Mật ong được ví như "thần dược tự nhiên" nhưng trẻ dưới độ tuổi này ăn có nguy cơ ngộ độc cao
Mật ong là một loại thực phẩm có vị ngọt dễ chịu, hoàn toàn tự nhiên, nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Thế nhưng đối với trẻ em, cần phải cẩn trọng khi cho ăn, bởi nó có thể gây ngộ độc.
Tiếp xúc với nhiều loại thức ăn có mùi vị khác nhau trong những năm đầu đời là một điều cực kỳ thú vị và hấp dẫn với trẻ. Đặc biệt, mật ong có vị ngọt dịu, một số người nghĩ nó có thể là sự lựa chọn tốt để thay thế các chất làm ngọt khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị chờ đến khi trẻ tròn 1 tuổi mới thêm mật ong vào chế độ ăn của trẻ. Điều này bao gồm cả mật ong được sản xuất hàng loạt, mật ong tự nhiên chưa qua tiệt trùng. Quy định này cũng áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm và bánh mỳ chứa mật ong.
Những rủi ro khi cho trẻ ăn mật ong quá sớm
Rủi ro chính của việc đưa mật ong vào chế độ ăn của trẻ quá sớm là bị nhiễm độc botulism. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ ngộ độc cao nhất. Mặc dù tình trạng này hiếm gặp, hầu hết các trường hợp được báo cáo được chẩn đoán tại Mỹ.
Trẻ sơ sinh có thể bị ngộ độc botulism do tiêu thụ vi khuẩn Clostridium botulism có trong đất, mật ong và các sản phẩm từ mật ong.
Botulism là một tình trạng nghiêm trọng. Khoảng 70% trẻ sơ sinh mắc botulism có thể cần hỗ trợ thông qua máy thở suốt 23 ngày, thời gian nằm viện trung bình là 44 ngày. Hầu hết các trẻ em phục hồi sau khi được điều trị, tỷ lệ tử vong dưới 2%.
Các chất làm ngọt lỏng khác như mật đường và siro cũng có thể chứa nguy cơ ngộ độc botulism. Sirô cây phong thường được coi là an toàn vì nó được tạo ra từ bên trong thân cây, không tiếp xúc với đất.
Tuy nhiên, một số bác sĩ không khuyến nghị cho trẻ em dùng các chất làm ngọt cho đến sau khi tròn 1 tuổi.
Triệu chứng của botulism
Các triệu chứng phổ biến nhất của botulism bao gồm:
- Yếu ớt, mềm nhũn người
- Ăn kém
- Táo bón
- Mệt mỏi
Trẻ cũng có thể cáu gắt, gặp khó khăn trong việc thở hoặc có tiếng khóc yếu. Một số trẻ sơ sinh cũng có thể trải qua cơn co giật.
Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12-36 giờ sau khi tiêu thụ các thực phẩm bị nhiễm độc và thường bắt đầu bằng tình trạng táo bón. Tuy nhiên, một số trẻ em mắc botulism có thể không có dấu hiệu cho đến 14 ngày sau khi ăn mật ong.
Một số triệu chứng của botulism như sự mệt mỏi và cáu gắt, có thể dẫn đến chẩn đoán sai về các tình trạng khác như nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não. Do đó, bạn cần báo cho bác sĩ biết nếu cho con mình ăn mật ong để được kịp thời điều trị.
Những lợi ích khi cho trẻ ăn mật ong sau 1 tuổi
Mật ong có nhiều lợi ích dinh dưỡng mà trẻ có thể nhận được sau 1 tuổi. Mật ong có độ ngọt hơn đường thông thường. Điều đó có nghĩa là bạn nên sử dụng ít hơn so với đường thông thường mà vẫn có được hương vị tuyệt vời.
Một số lợi ích khác có thể bao gồm:
- Mật ong có thể làm giảm ho nhưng không nên sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Mật ong nguyên chất có thể giúp lành vết thương khi được áp dụng trực tiếp lên da. Tuy nhiên, phương pháp này không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vì vi khuẩn gây botulism có thể xâm nhập vào cơ thể qua da bị tổn thương.
Tuy nhiên, mật ong nguyên chất có thể gây ngộ độc botulism khi trẻ dưới 1 tuổi ăn. Giống như tất cả các chất làm ngọt khác, bạn không cần vội vàng cho trẻ ăn mật ong. Nếu muốn giới thiệu hương vị mới này cho con mình, bạn có thể thêm một chút mật ong vào các món ăn yêu thích của trẻ.
Giống như khi giới thiệu bất kỳ thức ăn mới nào, bạn chỉ nên cho trẻ ăn với số lượng rất ít và chờ 4 ngày xem có phản ứng dị ứng nào xảy ra không.
Để thêm mật ong vào chế độ ăn của bé, bạn có thể thử một trong những cách sau:
- Trộn mật ong vào bột yến mạch.
- Thoa mật ong lên bánh mì nướng.
- Trộn mật ong vào sữa chua.
- Thêm mật ong vào sinh tố tự làm.
- Sử dụng mật ong thay cho siro trên bánh waffle hoặc bánh kếp.
Tóm lại, mật ong có thể là một phần bổ sung tốt cho chế độ ăn của bé, nhưng quan trọng là cần chờ trẻ qua 1 tuổi. Các loại thức ăn cần tránh bao gồm mật ong dù là đã qua xử lý hay nguyên chất, cũng cần chú ý không nên cho trẻ ăn số lượng nhiều và phải phù hợp với độ tuổi.