Mẹ con bất hòa vì điện thoại di động

,
Chia sẻ

Trong khi nhiều bạn cùng lớp phải mè nheo để xin bố mẹ mua điện thoại di động thì Thu Oanh, học sinh lớp 10, lại chỉ muốn vứt chú “dế” đời mới của mình cho rảnh nợ.

Cách đây nửa năm, khi còn học lớp 9, Oanh, 16 tuổi, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, sướng rơn khi được mẹ trao cho cái điện thoại xịn mới cứng, bảo để tiện liên lạc với bố mẹ khi ra khỏi nhà.  

Cái điện thoại khiến cô bé và cả các bạn “lác mắt”. Nhưng chỉ một thời gian sau, Oanh đã thấy ghét nó, coi nó như sợi dây trói, bởi hễ đi bất cứ đâu, dù đã báo cáo phụ huynh địa điểm, giờ về… thì cũng nửa tiếng một lần, chuông điện thoại của Oanh lại réo. Bấm nghe thì y như rằng tiếng “mẫu hậu” căn vặn kiểm tra xem con gái đang làm gì, với ai. Nếu Oanh nói đang ở cùng bạn X, bạn Y thì mẹ cô sẽ thắc mắc tại sao không nghe tiếng nó, cho đến khi Oanh phải nhờ bạn lên tiếng mới yên. Nếu nghe có giọng con trai vọng vào máy thì thời gian “thẩm vấn” càng kéo dài. 

Giống như Oanh, Trung, học sinh lớp 11, nhà ở phố Bạch Mai, Hà Nội, cũng hậm hực với bố mẹ vì món quà sinh nhật - một chú dế Nokia - trở thành món nợ. Nhiều lần đang ngồi giữa đám bạn có cả trai cả gái, Trung nhăn nhó nghe chuông điện thoại reo, ngần ngừ một lúc rồi cực chẳng đã phải bấm nghe, và những câu tra hỏi tra hỏi, dặn dò dài dằng dặc của mẹ, có khi kéo dài hàng chục phút, vẳng ra từ loa. Vừa nhăn nhó vì ngượng với các bạn, cậu vừa vâng dạ, giải thích, thanh minh với phụ huynh… 


Số điện thoại của Trung là thuê bao trả sau, và bố mẹ Trung thường vặn vẹo về những số mới xuất hiện trong hóa đơn, hoặc hỏi tại sao lại gọi cho bạn nọ bạn kia nhiều. Trung muốn trả điện thoại cho bố mẹ, không dùng nữa, nhưng “các cụ” không đồng ý. Bố mẹ cậu luôn lo lắng cho con trai vì nơi họ sống có nhiều thanh niên hư hỏng, cách đây vài năm Trung cũng từng “lệch chuẩn” do chơi với bạn xấu. Nay tuy cậu đã “cải tà quy chính” nhưng phụ huynh vẫn chưa yên tâm, ra lệnh cho quý tử không được tắt điện thoại để gọi kiểm tra thường xuyên.  

Đối với nhiều cô cậu tuổi teen, chiếc điện thoại di động là một vật quý, nhưng không ít người trở nên ghét nó như Trung và Oanh bởi bố mẹ coi chú dế là phương tiện để theo dõi con. 

Tìm cách “qua mặt” phụ huynh 

Cảm thấy mất tự do, Oanh thường lảng tránh các cuộc gọi của mẹ. Cô cài đặt chế độ “silent”, hoặc nếu để chuông thì khi thấy cuộc gọi của phụ huynh, Oanh không tắt máy mà nhấn “im lặng”, chờ khi máy ngừng rung. Về nhà, khi mẹ hỏi tại sao không nghe máy, Oanh thường viện cớ không cầm điện thoại lúc đó, chẳng hạn: “Khi mẹ gọi con đang ở trong toilet”. Bà mẹ giận dữ: “Vậy thì lúc sau phải gọi lại cho mẹ chứ?”.  

Rút kinh nghiệm, khi đi ra ngoài, Oanh tắt máy, sau đó thanh minh là máy trục trặc hay mạng lỗi sóng. Nhiều khi cô bé cố ý “quên” nạp pin vào điện thoại, và khi về thì đắc ý chìa cho mẹ chiếc điện thoại đã hết pin”. Tuy nhiên, cô nữ sinh lớp 10 cuối cùng phải chịu thua ý chí của phụ huynh khi bà mẹ đích thân nạp pin cho điện thoại của con gái. Oanh hét lên với mẹ: “Mẹ suốt ngày gọi kiểm tra bố, xem trộm tin nhắn và cuộc gọi của bố còn chưa đủ hay sao, mà còn muốn theo dõi cả con?”.  

Còn Trung, do nghiêm lệnh của phụ huynh, cậu không thể tắt điện thoại, bản thân cậu cũng có nhu cầu dùng “dế” để liên lạc với bạn bè. Mặt khác, việc số điện thoại đang dùng bị bố mẹ kiểm soát qua hóa đơn, danh sách cuộc gọi hằng tháng khiến cậu “ngạt thở”. Không xin phép, Trung đổi lấy một cái điện thoại khác. Bố mẹ Trung được con giải thích là chú dế mới này trông nam tính hơn nên cũng không để ý. Họ không biết rằng chú dế của Trung cài được hai sim. Từ đó, số điện thoại cũ Trung chỉ dành cho bố mẹ, và khi có cuộc gọi đến số này, cậu thường lờ đi không nghe, sau đó nhắn tin thông báo mình đang ở đâu, khi nào về. Với tin nhắn đó, cậu có cái để cãi lý với bố mẹ là mình vẫn giữ liên lạc mà không phải nghe những cậu hạch hỏi dài dằng dặc. Mọi “hoạt động” với bạn bè chiến hữu, Trung chuyển hẳn sang số kia. 

"Trói con kiểu đó chắc chắn thất bại"

Đó là quan điểm của chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, Hội Liên hiệp thanh niên. Theo bà, các ông bố bà mẹ không thể thành công nếu muốn giám sát con theo kiểu cấm đoán hoặc theo dõi, bởi họ không thể đi theo con suốt ngày này qua ngày khác. Vả lại khi thấy quá tù túng, trẻ sẽ tìm mọi "mánh khóe" để qua mặt bố mẹ, sẽ sinh tật nói dối và khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa, khó "kết nối" trở lại.

Do đó nếu muốn quản lý con, những người làm cha mẹ nên tạo một "cơ chế mở". Cần tin tưởng và tôn trọng trẻ, nhưng cũng phải có quy định và giao ước rõ ràng để trẻ tuân thủ. Nên tập cho trẻ thói quen đi đâu phải xin phép, nói rõ đi đâu, với ai, mấy giờ về... và sau đó phải giữ đúng lời hứa, nếu không lần sau sẽ khó thuyết phục bố mẹ cho đi. "Nếu bạn lo lắng về việc trẻ có thể gặp chuyện không hay nếu về muộn chẳng hạn, nên nói với con điều đó. Đó cũng là cách trang bị cho con kỹ năng để bảo vệ mình. Giao ước với trẻ nếu không thể về đúng dự kiến thì phải điện thoại cho bố mẹ để thông báo và xin phép".

Tuy nhiên, bà Hồng Hà cho rằng, để giữ liên lạc, bạn không nhất thiết phải mua điện thoại di động cho con. "Nếu lý do bạn mua di động cho con là để giám sát thì đừng mua, vì bạn chắc chắn sẽ thất bại. Trẻ bây giờ hiểu biết về các thiết bị hiện đại còn hơn bố mẹ nó. Bạn chỉ nên mua di động nếu trẻ thực sự cần nó, theo tôi đó là thời điểm cuối cấp ba, khi trẻ đã đủ trưởng thành để sử dụng hiệu quả phương tiện này và tránh được mặt trái". Nếu dùng điện thoại di động quá sớm, trẻ có thể sa đà vào nhắn tin, gọi điện, chơi game, vừa tốn kém vừa mất thời gian học hành. Mặt khác, trẻ có thể nhầm lần các giá trị ảo, chẳng hạn như coi chiếc điện thoại xịn là thể hiện giá trị con người, đâm ra so bì, đua đòi với bạn bè.

"Với học sinh, điện thoại cố định là đủ để liên lạc", chuyên gia Hồng Hà nói. Việc cho con dùng điện thoại bàn ở nhà vừa đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của trẻ vừa giúp bố mẹ quản lý con dễ hơn. Khi ra ngoài, nếu có việc gì ngoài dự kiến, trẻ có thể sử dụng điện thoại công cộng. Điều quan trọng là bạn tập được cho con ý thức tự giác, chứ không phải sử dụng "thiết bị theo dõi" mọi lúc mọi nơi.
 
Theo Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ