Màn chắn trong suốt: Điểm mới trong sinh mổ giúp mẹ tận mắt chứng kiến quá trình chào đời của con
Với phát minh bức màn trong suốt, người mẹ có thể tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình sinh mổ của bản thân và gặp mặt con ngay khi bác sỹ đưa bé ra khỏi bụng mẹ.
Nhiều bà mẹ không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc kỳ diệu khi đứa con thân yêu chào đời nhưng thường không có cơ hội. Đặc biệt, trong các ca sinh mổ, người mẹ sẽ được tiêm thuốc gây tê và bị che một bức màn dày. Nhưng với phát minh bức màn trong suốt được đặt ngang bụng, họ có thể tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình sinh mổ của bản thân và gặp mặt đứa con ngay khi bác sỹ đưa ra khỏi bụng mẹ.
Với những người mẹ không muốn sinh con bằng phương pháp sinh mổ vì lý do phương pháp này hạn chế mối liên kết gần gũi giữa mẹ và bé thì tấm chắn trong suốt được cho là có thể giúp họ khắc phục nhược điểm này.
Bức màn trong suốt được đặt ngang bụng giúp người me tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình sinh mổ của bản thân và gặp mặt đứa con ngay khi được bác sỹ đưa ra khỏi bụng mẹ.
Cùng với phát minh trên, nhiều nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới như Alyssa Leon của Cherry Blossom Doula Services và Neely từ Ker-Fox Photography đã ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi người mẹ có thể lần đầu tiên nhìn thấy đứa con mới chào đời qua một bức màn trong suốt đầy sáng tạo. Tấm màn trong suốt này đã trở thành một xu hướng mới trong nhiều bệnh viện ở Australia.
Nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi người mẹ có thể lần đầu tiên nhìn thấy đứa con mới chào đời qua một bức màn trong suốt đầy sáng tạo.
Liz Wilkes - phát ngôn viên của Hội nữ hộ sinh Austrlia, cho biết, cô nhận thấy ngày càng nhiều người mẹ muốn khẳng định quyền lợi trong quá trình sinh nở của bản thân họ. Cô giải thích: “Với tỷ lệ gia tăng của số ca sinh mổ trên khắp đất nước, phụ nữ đang ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau và muốn tham dự vào chính quá trình sinh mổ đó. Tôi chưa thấy nhiều màn chắn trong suốt nhưng tôi đã chứng kiến nhiều người mẹ muốn yêu cầu bác sỹ dựng lên và gập bức màn chắn truyền thống xuống ở những giai đoạn nhất định trong suốt quá trình sinh mổ”.
Thông thường, người mẹ chỉ có thể gặp mặt đứa con mới chào đời sau ca sinh mổ một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, Liz cho biết sự tiếp xúc gần gũi giữa người mẹ và đứa trẻ sớm hơn sẽ tốt hơn rất nhiều. Đứa trẻ thường chỉ được kéo ra và đặt trực tiếp lên ngực người mẹ trong các ca sinh thường, còn trong các ca sinh mổ, sự tiếp xúc giữa mẹ và con thường bị chậm hơn.
Không chỉ có tác dụng giúp người mẹ chứng kiến toàn bộ quá trình sinh mổ của bản thân, bức màn trong suốt còn góp một tiếng nói về quyền lợi của phụ nữ trong việc sinh nở của bản thân.
Bằng cách được nhìn thấy quá trình sinh mổ, được gặp mặt con sớm hơn, các sản phụ sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn và yên tâm hơn trong cả quá trình sinh mổ. Nhờ vậy, chúng ta có thể hạn chế được những vấn đề có thể xảy ra khi người mẹ đón con chào đời.
Cảm giác kỳ diệu và mạnh mẽ khi được tận mắt chứng kiến đứa con của họ chào đời cũng có thể giảm thiểu khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) của người mẹ. Liz bổ sung: “Khi phụ nữ có cảm giác bất lực trong sinh nở, nguy cơ mắc PTSD có thể rất cao, và Australia là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ mắc PTSD và trầm cảm sau sinh rất cao.”
Với tấm chắn trong suốt này, dù là sinh mổ, mẹ và bé vẫn có sự kết nối sớm nhất.
Những lựa chọn như màn chắn trong suốt hay gỡ bỏ màn chắn chính là cách giúp hạn chế những vấn đề sau sinh đó.
Không chỉ ở Australia, xu hướng sinh mổ sử dụng màn chắn trong suốt này cũng được sử dụng ngày càng phổ biến ở các bệnh viện Mỹ từ năm 2015. Bà Molly Harvey, Giám đốc trung tâm Phụ nữ và trẻ em tại Crestwood Medical Center, Alabama (Hoa Kỳ) cho biết: "Với phương pháp sinh mổ sử dụng màn chắn trong suốt này, người mẹ không thể nhìn sâu vào bụng mình được nên sẽ không khiến họ sợ hãi. Chỉ đến khi con chào đời, bé sẽ được nâng cao lên để người mẹ tận mắt chứng kiến hình ảnh đầu tiên của con khi đến với thế giới".
Nguồn: Daily Mail, Mom