phẫu: 15 phút

- Bố mẹ đứng ngoài, sau 15 phút xong bác sĩ gọi vào phòng hồi tỉnh cùng con.

Phục hồi sau tiểu phẫu

- Sau 1 tiếng là bé bắt đầu uống sữa, nói, cười, chạy nhảy bình thường.

- Lưỡi thè dài hẳn ra trước, cuộn cao lên vòm trên (việc mà những trẻ dính thắng lưỡi rất khó hoặc không thể làm được).

- Bì vẫn nói ngọng như cũ. Các bác sĩ cho biết cần thời gian để con sửa đổi, nếu không tự sửa được thì cho đi luyện nói. Nhưng nếu không cắt dính thắng lưỡi chắc cả đời nói ngọng, ngắn lưỡi...

- Bé phải lưu lại viện 1 ngày đêm để theo dõi vì đây vẫn là phẫu thuật có gây mê.

- Bé được xuất viện vào sáng hôm sau, bác sĩ mổ bảo con có thể đi học bình thường, ăn đồ mềm 2 hôm là được.

- Bác sĩ không kê bất kỳ thuốc gì khác.

Thủ tục và chi phí

Tổng chi phí khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi cho bé Bì hết 13 triệu bao gồm:

- 2,65 triệu tiền khám và xét nghiệm cho ca tiểu phẫu.

- 8 triệu tiền phẫu thuật laser cắt thắng lưỡi.

- 1,45 triệu tiền phòng đôi, ăn 3 bữa cho con và 1 người chăm sóc.

- 800 nghìn tiền chi phí cho các vật dụng y tế khác.

Toàn bộ chi phí cho việc tiểu phẫu của dính thắng lưỡi đều không được bất kỳ công ty bảo hiểm nào thanh toán (kể cả BHYT), đây được xếp vào một loại dị tật bẩm sinh.

Mẹ Hà Nội chia sẻ chi tiết quy trình đưa con đi khám và phẫu thuật dính thắng lưỡi ở Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh 4.

Theo kinh nghiệm của chị Hạnh, khi con đang ở tuổi tập nói, bố mẹ nên nói chậm mỗi khi giao tiếp với con.

Lời khuyên từ kinh nghiệm của mẹ Bì dành cho các bố mẹ:

- Bố mẹ nên yêu cầu bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt kiểm tra thắng lưỡi cho con ngay khi sinh. Thời điểm vàng cắt thắng lưỡi nếu dính nhiều chính là ngay sau khi sinh.

- Thấy con chậm nói, 20 tháng mà vẫn ú ớ, nên đi khám luôn, có thể chỉ cần khám thắng lưỡi hoặc kiểm tra thắng lưỡi trước.

- Thấy con ngọng lạ lạ, nên cho có đi kiểm tra luôn.

- Hãy để em bé được ngọng tự nhiên vì đây là vấn đề rất bình thường ở lứa tuổi, chữa sớm không cần thiết và không nên.

- Bố mẹ hãy nói chậm lại khi dạy con nói và giao tiếp với con mỗi ngày. Một trong những yếu tố gây ngọng của Bì chính là vì mẹ nói nhanh.

Phẫu thuật dính thắng lưỡi là một thủ thuật rất đơn giản, chi phí không nhiều, không đau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu bố mẹ phát hiện sớm thì nên xử lý càng sớm càng tốt cho con.

Sau một thời gian phẫu thuật, chị Hạnh nhận thấy bé Bì nói nhiều hơn, các âm bắt đầu tròn hơn, tuy nhiên con vẫn nói ngọng khá nhiều. Chị Hạnh tiếp tục cố gắng để sửa phát âm cho con với hy vọng khi bước vào tuổi đi học lớp 1, con sẽ nói rõ ràng, tròn vành rõ chữ.

Chia sẻ