Mẹ Anh chia sẻ 9 kinh nghiệm xương máu khi chăm bé sơ sinh
Dưới đây là những kinh nghiệm thú vị khi chăm sóc bé sơ sinh mà một bà mẹ Anh đã đúc kết được từ hành trình làm mẹ thú vị, tràn đầy cảm xúc của mình.
"Điều tuyệt với nhất khi trở thành mẹ là bạn bắt đầu trong vai trò một người học việc nhưng rất nhanh sau đó đã trở thành chuyên gia".
Đó là chia sẻ của Nicola Bonn, 34 tuổi, là mẹ của một em bé 14 tháng tuổi hiện đang sống ở London, Anh. Cô là chủ nhân của một blog làm cha mẹ được nhiều người theo dõi tên là Upfront Mama . Bonn chia sẻ, chăm sóc cô con gái Poppy 14 tháng tuổi chính là thách thức khó khăn nhất cô đã từng trải qua và giống như nhiều bà mẹ trẻ khác cô đã học hỏi được rất nhiều điều thú vị.
“Từ việc thiếu ngủ trầm trọng đến việc cho con bú, lần đầu làm mẹ thật không dễ dàng” – Bonn nói về những trải nghiệm làm mẹ của mình - “Chồng tôi, tôi và thiên thần nhỏ Poppy trở về nhà từ bệnh viện phụ sản khoảng 8 giờ tối chủ nhật. Cả ba đều mệt, đói, tâm trạng đầy háo hức xen lẫn chút lo lắng. Tôi cảm thấy thực sự sợ hãi, thiên thần bé xíu này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào vợ chồng tôi. Ở bệnh viên luôn có người sẵn sàng giúp đỡ, nhưng ở đây chỉ có 3 chúng tôi. Tôi không bao giờ quên được cảm giác hạnh phúc lâng lâng vào buổi sáng hôm sau khi biết rằng ít nhất mình đã vượt qua đêm đầu tiên. Từ đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”.
“Điều tuyệt với nhất khi trở thành mẹ là bạn bắt đầu trong vai trò một người mới học việc nhưng rất nhanh sau đó đã trở thành chuyên gia. Tôi học hỏi được khá nhiều từ mọi người xung quanh, và cũng tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn. Một số người gọi đó là “mẹo chăm con” nhưng với tôi đó là “thần hộ mệnh”.
Dưới đây là những kinh nghiệm thú vị khi chăm sóc bé sơ sinh mà Bonn đã đúc kết được từ hành trình làm mẹ thú vị, tràn đầy cảm xúc của mình.
1. Thay bỉm cho bé
Trước khi thay bỉm, bạn hãy đặt sẵn một chiếc mới dưới chiếc bé đang mang, sau đó lau rửa cho con, cuộn chiếc bỉm cũ lại, và thật tuyệt chiếc mới đã ở vị trí dành cho mình rồi.
2. Xử lý sự cố khi bé đi vệ sinh
Đôi khi trẻ sơ sinh gặp một số vấn đề khi giải quyết nhu cầu. Một lần Poppy đi ị nhưng không hiểu vì sao “vật đó” phóng từ người con bé qua chiếc nôi và chạm vào bức tường. Tôi cười chảy nước mắt và có một chút sững sờ.
Điều này xảy ra khi chất thải của bé tràn ra ngoài bỉm và quần áo. Bộ áo liền quần loại dài thường rất dễ tháo vì có nút cúc cả phía trước và phía dưới, nhưng với bộ cộc thì có vẻ không đơn giản như vậy vì không có hàng cúc phía trước. Tuy nhiên có một bí kíp là bạn hãy để ý bộ đồ cộc thường có đường nối hoặc vài nút cúc ở phần vai. Hãy mở chúng ra và cởi đồ bằng cách kéo xuống dưới. Bé con sẽ tránh được nguy cơ bị dính chất thải của chính mình lên mặt.
3. Mặc đồ cho bé
Nếu bạn băn khoăn không biết mặc bao nhiêu là đủ ấm, một quy tắc chung là hãy cho bé mặc nhiều hơn một lớp so với người lớn. Cha mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ của con bằng cách chạm vào ngực và bụng. Đừng dự đoán nhiệt độ cơ thể bằng cách chạm vào tay hay chân bé vì những vị trí đó thường lạnh hơn so với phần còn lại của cơ thể.
Một điều quan trọng nữa là đừng để con quá nóng: không nên quấn nhiều chăn, vào những ngày nhiệt độ cao, bé chỉ cần mặc đồ cộc hoặc đóng bỉm là đủ.
4. Bí kíp pha sữa
Một bí kíp đơn giản khi pha sữa cho con là hãy chuẩn bị sẵn nước sôi để nguội. Sau khi luộc bình, bạn thêm vào một ít nước nóng (không quá 70 độ C) và lượng sữa cần thiết, tiếp đó bạn cho thêm nước ấm và lắc. Không nên lắc mạnh vì sẽ hình thành bọt khí.
Sau khi hỗn hợp được trộn lẫn, bạn thêm vào chút nước lạnh, vậy là bình sữa đã sẵn sàng ở nhiệt độ thích hợp (Có thể bạn sẽ cần thực hành nhiều lần để biết tỷ lệ nước nóng và nước nguội phù hợp). Đừng quên kiểm tra trước nhiệt độ sữa ở cổ tay. Nếu bạn không thấy nóng, đó là bình sữa hoàn hảo vì đạt nhiệt độ tương đương với nhiệt độ cơ thể.
5. Tác dụng của việc địu con
Địu con trên lưng để bé ngủ khi bạn làm việc nhà. Trẻ rất thích được gần mẹ và nghe thấy nhịp tim của bạn. Mỗi lần như thế Poppy thường ngủ ngoan hàng giờ mà không hề khóc. Đó cũng là cách tôi áp dụng để xoa dịu mỗi khi cô nàng quấy khóc.
6. Đặt bé nằm đúng cách
Nếu bé khóc khi được đặt vào nôi hoặc khó chịu sau khi bú mẹ, không có nghĩa là con bị ốm hay lạnh, đó có thể là hiện tượng trào ngược thức ăn.
Nhiều cha mẹ không biết điều này vì không thấy dấu hiệu rõ ràng nào ngoài việc bé cứ khóc mãi, đặc biệt là khi đặt nằm. Vì thế tốt nhất là hãy đưa con đi gặp bác sỹ nếu bạn không rõ và vẫn còn băn khoăn. Riêng với Poppy thì chỉ cần một liều thuốc điều trị chống ợ và đặt đầu bé cao hơn một chút khi nằm là vấn đề được giải quyết.
7. Làm một bản ghi chú
Hãy làm một bảng theo dõi sinh hoạt hàng ngày: thời gian bé ti mẹ, bé uống bao nhiêu sữa mỗi lần nếu bạn cho con ăn sữa công thức, thói quen đi ị hay đi tè của con khi ngủ…Đó những thông tin hữu ích giúp bác sỹ đưa ra lời khuyên chính xác nhất trong trường hợp khẩn cấp và cũng giúp bạn hiểu rõ thói quen của con.
Ví dụ: Trẻ sơ sinh có thể dùng tới 6 chiếc bỉm một ngày, nước tiểu trong và không có mùi khó chịu. Sau đó bỉm bẩn sẽ nặng dần lên và chất thải có màu.
8. Chuẩn bị sẵn vài chiếc khăn cotton
Trẻ thường đi tè khi gặp lạnh, vì thế, hãy đặt sẵn một chiếc khăn cotton nhỏ ở vị trí cần thiết khi bạn thay bỉm. Nếu không mắt bạn có thể sẽ là điểm “hạ cánh” của “một vài thứ”.
9. Mát xa hàng ngày
Bạn nên học một khóa mát xa và xoa bóp cho con trước giờ ngủ. Tôi vẫn thường xuyên áp dụng cách này với Poppy, khi đó con bé hiểu rằng đã đến giờ thư giãn và nghỉ ngơi.
(Nguồn: Dailymail)