Mẹ bỉm đi làm sau 6 tháng nghỉ sinh: Đầu óc lơ mơ, ngáp khi đang họp, xin nghỉ liên tục vì con ốm và cách giải quyết đáng học hỏi
Bà mẹ 2 con đã từng tự trách bản thân sao lại trở nên nửa vời và kém hiệu quả trong công việc đến thế, tuy nhiên 2 điều này đã giúp chị cân bằng mọi việc.
Sau khi kết hôn và có con, cuộc sống của người mẹ sẽ bước sang một trang mới, bao gồm cả sự nghiệp của họ. Đã có không ít chị em phụ nữ phải thay đổi công việc sau khi sinh để phù hợp hơn với tính chất gia đình và con nhỏ, sự nghiệp vì thế mà có sự ảnh hưởng nhất định. Sau 6 tháng ở cữ chỉ quanh quẩn chuyện bỉm sữa, con cái, khi quay trở lại môi trường công việc, hẳn bất kì ai cũng có cảm giác choáng ngợp.
Đó cũng là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Thủy (30 tuổi, hiện đang sống tại Vĩnh Phúc), là mẹ của 2 bé Lạc (5 tuổi) và Bia (3 tuổi). Sau khi sinh con, chị Thủy đã có một thời gian cảm thấy bị bỏ lại sau lưng so với các đồng nghiệp khác. Vẫn là công việc cũ, đồng nghiệp cũ... nhưng bản thân chị Thủy lại thay đổi. Và bà mẹ 2 con đã làm gì để tìm lại chính mình, cùng lắng nghe những tâm sự của chị Thủy nhé.
Vài nét về tác giả:
Nguyễn Thị Thu Thủy - 30 tuổi.
Nhân viên văn phòng/freelance writer về lĩnh vực làm cha mẹ, giáo dục và sống chánh niệm, tác giả blog MindfullyT.
Mẹ của 2 em bé Lạc (5 tuổi) và Bia (3 tuổi).
Chị Thủy, bà mẹ 2 con từng trăn trở vì sự nghiệp bấp bênh sau sinh.
Làm mẹ, tôi là ai trong sự nghiệp của mình?
Tháng 2 năm 2017, tôi quay lại với công việc ở công ty sau 6 tháng nghỉ sinh em bé đầu tiên, trong lòng vừa bồn chồn vì xa con, vừa khấp khởi hi vọng tìm lại mình trước khi sinh.
Trong suốt 6 tháng thai sản, mỗi ngày của tôi đều loanh quanh trong bốn bức tường nhà, chuyến đi thường xuyên nhất là từ giường ngủ đến phòng tắm, và công việc quan trọng nhất là cho bú - thay bỉm - ru ngủ cho một em bé. Sau những đêm dài thiếu ngủ, não tôi như đông đặc lại thành một khối bê tông, hiếm khi có ý tưởng gì mới lạ nảy ra từ đó.
Tôi tưởng như đã quên mất chính mình. Quên mất những vai trò mình từng đảm nhận. Quên mất những mối quan tâm rất "người lớn" và tự do, chẳng liên quan gì đến bỉm và sữa. Và dù rất hạnh phúc khi được gần gũi với con, tôi vẫn luôn cảm thấy có một cảm giác khao khát day dứt đến lạ kỳ: tôi thèm được là mình, được sống cho chính mình lần nữa.
Ngày đầu tiên trở lại công ty, tôi cứ ngỡ mỗi ngày 8 tiếng xa con sẽ là cơ hội để tôi được khỏa lấp khao khát ấy. Văn phòng này, những người đồng nghiệp này, công việc này - mọi thứ vẫn nguyên vẹn như khi tôi nói lời tạm biệt trước khi lên bàn đẻ. Chính xác hơn thì gần như mọi thứ vẫn nguyên vẹn, ngoại trừ… chính tôi.
Những khoảnh khắc ấm áp bên các con mà chỉ mẹ mới có được.
Đầu óc tôi lơ lơ lửng lửng như trên mây. Cho dù cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể tìm lại trạng thái làm việc tập trung như trước. Những việc trước đây tôi làm trong 15 phút thì giờ phải 30 phút mới xong. Buổi sáng sau những đêm thức chăm con ốm, tôi ngáp ngắn ngáp dài trong cuộc họp, đầu ong ong gần như chẳng nghe thấy đồng nghiệp nói gì.
Và chao ôi, đồng nghiệp! Họ thực sự rất độ lượng với tôi, chẳng ai chê trách gì, nhưng tôi luôn có cảm giác mình đang bị mọi người bỏ lại sau lưng. Tôi cảm thấy không còn thuộc về họ. Tôi tự trách bản thân sao lại trở nên nửa vời và kém hiệu quả trong công việc đến thế. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi mỗi lần phải xin nghỉ vì con ốm, xin về sớm vì con không có ai trông.
Trong suốt cả phần đời trước đó, tôi luôn định nghĩa mình là một người có trách nhiệm trong công việc. Nhưng từ khi làm mẹ, tôi có cảm giác điều đó không còn đúng nữa. Tôi không biết giá trị của mình là gì trong công việc, trong sự nghiệp của mình.
TÔI BỊ LÀM SAO VẬY?
Thực ra, tôi chẳng bị làm sao cả.
Những nghiên cứu khoa học thần kinh đã cho thấy sau khi sinh con, phụ nữ trải qua những thay đổi trong hệ thần kinh, khiến họ không thể làm tốt những công việc mà họ thường làm trước khi có con.
Nó là một cơ chế tự nhiên của cơ thể: não bộ của người mẹ đang tự điều chỉnh để tối ưu hơn với một vai trò mới và vô cùng quan trọng - làm mẹ. Nó cắt đi những kết nối nơ-ron cũ và tạo ra những kết nối mới cần thiết cho những kỹ năng làm mẹ. Đó là cơ chế tự nhiên giúp những đứa trẻ được che chở và lớn lên một cách an toàn.
Nếu như trước đây bạn có khả năng hoàn thành một công việc quan trọng trong 15 phút, thì bây giờ bạn lại có thể nghe thấy tiếng con khóc dù cách xa mấy lớp cửa. Nếu như trước đây bạn có thể ngồi hàng giờ tập trung nghiên cứu một tài liệu thì nay bạn có thể thức 3 đêm liên tiếp để bế con mà vẫn dậy đi làm vào buổi sáng.
2 em bé của chị Thủy.
Tuy nhiên, tin buồn cho chúng ta là: những kết nối nơ-ron cũ bị cắt đi có thể là những kết nối từng giúp bạn tỏa sáng trong công việc. Và thế là, bạn sẽ giống như tôi và bao bà mẹ khác, khổ sở với bộ não cá vàng và liên tục đặt câu hỏi về giá trị của mình trong sự nghiệp.
Không dừng lại ở đó, bản năng làm mẹ có những lúc tự dưng nổi lên cồn cào khi ở xa con. Trong chúng ta lúc nào cũng có hai bản thể: một bản thể thèm khát được chứng minh giá trị của mình thông qua công việc, sự nghiệp riêng, một bản thể khác là bản năng làm mẹ cứ thôi thúc chúng ta phải đặt con làm ưu tiên số 1.
Và cứ như thế, khủng hoảng định dạng cá nhân kéo căng người mẹ như một sợi dây đàn. Chúng ta thường xuyên phải đối mặt với cảm giác lo lắng, căng thẳng, tự trách cứ. Nghĩ đến con thì có lỗi với công việc, tập trung cho công việc thì có lỗi với con. Không dưới một lần tôi tự hỏi: Tôi sẽ sống nửa vời và mờ nhạt như con ký sinh trùng như vậy cả đời sao?
GIỜ TÔI PHẢI LÀM SAO?
Tìm lại mình - bài toán muôn thuở mà mẹ nào cũng phải từ từ giải quyết. Tuy nhiên, có hai điều mà tôi muốn nhắn nhủ tới những người mẹ đang trải qua cảm giác bấp bênh trong sự nghiệp:
- Định nghĩa lại về thành công
Nếu như với bạn trước đây, thành công là hoàn thành báo cáo một cách xuất sắc, thì nay hãy tự vỗ vai khen mình một cái mỗi khi bạn lết được đến công ty sau một đêm mất ngủ vì con.
Nếu như trước đây bạn luôn rửa bát, lau bát sạch sẽ sau mỗi bữa ăn, thì nay chỉ cần đến bữa nhà vẫn còn đủ bát sạch ăn cơm là được.
Nếu như mục tiêu trước đây của bạn là hoàn hảo, thì giờ hãy hài lòng ở mức hoàn thành. Hãy nhớ rằng trong những ngày tháng này, cách duy nhất để bình an là biết buông đi những kỳ vọng không thực tế.
Những khoảnh khắc đáng trân trọng bên gia đình.
- Định nghĩa lại chính mình
Thay vì chăm chăm đi tìm lại những cảm giác, những khả năng mà bạn từng có trước khi làm mẹ, hãy chấp nhận rằng bạn của hiện tại là tổng hòa của cả cũ kỹ và mới mẻ. Bạn là nhiều thứ cùng một lúc. Bạn không hoàn toàn giống trước nhưng vẫn giữ phần nào giá trị cũ. Và bên cạnh đó là những giá trị mới, kỹ năng mới trong vai trò người mẹ.
Lời kết
Không có câu trả lời nào dễ dàng cho câu hỏi "Làm sao để tôi tìm lại chính mình" đang canh cánh trong lòng những người mới làm mẹ. Tôi chỉ có thể khẳng định rằng: từ từ từng chút một, mọi thứ sẽ sáng tỏ cả thôi.
Bà mẹ 2 con đã dần tìm lại được niềm vui trong công việc lẫn cuộc sống.
Chia sẻ thêm về những tâm sự của bản thân, chị Thủy cho biết hiện tại đã tìm lại được điểm cân bằng mới trong công việc. Tuy nhiên điểm cân bằng này khác với trước khi có con: "Mình vẫn phải hạn chế làm thêm giờ, thi thoảng phải nghỉ đột xuất vì con ốm nên luôn làm việc trong trạng thái thu xếp sao cho có thể nghỉ phép bất cứ lúc nào.
Con càng lớn thì càng độc lập, bản thân mình cũng sẽ dành được nhiều thời gian và mối quan tâm cho công việc. Lúc này, có những khi mình lại cảm thấy hình như mình chưa dành quan tâm đủ nhiều cho con, đôi khi cảm thấy có lỗi với con.
Hiện 2 bé đã đều đi học mẫu giáo. Những ngày nghỉ học vì Covid-19 thì liên tục phải nhờ ông bà nội ngoại, hoặc có khi vợ chồng mình chia nhau vừa trông con vừa làm việc ở nhà. Các con đi học đều ngoan. Ở nhà đã tự biết làm một số việc chăm sóc cho bản thân. Mình thấy thời gian vô cùng eo hẹp. Vất vả thì có lẽ không quá vất vả, nhưng mình vẫn luôn canh cánh trong lòng cảm giác không đủ thời gian. Ngoài 8 tiếng ở công ty thì mình chỉ còn rất ít thời gian cho gia đình, con cái và cả bản thân".
Có lẽ không chỉ chị Thủy mà bất cứ mẹ bỉm nào cũng đã từng rơi vào trạng thái như thế, việc cân bằng giữa sự nghiệp và con cái thực sự khó khăn và cần mọi người mẹ phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, hãy dành ra một chút thời gian riêng cho bản thân mình, đừng để áp lực lẫn stress khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi. Bởi người mẹ có vui vẻ thì con cái và gia đình mới hạnh phúc!