Mẹ đã sẵn sàng chuẩn bị đi sinh em bé

,
Chia sẻ

Nhiều mẹ đã rất băn khoăn lo lắng trong suốt thời gian mang bầu và càng hồi hộp hơn khi chuẩn bị đến thời điểm sinh nở. Hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt để mẹ tròn con vuông nhé!

Dự kiến ngày sinh chính xác

Nếu tính được ngày dự kiến sinh chính xác, mẹ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hai mẹ con trong ngày vượt cạn. Nếu mẹ theo dõi chặt chẽ và ghi nhớ chu kỳ kinh nguyệt của mình thì sẽ dễ dàng tính được ngày dự kiến sinh. Cách tính là lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, đếm đến 9 tháng và cộng thêm 10 ngày ra là ngày sinh.

Mẹ nào không nhớ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, qua siêu âm, các bác sỹ vẫn dự kiến được ngày sinh cho mẹ dựa theo việc đo chiều cao tử cung, thời điểm thai cử động và tim thai...

Tuy nhiên, việc tính toán tuổi thai cũng chỉ mang tính chất tương đối, có xê dịch ít nhiều. Có nhiều mẹ sinh đúng ngày dự kiến, nhưng cũng có mẹ sinh sớm hoặc sinh muộn hơn một chút. Thông thường, chu kỳ mang thai dao động trong khoảng từ 38 – 42 tuần. Các mẹ không nên chờ đợi mang thai đủ 9 tháng 10 ngày  mà hãy rậm rịch chuẩn bị tâm lý đi sinh bất cứ lúc nào từ tuần thứ 37. Nếu có chuyển dạ, mẹ cũng không phải ngạc nhiên hốt hoảng và đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý đầy đủ khi sinh.

Dấu hiệu chuyển dạ thật sự

Vào thời điểm 38 tuần trở đi, các mẹ hãy lắng nghe dấu hiệu của cơ thể. Có thể sẽ xuất hiện những cơn co thắt nhẹ, cổ tử cung mỏng và ngắn lại, sau đó bắt đầu giãn nở. Các mẹ nên xin nghỉ sinh trước ngày dự kiến sinh 1 – 2 tuần.

Những dấu hiệu bạn sắp đến ngày sinh con là: cảm giác sa bụng, không thấy rốn nữa (rốn không lồi ra), đi tiểu nhiều lần trong ngày, vùng lưng dưới có cảm giác đau, dây chằng ở xương chậu và tử cung căng ra. Có thể xuất hiện dịch âm đạo màu trắng đục giống lòng trắng trứng gà hoặc chất nhầy màu hồng. Theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ ngày trước đó là máu báo. Sẽ xuất hiện những cơn chuyển dạ giả. Các mẹ cũng đừng lo lắng quá, đau một lát rồi thôi. Chỉ khi nào các cơn co, cơn đau xuất hiện dồn dập thì cơn đau vượt cạn mới thực sự đến.
 
Mẹ hãy sẵn sàng tâm lý đi sinh thoải mái nhé!

Ngay khi có những dấu hiệu trên, mẹ nên nhập viện để bác sỹ theo dõi và chăm sóc cho cả hai mẹ con. Đôi khi phụ nữ sẽ bị tiêu chảy 1 - 2 ngày trước khi chuyển dạ. Và nôn cũng là hiện tượng là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Dấu hiệu quan trọng và đáng lưu tâm khi chuẩn bị sinh nở là vỡ ối. Nếu đến ngày đến tháng, mẹ bị vỡ ối thì chắc chắn là mẹ sắp sinh rồi. Nhiều trường hợp mẹ bị vỡ ối sớm thì mẹ cũng nên nhập viện để theo dõi chăm sóc sức khoẻ cho cả hai mẹ con.

Chuẩn bị đồ dùng sẵn sàng để nhập viện

Các mẹ hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để chào đón bé yêu. Hãy chuẩn bị đồ cho bé: mũ sơ sinh, tất tay tất chân, khăn xô lau mặt mũi cho con, Bỉm/tã giấy, Một hộp sữa công thức phòng khi mới sinh ra mẹ chưa có sữa cho con bú, bình và núm ti, một áo mới và tã mới thay cho bé khi đón về nhà.

Đồ cho mẹ thì đơn giản hơn như khăn mặt, bỉm cho mẹ, quần lót dùng 1 lần, một bộ quần áo dài tay, tất, khăn. Đừng quên thẻ bảo hiểm y tế và các xét nghiệm máu, nước tiểu mẹ đã làm nhé!

Chỉ cần chuẩn bị cho mẹ và bé đơn vậy thôi, vì trong bệnh viện từ lúc đau đẻ cho đến lúc xuất viện cả mẹ và con đều mặc "đồng phục" của bệnh viện. Sau đó thiếu gì và cần thêm gì, bố sẽ bổ sung thêm.

Các mẹ đừng lo lắng hoặc căng thẳng quá khi chuẩn bị đến kỳ vượt cạn. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, các mẹ hãy vững tin vì sau thời điểm chịu đau vượt cạn, các mẹ sẽ kết thúc 9 tháng thai kỳ. Thay vào đó là niềm hạnh phúc được nuôi nấng và chăm sóc bé yêu!

 Thu Hằng

Chia sẻ